Sét đánh chết hàng tấn cá, chuyên gia chỉ cách phòng tránh

Chuyện hy hữu vừa xảy ra ở một địa phương tại Quảng Bình khi hơn 3 tấn cá lóc mà ngư dân nuôi sắp khai thác bất ngờ bị dông sét đánh chết.

Sáng 11/10, ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - cho biết địa phương đã có chỉ đạo hỗ trợ người dân nuôi thủy sản bị thiệt hại sau vụ dông sét xảy ra trên địa bàn.

Theo ông Trung, khoảng 21 giờ 30 hôm qua, 10/10, tại thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc xảy ra trận dông sét dữ dội kèm theo mưa lớn. Đến sáng nay, nhiều chủ hồ nuôi trồng thủy sản tại địa phương này phát hiện cá lóc chết hàng loạt, tấp vào ven bờ sau khi bị sét đánh.

Ước tính số cá lóc bị sét đánh chết là trên 3 tấn.

Theo thống kê, 10 hồ cá của 5 hộ dân ở thôn Tân Hải bị sét đánh trúng, khiến hơn 3 tấn cá lóc sắp thu hoạch chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, một số cá thì xảy ra tình trạng lờ đờ.

UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết trận dông sét ở địa bàn không gây thiệt hại về người nhưng lượng lớn cá lóc bị sét đánh chết đã khiến nhiều chủ hồ thiệt hại lớn. Địa phương đang tìm cách hỗ trợ người dân tìm hướng tiêu thụ lượng cá bị sét đánh.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện tượng sét đánh vào mặt nước không phải là hiếm gặp. Sét có thể đánh vào bất cứ vị trí nào. Khi đánh vào mặt nước, sét sẽ lan truyền trong khoảng từ 100-200m. Cá và các loài thủy sinh vật trong vùng sét đánh sẽ bị chết.

Khi một luồng điện như sét đánh xuống hồ, năng lượng điện bị phân tán ra nhiều hướng, trong đó chủ yếu lan trên bề mặt nước. Vì vậy, năng lượng thường không gây nguy hiểm cho những sinh vật nằm sâu trong lòng nước, đặc biệt với những ao hồ diện tích rộng. Tuy nhiên những con cá sống bơi gần mặt nước hoặc cạnh điểm xảy ra tia sét thì tỉ lệ "bỏ mạng" sẽ cao hơn.

"Giống như người ta sử dụng bẫy điện để đánh bắt cá, tia sét cũng hoạt động theo nguyên lý tương tự. Cá trong vùng bị tia sét lan truyền sẽ bị điện giật và chết"

TS Nguyễn Xuân Anh khuyên, mọi người cần ra ngay khỏi những nơi chứa nước như biển, ao, hồ... khi có dông hoặc sét. Không ít trường hợp người đi thuyền bè hay đánh bắt cá ở Việt Nam đã thiệt mạng do sét đánh. Ngay cả khi chơi trong hồ bơi vào lúc mưa gió, sấm chớp cũng cần cẩn thận. Khả năng người bị điện giật chẳng may sét đánh trúng hồ là vẫn có.

Để bảo vệ các ao, đầm nuôi trồng thủy sản khỏi bị sét đánh, TS Nguyễn Xuân Anh khuyên người dân nên lắp các kim thu sét hoặc dây chống sét để phòng tránh rủi ro sét đánh chết cá, đặc biệt trong các tháng cao điểm dông sét.

Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), tỉ lệ sét đánh trúng một địa điểm vào khoảng 1/500.000. Xuất hiện ở đâu, khi nào thường ngẫu nhiên, tuy vậy những nơi có khả năng cao là khu vực đất trống, các cây cao, và cả vùng ao hồ…

Năm 2021, khoảng 1,6 tấn cá sặc bổi của người huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) chết bất ngờ sau cơn mưa dông. Cuối tháng 6/2020, ao cá ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng bị sét đánh trúng, thiệt hại hơn 1 tấn cá.

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ sét xuất hiện nhiều nhất ở tâm dông châu Á. Đây cũng là một trong ba tâm dông có cường độ dông sét hoạt động mạnh trên thế giới. Biến đổi khí hậu cũng khiến dông sét ngày càng nhiều và phức tạp hơn ở Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam đón hơn 2 triệu cú sét đánh.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/set-danh-chet-hang-tan-ca-chuyen-gia-chi-cach-phong-tranh-16922101111531679.htm