Show hẹn hò nhạt nhẽo, khán giả chán xem thí sinh đấu đá

Các chương trình truyền hình thực tế, vốn dựa vào toan tính của nhà sản xuất và phương pháp thao túng tâm lý khán giả, ngày càng trở nên nhàm chán.

Điều kỳ lạ gì đó đang xảy ra trong mùa cuối cùng của chương trình truyền hình thực tế Love Island.

Với 3,3 triệu lượt xem, tập đầu tiên của mùa thứ 7 trở thành tập ra mắt có tỷ suất người xem thấp nhất của show truyền hình đình đám nước Anh kể từ năm 2017.

Có lẽ, khán giả đang trở nên mất hứng thú với chương trình sau nhiều mùa kết duyên hoành tráng, theo VICE.

 Sức hút của game show hẹn hò đình đám Love Island đã "nguội" sau 7 mùa phát sóng. Ảnh: ITV.

Sức hút của game show hẹn hò đình đám Love Island đã "nguội" sau 7 mùa phát sóng. Ảnh: ITV.

Khán giả không còn mặn mà

Không khó để nhận thấy điều gì đang xảy ra. Love Island, một chương trình truyền hình thực tế dựa vào mưu tính của các nhà sản xuất, sự đau khổ và thao túng cảm xúc để thu hút người xem, đối mặt với yêu cầu đạo đức từ những khán giả hiện đại và có ý thức xã hội.

Khán giả muốn nội dung kịch tính, những cuộc tình tan vỡ và cả yếu tố bất ngờ. Nhưng đồng thời, họ muốn có sự trao đổi công bằng trong chương trình.

Nói một cách đơn giản hơn, người xem đã chán cảnh đấu đá đầy kịch tính giữa các thí sinh.

Gần đây, mọi người dần nhận ra tác động của sự nổi tiếng trên truyền hình thực tế đối với cả thí sinh và công chúng. Từ đó, họ kỳ vọng nhiều hơn vào các nhà sản xuất, yêu cầu phải đề cao nhiệm vụ chăm sóc những người tham gia chương trình.

Đây là phản ứng hoàn toàn hợp lý sau chuỗi cái chết đau lòng liên quan đến chương trình. Vài năm gần đây, lần lượt MC Caroline Flack, 2 cựu thí sinh và một người yêu của thí sinh tham gia Love Island đều qua đời do tự tử.

 Dường như khán giả đã nhàm chán những tình tiết giật gân trên sóng truyền hình. Ảnh: ITV.

Dường như khán giả đã nhàm chán những tình tiết giật gân trên sóng truyền hình. Ảnh: ITV.

Các nhà sản xuất từng rao giảng nhiều về các gói phúc lợi nhằm bảo vệ các thí sinh khỏi tác hại của sự nổi tiếng đột ngột và làn sóng chỉ trích trên Internet. Song, những người chơi và cả đánh giá viên đều tỏ ra hoài nghi.

Chẳng hạn, Jake Cornish, thí sinh tham gia mùa thứ 7, cho biết một số tài khoản mạng xã hội thậm chí dọa giết anh trước mặt cháu gái sơ sinh của anh.

Tuy nhiên, nó đồng nghĩa rằng các nhà sản xuất show truyền hình thực tế phải đối mặt với một vấn đề gần như không có giải pháp: lựa chọn đạo đức hay đề cao nội dung giải trí.

Liệu có khán giả nào muốn xem một chương trình mà người chơi đoàn kết, quây quần và đối xử tốt với nhau cả ngày?

Cần tử tế, đạo đức hơn

Ngay cả khi gạt vấn đề đạo đức qua một bên, một vấn đề cơ bản khác vẫn tồn tại. Đó là tính xác thực - thứ từng khiến các chương trình truyền hình thực tế trở nên nổi tiếng.

Hiện thí sinh đã biết khán giả mong đợi gì từ họ và đều để mắt tới chi tiết gì sẽ lan truyền trên mạng xã hội.

 Molly-Mae Hague (22 tuổi) vụt sáng sau khi tham gia game show hẹn hò.

Molly-Mae Hague (22 tuổi) vụt sáng sau khi tham gia game show hẹn hò.

“Chẳng hạn, dàn thí sinh tham gia show Selling Sunset đã thành thục ngôn ngữ của chương trình truyền hình thực tế cao cấp”, tác giả và phát thanh viên Elizabeth Day chia sẻ.

“Vì vậy, họ đến với chương trình với tâm thế chịu chơi, sẵn sàng giả vờ đi lại trên đôi giày gót cao chót vót mỗi ngày trong lúc môi giới bất động sản”, bà nói.

Trong khi đó, những influencer đầy tham vọng tìm đến các nhà sản xuất Love Island mỗi năm, với hy vọng lượng người theo dõi của họ trên mạng xã hội tăng gấp bội.

Tác giả Symeon Brown giải thích rằng mọi người nhìn vào thành công của cựu thí sinh Molly-Mae Hague, người hiện là giám đốc sáng tạo của hãng thời trang PrettyLittleThing, và muốn được như vậy.

Thế nhưng, chỉ có một Molly-Mae thôi. Thực tế cho thấy cứ mỗi một cựu thí sinh nhận được hợp đồng quảng cáo trị giá 6 con số, hàng chục người khác vừa không thể quay lại cuộc sống thường nhật, vừa không kiếm đủ thu nhập từ công việc “tạo ảnh hưởng”.

“Chương trình có thể biến bạn thành một anh hùng, hoặc kẻ xấu, hoặc chẳng ai cả”, nhà văn kiêm nhà sử học Paula Akpan nói.

Sau thời kỳ đỉnh cao, các chương trình thực tế rồi sẽ đến hồi thoái trào, và Love Island cũng vậy.

 Dàn thí sinh tham gia show Selling Sunset được đánh giá là có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Ảnh: Netflix.

Dàn thí sinh tham gia show Selling Sunset được đánh giá là có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Ảnh: Netflix.

Hiện các nhà sản xuất vừa phải đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả vừa phải đối xử công bằng với thí sinh và chuẩn bị sẵn sàng cho họ cuộc sống bên ngoài show. Nó chẳng khác nào thách thức họ bịt mắt chơi cờ trong khi mạng xã hội soi mói từng sai sót.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả điều trên và những phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, cũng như việc kiểm soát và khai thác hình ảnh, những chương trình truyền hình thực tế vẫn sẽ tồn tại dai dẳng.

Chúng thu về quá nhiều lợi nhuận, còn nhiều chủ đề chưa khai phá và đã tồn tại lâu đời.

Thay vào đó, trong tương lai, công chúng sẽ chứng kiến các show trở nên tử tế hơn, ít bóc lột hơn và cộng hưởng hơn với thời đại tiến bộ, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/show-hen-ho-nhat-nheo-khan-gia-chan-xem-thi-sinh-dau-da-post1318450.html