'Shipper nói tiếng Pháp' đoạt giải thưởng về dịch sách

Huỳnh Hữu Phước được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng Văn học dịch với tác phẩm 'Con gái' (tiểu thuyết của Camilie Laurens).

"Lúc đó cảm xúc của tôi như vỡ òa, cái niềm vui mà ngôn từ không thể nào diễn tả nổi".

Huỳnh Hữu Phước chia sẻ với Tri thức - Znews khi nhớ lại thời điểm biết tin nhận được giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2023. Chưa kịp định thần, hàng loạt tin nhắn, cuộc gọi chia vui của bạn bè, thầy cô ập tới, mừng thay cho những nỗ lực của nam sinh viên.

"Hiện tại, tôi vẫn đang chìm trong niềm vui nên cũng không biết ăn mừng như thế nào, tôi đang hạnh phúc lắm", chàng trai 26 tuổi bày tỏ.

Thành quả của sự cố gắng

Tác phẩm Con gái (tên tiếng Pháp là Fille), tiểu thuyết của Camilie Laurens, cũng là cuốn sách đầu tiên Hữu Phước dịch, được xuất bản vào tháng 7 vừa qua.

Cụ thể, Hữu Phước quen một người chị làm dịch giả, thường cùng nhau nói chuyện về văn chương. Cuối năm 2021, chính người chị này đã kết nối, gợi ý anh dịch cuốn sách.

"Ban đầu, tôi hơi e dè vì bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm dịch thuật. Bên cạnh đó, dịch sách của một văn sĩ đương đại như Camilie Laurens không phải dễ. Nhưng sau khi được khích lệ, tôi cũng muốn thử sức".

Hữu Phước (áo cam) giành giải thưởng với cuốn sách dịch đầu tay. Ảnh: Thanh Trần.

Thời điểm đó, Hữu Phước đang trong thời gian bảo lưu việc học, làm nhiều công việc trong đó có giao hàng để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Vì vậy, ngoài những thách thức trong việc chuyển ngữ, chàng trai TP.HCM phải tìm cách vừa đảm bảo việc đi làm mưu sinh, vừa dịch sách. Nhớ lại quãng thời gian đó, shipper mê tiếng Pháp cảm thán: "Cũng stress thật".

Cũng trong thời gian dịch sách, ngoài những khó khăn về vật chất, Hữu Phước đối diện nhiều khủng hoảng về tinh thần, phải điều trị chứng rối loạn lo âu. Tuy nhiên, anh cảm thấy may mắn khi có được sự đồng hành, hỗ trợ của người thân quen và ban biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam để hoàn thành.

Cuốn "Con gái" (Fille) do Hữu Phước dịch từ tiếng Pháp. Ảnh: P.N.V.N.

"Với tôi, việc nhận được giải thưởng vừa rồi như một sự ghi nhận, động lực vô cùng lớn để thúc đẩy tôi cố gắng nhiều hơn trong tương lai".

Theo giới thiệu của Hữu Phước, cuốn Con gái (Fille) lần lượt lật mở số phận của người phụ nữ thông qua nhân vật Laurence Barraqué - người đối diện với những thay đổi trong xã hội Pháp suốt 40 năm.

Sinh năm 1959 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Laurence Barraqué lớn lên cùng chị gái ở thành phố Rouen phía bắc Pháp, cha cô là bác sĩ, mẹ là nội trợ.

Ngay từ rất sớm, thông qua ngôn ngữ và cha mẹ, Laurence hiểu được rằng vị trí của người con gái trong cuộc đời luôn thấp kém hơn con trai. Tới những năm 90, khi đã làm mẹ, cô vật lộn với câu hỏi: "Ý nghĩa của việc là một cô gái?", và bài học nào cô nên dạy hoặc không cho con gái mình.

Sự kiện "chàng shipper nói tiếng Pháp" thay đổi cuộc đời

Huỳnh Hữu Phước gắn với tên gọi này và nổi tiếng trên nhiều nền tảng mạng xã hội sau khi xuất hiện ở buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy tại TP.HCM vào tháng 11/2022.

Khi đó, vẫn còn mặc nguyên chiếc áo khoác màu cam của một dịch vụ giao đồ ăn, Hữu Phước không cần phiên dịch, tự đặt câu hỏi bằng tiếng Pháp cho tác giả, khiến nhiều độc giả có mặt và cả chính Marc Levy bất ngờ.

"Đặc biệt trong tiểu thuyết Ngày đầu tiênĐêm đầu tiên, những tình tiết sâu sắc rất được săn đón. Bác đặt câu hỏi về nguồn gốc của vũ trụ, niềm tin, vậy mạn phép hỏi bác, bác có được những kịch bản tinh tế như vậy ở đâu? Nguồn cảm hứng của bác là từ đâu?", nam shipper hỏi, có phần run và hơi vấp vì lần đầu phát biểu trước mặt đông người đến vậy.

Đoạn video Hữu Phước giao lưu bằng tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Thanh Trần.

Video ghi lại cảnh Hữu Phước giao lưu nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Sự quan tâm, thích thú càng được đẩy lên cao khi anh xuất hiện trong chiếc áo đồng phục giao hàng.

"Có lẽ nhiều người hay mặc định shipper là lao động chân tay và ít làm việc đầu óc, nên việc một shipper đến sự kiện sách, lại có thể giao tiếp với tác giả bằng tiếng Pháp khiến mọi người quan tâm hơn, chứ tôi thấy cũng không có gì đặc biệt”, Hữu Phước từng chia sẻ sau sự kiện.

Không dừng lại ở đó, câu chuyện phía sau hình ảnh chàng shipper mê sách, mê tiếng Pháp cũng khiến nhiều người nể phục. Theo đó, Hữu Phước là cựu học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), được học tiếng Pháp từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh thi đậu vào ngành tiếng Pháp của Đại học Sư phạm TP.HCM.

Hữu Phước có niềm đam mê tiếng Pháp và dịch thuật nhưng từng phải tạm gác lại do hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC.

Thời điểm đó, do gia đình gặp biến cố, Hữu Phước phải dọn ra ở trọ, đi làm nhiều công việc từ bảo vệ, phục vụ nhà hàng đến shipper để có tiền trang trải. Đến năm thứ 3 đại học, không thể gồng gánh thêm, lại có vấn đề về sức khỏe, anh đành xin bảo lưu kết quả học tập để đi làm kiếm tiền nuôi ước mơ trở lại giảng đường.

Ngày giao lưu với nhà văn Marc Levy, nam shipper đã "tắt app" sớm, gác lại công việc để tạm thời được bàn về đam mê. Sau khi đặt câu hỏi, anh cũng không ngờ mình sẽ nổi tiếng đến vậy, tiếp tục đi giao hàng cho đến khi được nhiều người liên hệ. Cũng nhờ sự kiện đó, Hữu Phước được nhiều nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ và có chi phí quay lại học.

"Tôi cảm thấy sự kiện năm ngoái giống như ngã rẽ thay đổi dòng chảy cuộc đời tôi sang một chương mới, sáng sủa hơn song cũng nhiều thách thức hơn".

Hiện, Hữu Phước không còn chạy giao hàng. Bên cạnh việc học, anh làm thêm một số công việc freelance qua mạng để trang trải thêm, tập trung hoàn thành 3 học kỳ cuối để tốt nghiệp.

"Trước mắt, tôi muốn hoàn thành chương trình cử nhân và học lên thạc sĩ, đồng thời cũng ấp ủ những dự án dịch khác", anh bày tỏ.

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/shipper-noi-tieng-phap-doat-giai-thuong-ve-dich-sach-post1449723.html