Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp

Những quy định mới của Chính phủ vừa ban hành có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Công ty TNHH một thành viên New Image Việt Nam tổ chức khóa đào tạo cho các nhà phân phối (ảnh do doanh nghiệp cung cấp)

Trước những khó khăn, vướng mắc trong quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, Chính phủ vừa ban hành các quy định mới nhằm siết chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh này.

Đa số không có văn phòng đại diện, chi nhánh

Công ty TNHH một thành viên New Image Việt Nam (trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh) bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Hải Dương từ năm 2015 với các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa non của bò nhằm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng. Theo thông tin từ doanh nghiệp, hiện nay có hơn 3.600 người tham gia bán hàng tại Hải Dương. Từ đầu năm đến nay, doanh thu gồm thuế qua hoạt động bán hàng tại Hải Dương của doanh nghiệp đạt hơn 59 tỷ đồng.

Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam (trụ sở chính cũng tại TP Hồ Chí Minh) chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng. Từ tháng 1 đến hết tháng 6.2023, có 196 người tham gia bán hàng tại Hải Dương. Doanh nghiệp đã tổ chức đào tạo cơ bản cho 40 người tham gia bán hàng tại Hải Dương thông qua phương thức trực tuyến.

Theo Sở Công thương, hiện nay, trên địa bàn Hải Dương có 14 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được sở xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương với hơn 15.000 người tham gia. Trong số này chỉ có duy nhất Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam có trụ sở tại Hải Dương, 13 doanh nghiệp còn lại có trụ sở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Các mặt hàng kinh doanh đa cấp chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng… Tổng doanh thu bán hàng trong năm 2022 đạt gần 600 tỷ đồng.

Trên thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hoạt động hợp pháp, công tác quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp tại địa phương vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Mạng lưới bán hàng đa cấp lớn trong khi đó nhân lực của các cơ quan quản lý địa phương còn hạn chế. Việc phối hợp nắm bắt, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý và người đại diện tại địa phương còn chưa hiệu quả. Đặc thù của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là địa điểm hoạt động linh hoạt. Người tham gia bán hàng đa cấp có thể gặp gỡ khách hàng tại nhà, tại nơi làm việc của khách hàng hoặc bất kỳ chỗ nào. Vì vậy, trường hợp các doanh nghiệp không có văn phòng đại diện, chi nhánh hoạt động tại địa phương thì công tác kiểm tra, giám sát cũng gặp nhiều khó khăn.

Sở Công thương phối hợp Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt quy định của pháp luật trong quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp

Năm 2022, Sở Công thương không nhận được phản ánh tiêu cực nào của người tiêu dùng về hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn, đồng thời không có doanh nghiệp nào bị xử lý vi phạm. Tuy nhiên, năm 2022, Sở Công thương đã thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương đối với Công ty TNHH Siberian Health quốc tế. Trước đó, với hàng loạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp, Công ty TNHH Siberian Health quốc tế đã bị Bộ Công thương thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và buộc phải chấm dứt hoạt động kể từ ngày 14.10.2022.

Nhiều doanh nghiệp đa cấp đã bị cơ quan chức năng rút giấy phép hoạt động trên phạm vi cả nước như Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Homeway Việt Nam...

Năm 2017, sau khi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tuyên bố chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp đối với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, nhiều người dân ở Hải Dương tham gia mạng lưới bán hàng cho doanh nghiệp này cũng đã vỡ mộng, tiền dành dụm từ thu hoạch mùa vụ, tiền con cho để dưỡng già... "đội nón" ra đi. Trên địa bàn Hải Dương cũng từng xảy ra các vụ việc tương tự khác.

Thêm nhiều quy định mới

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28.4.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 20.6.2023. Theo nghị định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải bảo đảm tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp. Quy định này nhằm thúc đẩy hoạt động bán hàng đa cấp phát triển đúng bản chất của hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng thay vì chỉ tiêu dùng trong nội bộ hệ thống người tham gia. Trường hợp doanh nghiệp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh tại địa phương thì phải cử đầu mối liên hệ tại địa phương và đầu mối này phải được đào tạo, trải qua kỳ kiểm tra kiến thức và được Bộ Công thương cấp xác nhận kiến thức mới có thể làm đầu mối cho doanh nghiệp. Hội nghị, hội thảo, đào tạo tổ chức dưới hình thức trực tuyến cũng phải thông báo đến Sở Công thương trước khi thực hiện...

Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hợp pháp cũng mong muốn các cơ quan chức năng có những chế tài mạnh mẽ hơn nữa để răn đe những tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, đa cấp biến tướng, đội lốt đa cấp để lừa đảo người dân. Qua đó, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp, bảo đảm môi trường hoạt động lành mạnh cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp.

HQ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/siet-chat-quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-da-cap-243045