Siết chặt nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ

Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sẽ có hiệu lực từ tháng 9. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH&CN) về vấn đề này.

CôngThương - Thưa ông, từ trước đến nay, chúng ta vẫn NK máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Tại sao đến bây giờ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) mới ban hành Thông tư quy định về lĩnh vực này?

Ông Đỗ Hoài Nam

Trước đây, việc NK máy móc, thiết bị được thực hiện theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg về quản lý xuất NK hàng hóa và Nghị định số 12/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua - bán hàng hóa quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình xem xét các dự án đầu tư chúng tôi thấy có rất nhiều doanh nghiệp (DN) NK vào Việt Nam máy móc, thiết bị đã qua sử dụng với công nghệ cũ, lạc hậu, gây hậu quả lớn về kinh tế như trường hợp của Vinashin, Vinaline,... Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN xây dựng một quy định riêng về việc NK máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Việc phối hợp giữa các bên để thẩm định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng sẽ được thực hiện như thế nào?

Theo phân công của Chính phủ, Bộ KH&CN thống nhất quản lý về công nghệ. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành thì chất lượng của các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng ít nhất phải còn 80% so với chất lượng ban đầu và không vượt quá 3- 15 năm sử dụng tùy từng chủng loại. Việc giám định được chất lượng của thiết bị, được căn cứ theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và theo Nghị định 132 hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Bộ KH&CN đã giới thiệu 3 trung tâm có thể giám định là Trung tâm 1, 2 và 3 của Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng thuộc Bộ KH&CN.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN khi gặp phải quy định thời hạn sử dụng máy móc, Nhà nước đã đưa ra điều khoản cho phép các DN có thể kiến nghị tăng thêm thời hạn sử dụng của các sản phẩm máy móc, thiết bị với những trường hợp cụ thể.

Nhiều người cho rằng, có những thiết bị cần phải NK đồng bộ với linh kiện cùng đời để thay thế, nhưng theo quy định của Thông tư 20 thì máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp không quá 3-5 năm sử dụng. Điều này gây khó khăn cho các DN, Bộ sẽ giải quyết như thế nào?

Thông thường, đối với các máy móc, thiết bị đến thời điểm cần bảo trì, bảo dưỡng thay thế phụ tùng thì các hãng vẫn tiếp tục sản xuất chứ không chỉ dừng lại vào thời điểm sản xuất các máy móc, thiết bị. Cho nên, việc quy định 80% chất lượng còn lại so với ban đầu cũng như quy định số năm sản xuất như vậy là phù hợp.

Tuy nhiên, để xử lý một số trường hợp đặc biệt, tại Khoản 7 Điều 14 của thông tư quy định: Trường hợp máy móc, thiết bị phụ tùng bảo đảm chất lượng trên 80%, nhưng số năm không bảo đảm với năm sản xuất theo đúng yêu cầu do được thay thế, được tân trang, sửa chữa thì Bộ KH&CN sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

Nga - Anh (thực hiện)

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/cong-nghiep/59856/siet-chat-nhap-khau-may-moc-thiet-bi-cu.htm