SFOM thảo luận triển vọng kinh tế thế giới và chủ đề ưu tiên tài chính năm APEC 2017

Online - Hội nghị Quan chức Tài chính cao cấp APEC (SFOM) đã thành công tốt đẹp sau hai ngày nhóm họp tại Ninh Bình. Tại hội nghị, đại diện từ 21 nền kinh tế thành viên APEC và định chế tài quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... đã đạt được đồng thuận về nhiều chủ đề ưu tiên tài chính APEC 2017.

Triển vọng kinh tế khả quan

Châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhân loại đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều nguy cơ phá vỡ các thị trường lao động truyền thống. Theo dự báo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), triển vọng kinh tế ngắn hạn trong khu vực đang bị ảnh hưởng bởi nhiều bất ổn và thách thức, đòi hỏi từng nền kinh tế thành viên APEC phải tiến hành các hoạt động kinh tế với sự hỗ trợ của hợp tác đa phương và phải có các chính sách hỗ trợ tăng trưởng trong khi thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng cường khả năng phục hồi và tính bao trùm của tăng trưởng kinh tế.

Đại diện 21 nền kinh tế APEC và các định chế tài chính tham dự SFOM. Ảnh: Hải Trịnh.

Tuy dự báo triển vọng của cho thấy tương lai kinh tế khu vực còn gặp nhiều thách thức, khó khăn, nhưng các chuyên gia IMF, WB, ADB và Trung tâm nghiên cứu chính sách APEC (PSU) đưa ra nhận định nền kinh tế thế giới đã lấy lại đà tăng trưởng và sẽ duy trì khá ổn định động lực này. Viễn cảnh cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và tốc độ tăng trưởng sẽ còn tiếp tục gia tăng. Nhiều nền kinh tế thành viên APEC cũng được đánh giá tích cực, có tác động tốt tới điều hành chính sách của mỗi nền kinh tế.

Tăng trưởng trong khu vực APEC trong năm 2017 dự kiến sẽ cao hơn nhưng các nền kinh tế thành viên có mức độ tăng trưởng khác nhau. SFOM đưa ra khuyến nghị các nền kinh tế APEC cần tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa đang áp dụng, tăng cường đầu tư, nhất là đầu tư vào con người và hạ tầng, và tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ đa phương.

Tại SFOM lần này, các quan chức cao cấp APEC đã đạt được một số đồng thuận về 4 ưu tiên của Năm APEC 2017 do Việt Nam là chủ nhà. Cụ thể các đại biểu tập trung thảo luận 4 nội dung là: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận và Tài chính toàn diện. Các thành viên APEC và các định chế tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng đã đánh giá tình hình kinh tế tài chính toàn cầu và khu vực, thảo luận về các rủi ro và thách thức mà khu vực đang đối mặt.

Chống xói mòn thuế và đối tác công tư

Trong hai ngày, các thành viên APEC đã dành thời gian thảo luận để cùng đưa ra các quy định và thông lệ tốt đối phó với việc xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của các tập đoàn xuyên quốc gia (viết tắt tiếng Anh là BEPS) dẫn tới tình trạng thất thu thuế ở các nước nguồn tính thuế. SFOM hoan nghênh sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế như WB, ADB và OECD đối với các nền kinh tế đang phát triển, giúp tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn, nhất là các chuẩn mực tối thiểu như báo cáo quốc gia, hồ sơ chuyển giá, công cụ đa phương nhằm thực hiện chương trình chống xói mòn thuế và dịch chuyển lợi nhuận.

BEPS là phương thức trốn thuế do các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước nơi các tập đoàn, doanh nghiê%3ḅp này tiến hành hoạt đô%3ḅng sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuâ%3ḅn sang những nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không. Thực tiễn cho thấy chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận là vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có giải pháp mang tính tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương. Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận đặc biệt thiết thực với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, giúp bảo vệ nguồn thu, duy trì và mở rộng cơ sở tính thuế. Do đó, việc nghiên cứu triển khai các giải pháp cụ thể để hướng tới một hệ thống thu ngân sách bền vững hiệu quả là cần thiết.

Cũng tại SFOM, chủ đề “Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng” - Phân bổ rủi ro trong các dự án đối tác công tư (PPP)” nhận được nhiều chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm giữa các nền kinh tế thành viên APEC. SFOM đánh giá cao những đóng góp quan trọng của các tổ chức quốc tế trong việc đúc kết và phổ biến kinh nghiệm xây dựng ma trận chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP và các công cụ để giảm thiểu rủi ro trong một số lĩnh vực như phát triển hạ tầng cao tốc, xây dựng cầu cảng, sân bay…

Kết thúc hai ngày làm việc, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã thảo luận và đồng thuận trong nhiều vấn đề về: Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; Tài chính toàn diện – Tài chính cho nông nghiệp, nông thôn. Những kết quả đã đạt được tại SFOM lần này sẽ được báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.

HỮU DƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/sfom-thao-luan-trien-vong-kinh-te-the-gioi-va-chu-de-uu-tien-tai-chinh-nam-apec-2017-507832