'Siết' học sinh, sinh viên làm thêm: Như thế nào là hợp lý?

Dự thảo Luật việc làm sửa đổi đang được lấy ý kiến dành một chương quy định về chính sách hỗ trợ việc làm thanh niên, trong đó có quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên. Đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Sinh viên tìm kiếm việc làm tại Phiên giao dịch việc làm bán thời gian tại Hà Nội. Ảnh Lan Hương.

Hạn chế là cần thiết

Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm song không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc.

Nói về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đề xuất trên của Bộ LĐTBXH là phù hợp. Theo ông Lợi, vấn đề quan trọng cần phải có những quy định cụ thể quy định rõ về việc trả lương, vị trí việc làm để phù hợp với độ tuổi cũng như năng lực và nhu cầu của sinh viên.

“Sinh viên đi làm thêm không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn tích lũy những kỹ năng nghề nghiệp tuy nhiên chúng ta phải quản lý để các cơ sở sử dụng học sinh sinh viên không được trả lương cho các em thấp hơn quy định của mức lương tối thiểu vùng. Điều này thể hiện sự bình đẳng và thể hiện sự chi trả tiền lương phù hợp với sức lao động của các em” - ông Lợi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng, đề xuất sinh viên làm việc 20 giờ/tuần là phù hợp. Thực tế, đã có những trường hợp sinh viên do điều kiện gia đình hoặc mải mê đi làm thêm, khi lên lớp ngủ gật, ảnh hưởng đến việc học. Các trường đại học ở nước ngoài cũng quy định sinh viên đến du học được phép làm việc một tuần không quá 20 giờ.

“Bên cạnh quy định sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần, chúng ta nên có chính sách, biện pháp hỗ trợ tăng thu nhập hoặc cơ hội khác cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Vì một chính sách không thể giải quyết được mọi vấn đề” – PGS.TS Dương Kim Anh nói.

Không làm thêm sẽ không đủ chi phí

Đây là chia sẻ của rất nhiều sinh viên khi được hỏi về quy định siết giờ làm thêm.

“Đây là lần đầu tiên em biết đến có quy định giới hạn giờ làm thêm của sinh viên. Dù mới là sinh viên năm thứ 2 nhưng ngay từ năm đầu em đã xin đi làm thêm. Ngoài thời gian học, em đi bán đồ ăn ở quán hàng mỗi ngày 5 giờ, tiền lương 20.000 đồng/giờ, mỗi tuần làm từ 5 – 7 buổi. Tiền lương mỗi tháng được 2 – 2,5 triệu đồng góp phần chi tiêu cuộc sống hàng ngày. Nếu không làm với thời lượng đó chắc chắn em sẽ không đủ chi tiêu” - Nguyễn Hà An, sinh viên trường Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.

Cũng giống như Hà An, Nguyễn Đức Nam, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Hà Nội cũng chọn đi làm thêm để có thêm chi phí trang trải hàng ngày. “ Ở quê thu nhập không ổn định nên mỗi tháng bố mẹ cũng chỉ chu cấp cho em được 3 triệu đồng, với số tiền này cũng chỉ đủ trang trải tiền nhà trọ và tiền ăn. Vì thế để có tiền cho những hoạt động ngoại khóa em đi làm gia sư vào các buổi tối. Ban ngày buổi nào không phải học thời gian trống thì em đi làm phục vụ tại các quán ăn, quán cà phê…Tính chung mỗi tuần thời gian làm thêm của em dao động từ 30 đến 35 giờ. Nhờ làm thêm nên mỗi tháng em có thêm từ khoảng 3 đến 4 triệu đồng” - Nam cho biết.

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Đỗ Hoàng Giang, giám sát tuyển dụng và đối tác nhân sự của Công ty TNHH Vòng tròn đỏ cho rằng, DN luôn thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc đối với người lao động như trong quy định của Bộ luật Lao động. Nhưng, đứng về phía quan điểm của người đi làm, nếu quy định giới hạn giờ làm thêm của sinh viên sẽ hạn chế khả năng muốn kiếm thêm thu nhập và học hỏi thêm kinh nghiệm trong ngành của các bạn. Vì thế, Bộ LĐTBXH nên đề xuất một giải pháp chung, nghĩa là chỉ khuyến khích sinh viên làm việc 20 giờ/tuần, còn việc sử dụng thời gian ra sao hãy để sinh viên và chủ sử dụng lao động tự thỏa thuận.

Ông Vũ Quang Thành – Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nêu quan điểm, mỗi học sinh, sinh viên đều có mục đích nhu cầu khác nhau khi đi làm thêm. Tuy nhiên, cần cân đối giờ làm thêm với việc học. Dẫn chứng, ông Thành cho hay, hiện 80% học sinh ở các tỉnh về Hà Nội làm việc đều tham gia học tập. Để đảm bảo cuộc sống trong quá trình học cũng như có nhu cầu tích lũy kiến thức trước khi ra trường vì thế hầu hết sinh viên đều chọn đi làm thêm.

“Thông thường các ca làm việc đều kéo dài từ 4-6 tiếng. Nhiều sinh viên khác thậm chí còn chấp nhận làm thêm không đòi hỏi lương để nâng cao tay nghề. Vì thế việc quy định giờ làm thêm cần chủ động, linh hoạt cho các bạn sinh viên quyền lựa chọn phù hợp, vừa đảm bảo quá trình học tập vừa đảm bảo việc trải nghiệp nâng cao kinh nghiệm” - ông Thành nói.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện nay có nhiều nước trong khu vực và thế giới có quy định về giờ làm thêm của học sinh, sinh viên. Mỗi nước có một quy định khác nhau, không phải nước nào cũng hạn chế học sinh sinh viên làm thêm quá 20h/tuần. Điều này có sự khác biệt bởi phương thức quán lý lao động khác nhau. Một số nước chỉ áp dụng hạn chế học sinh, sinh viên làm thêm cho sinh viên ngoại quốc không áp dụng cho sinh viên nội địa nhằm bảo vệ sinh viên trong nước, tạo điều kiện để sinh viên có thời gian học tập tốt hơn. Đề xuất giới hạn giờ làm thêm sinh viên không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà vấn đề quan trọng là chúng ta tạo cơ hội để các em phấn đấu rèn luyện trải nghiệm mà vẫn đảm bảo được chất lượng học tập và đảm bảo phát triển một cách toàn diện.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/siet-hoc-sinh-sinh-vien-lam-them-nhu-the-nao-la-hop-ly-10276887.html