Siết quản lý xe thô sơ phải liên tục, lâu dài

(HQ Online)-Chỉ vài ngày gần đây tại Hà Nội đã liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan tới xe thô sơ. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh, quản lý, kiểm soát xe thô sơ phải là việc làm thường xuyên, lâu dài chứ ra quân rầm rộ trong thời gian ngắn không giải quyết được vấn đề.

Ông Nguyễn Trọng Thái

Ngay sau vụ tai nạn nghiêm trọng mới đây do xe thô sơ gây ra làm một cháu bé tử vong, Công an TP. Hà Nội đã ra quân tăng cường xử lý xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh trên các tuyến phố. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

- Hiện nay, không chỉ tại Hà Nội mà nhiều thành phố lớn khác, các xe thô sơ, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh... chở vật liệu như sắt thanh, nhôm thanh, tôn kính… gây mất an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến.

Mới đây, Công an TP. Hà Nội đã có đợt tăng cường xử lý các xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông trên địa bàn. Động thái này rất kịp thời, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, điều quan trọng là hoạt động phải duy trì thường xuyên, liên tục, không chỉ dừng ở chỗ chấn chỉnh, tăng cường mà còn tham mưu, đề xuất giải pháp để ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm tương tự, đặc biệt là trên những địa bàn phức tạp.

Các quy định quản lý xe thô sơ cũng như chế tài xử lý khi vi phạm vốn đã đầy đủ. Ông có cho rằng để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như hai vụ tai nạn mới đây tại Hà Nội, một trong những nguyên nhân quan trọng là khâu quản lý thực tế còn lỏng lẻo?

- Theo Luật Giao thông đường bộ, quy định quản lý xe thô sơ, xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh… chuyên chở hàng hóa, cụ thể như điều kiện tham gia giao thông, căn cứ, phạm vi hoạt động… được giao cho UBND các tỉnh ban hành. Sở Giao thông vận tải sẽ đảm nhiệm công tác tham mưu cho tỉnh. Bộ Giao thông vận tải cũng có Thông tư hướng dẫn các địa phương để địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế mà đưa ra quy định cho phù hợp. Sau khi UBND ban hành quy định, các cơ quan chức năng trên địa bàn phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm…

Vừa qua xảy ra hai vụ tai nạn đáng tiếc tại Hà Nội, phải thừa nhận tại một số địa phương, khâu quản lý xe thô sơ vẫn còn buông lỏng, chưa thực sự chặt chẽ. Quy định đã có, song nhiều khi cơ quan quản lý chưa quản được hết, đặc biệt tại khu vực vùng ven, hoạt động xây dựng nhiều. Đây là vấn đề cần đặc biệt khắc phục trong thời gian tới.

Hiện nay, khi bị xử lý, người điều khiển phương tiện thô sơ thường viện cớ hoàn cảnh khó khăn, mong sự “châm chước” từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Theo ông, đây có phải là một trong những vướng mắc trong quá trình xử lý các vi phạm?

- Mọi công dân đều phải tuân thủ pháp luật nên dù hoàn cảnh khó khăn, người điều khiển phương tiện thô sơ chở hàng hóa cũng phải chấp hành đúng quy định đặt ra. Điều quan trọng là công tác tuyên truyền tới các đối tượng liên quan cần được tiến hành tốt hơn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có thể linh hoạt theo hướng nếu phát hiện vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, song vi phạm còn tái diễn thì phải xử lý nghiêm.

Xin ông cho biết, về lâu dài cần phải làm gì để quản lý tốt hơn các phương tiện thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường, tránh tiếp diễn những tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ loại hình này?

- Để kịp thời ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự như vừa xảy ra tại Hà Nội, mới đây Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý hoạt động của xe thô sơ, xe mô tô, xe cơ giới ba bánh chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông.

Trong đó, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã: Tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn...

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/siet-quan-ly-xe-tho-so-phai-lien-tuc-lau-dai.aspx