SHANGRILA vùng đất bất tử

Shangrila là thị trấn nhỏ thuộc Châu tự trị của dân tộc Tạng, nằm ở phía tây bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đây là nơi tiếp giáp của ba tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và khu tự trị Tây Tạng. Shangrila là cửa ngõ duy nhất để vào Tây Tạng với 3 con sông song song được công nhận là di sản tự nhiên của thế giới.

Vùng đất tiểu Tây Tạng...

Nằm trên cao nguyên cao hơn 3.300m so với mực nước biển, Shangrila được bao quanh bởi những ngọn đồi xanh thẳm, hồ nước đẹp thơ mộng, núi tuyết trắng muốt và cả bầu không khí trong lành. Nền nhiệt ở đây rất dễ chịu, quang cảnh thay đổi theo từng mùa, mỗi mùa lại mang vẻ đẹp đặc trưng khác nhau.

Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc, trong đó người Tạng chiếm phần lớn. Trong quá khứ, thị trấn Shangrila từng là điểm dừng chân quan trọng trên Con đường Tơ lụa phía nam Trung Quốc và là nơi giao thoa văn hóa Hán - Tạng. Vùng đất này là một trong số ít khu vực sinh sống của người Tạng từ lâu đời và được bảo tồn đến ngày nay. Hiện nay, Shangrila gồm hai khu là phố cổ và phố mới. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, tôn giáo và ẩm thực của dân tộc Tạng.

Một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Shangrila là Songzanlin - được dựng theo nguyên mẫu thu nhỏ của cung điện Potala - Lhasa Tây Tạng, ngự ở độ cao 3.200m. Nhìn từ xa, Songzanlin hiện lên nguy nga và kỳ vĩ với những tường thành dát vàng rực rỡ cùng những bức tượng phật khổng lồ. Nếu Shangrila được mệnh danh là “vùng đất bất tử” thì có lẽ không một nơi nào có chất siêu thực, huyền bí như tại tu viện Songzanlin.

Trên “vùng đất bất tử” này, chùa Đại Phật Tự là điểm lý tưởng để ngắm hoàng hôn đẹp nhất. Nơi đây còn có Tháp Kinh Luân to nhất thế giới, cần đến 6-8 người góp sức mới xoay được tháp. Khi đặt chân đến chùa này, chúng tôi cùng du khách bắt nhịp quay Kinh Luân cầu bình an. Theo hướng dẫn viên, quay theo chiều kim đồng hồ để cầu nguyện may mắn, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.

Ngay dưới Đại Phật Tự là thành cổ Dukezong với tuổi đời hơn 1.300 năm, nằm trên địa hình đồi núi. Tổng thể khu thành cổ độc đáo này được gìn giữ qua nhiều thế hệ, tuy nhiên, đến năm 2014, một trận hỏa hoạn lớn đã làm hư hại nhiều ngôi nhà cổ. Hiện nay, thành cổ chỉ còn sót lại một số tàn tích cũ, lưu giữ nét đẹp kiến trúc truyền thống của người Tây Tạng xưa. Về đêm, Dukezong hiện lên vẻ tĩnh lặng, hàng quán đóng cửa sớm, đường phố vắng vẻ, khiến du khách có cảm giác thời gian trôi đi rất chậm và tách biệt với thế giới náo nhiệt ngoài kia.

Nét ẩm thực giản dị...

Trong những ngày đến cao nguyên này, chúng tôi được tìm hiểu nhiều phong tục của người Tạng, được trải nghiệm những hoạt động thường nhật của người dân địa phương, đặc biệt được chạm tay vào những chú bò Yak mà trước đây chỉ nhìn thấy trên các thảo nguyên của Tây Tạng. Đến với vùng đất này, chúng tôi còn có cơ hội trải nghiệm nhiều loại đặc sản thảo dược, thảo mộc quý và được thưởng thức nhiều đặc sản Shangrila với phong cách rất Tây Tạng.

Ẩm thực tại Shangrila đa dạng với nhiều món đặc trưng như: lẩu bò, trà bơ, hạt thô, rượu lúa mạch... được bán tại các quán ăn địa phương. Trong đó, lẩu bò Yak là món ăn truyền thống và là biểu tượng ẩm thực của người Shangrila. Đây cũng là món ăn được du khách đặc biệt yêu thích. Thịt bò vừa mềm, vừa có chút dai giòn, nhúng trong nước lẩu cay cay giúp xua tan giá lạnh mùa đông.

Vùng đất này còn là nơi sở hữu loài nấm Mátutake được mệnh danh là vua của các loài nấm, chỉ có thể tìm thấy tại những khu rừng nguyên sinh không bị ô nhiễm như tây bắc Vân Nam, Lâm Chi, Tây Tạng. Tại các quán ăn ở Shangrila, có rất nhiều cách chế biến món nấm này như nướng than hoa, nấu lẩu...

Thức uống phổ biến nhất tại Shangrila là trà bơ. Theo giới thiệu của người bản địa, loại thức uống này có nhiều calo, giải cảm tốt và có tác dụng tăng nhiệt trước khí hậu lạnh giá nơi đây. Ngoài ra, khi đến thị trấn này, du khách có thể thử và mua một số quà bánh khác như sữa chua Shangrila, bia Shangrila, thịt khô Pipa hoặc bánh bột lúa mạch rang Zanba làm đồ ăn vặt...

Nét phong tục cổ truyền...

Đi trên đường phố Shangrila, bạn sẽ thấy bất kể đàn ông hay phụ nữ, người già hay trẻ em, trang phục truyền thống của người Tạng chỉ mặc một tay áo. Tay áo bên trái khoác lên, còn tay áo bên phải để hở, không mặc trên người mà buộc ngang eo.

Giải thích cho cách đeo đặc biệt này, một giả thuyết cho rằng người Tạng chủ yếu sống ở cao nguyên với độ cao và thời tiết khắc nghiệt. Khi thời tiết nắng nóng, người Tạng có khi cởi 2 tay áo và buộc quanh eo, thuận tiện cho việc lao động và có thể tản nhiệt. Tuy nhiên, khí hậu trên cao nguyên hay thay đổi, mây, mưa và mưa đá trong một ngày, vì vậy người Tạng có thói quen chỉ mặc một ống tay áo để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cánh tay phải để tiêu tán một phần nhiệt dư, là phương pháp tự điều chỉnh để thích ứng với môi trường có nhiệt độ thay đổi.

Bản thân người Tạng thường mô tả sự thay đổi khí hậu ở địa phương là “một ngọn núi có bốn mùa, cách đó mười dặm thời tiết khác nhau”, áo choàng và cạp quần của người Tạng cũng được làm từ chất liệu tốt, có thể chống lạnh. Áo choàng đặc biệt lớn nên có thể mặc làm quần áo vào ban ngày, ban đêm có thể dùng làm tấm trải giường. Người dân ở đây thường mặc nguyên quần áo khi đi ngủ, đặc biệt với những người sống du mục.

Lễ táng là một trong những phong tục đặc biệt của người Tạng, trong đó phổ biến nhất là Thiên táng, ngoài ra còn có Thổ táng, Thủy táng, Hỏa táng, Tháp táng. Các vùng khác nhau có quan điểm riêng về phong tục chôn cất khác nhau, trong đó, Thổ táng được coi là hèn hạ nhất, dành cho những người chết vì các bệnh truyền nhiễm như bệnh phong, đậu mùa, hoặc cho những kẻ trộm cướp, giết người...

Khi đến vùng đất “tiểu Tây Tạng” này, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, hầu hết người dân ở các vùng núi xa xôi không giỏi giao tiếp với người ngoài. Những phong tục tập quán dân gian, trong đó còn rất nhiều tập tục lạc hậu của các dân tộc vẫn còn được lưu truyền. Khi hiểu sai ý họ, bạn cũng đừng nản lòng, cử chỉ, nụ cười và thái độ chân thành có thể thu hẹp khoảng cách do rào cản ngôn ngữ mang lại. Cũng như bạn tò mò về họ, họ cũng tò mò về bạn! Đôi khi họ rất khó gần, khó tiếp xúc, thậm chí sẽ có những phản ứng tự vệ khi bạn chụp hình hay lại gần, đôi khi họ quay đi, e ngại xua tay che ống kính máy ảnh và điện thoại của bạn. Hãy hiểu rằng hầu hết họ không có ác ý, nhưng chính sự tò mò tìm hiểu của bạn đã khiến họ phòng vệ. Đây cũng là cơ hội để họ nhìn ra thế giới qua những du khách là nhịp cầu nối giúp họ bước qua giới hạn của không gian truyền thống để hòa nhập với thế giới bên ngoài!

PHẠM TẤN LỜI

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/shangrila-vung-dat-bat-tu-post290588.html