Sếp ngân hàng kiến nghị loạt giải pháp tháo gỡ nút thắt tín dụng

Lãnh đạo các ngân hàng Agribank, BIDV, MB, VPBank vừa kiến nghị loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ra nền kinh tế như đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án bất động sản, cần tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước…

Tại báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dù lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, tuy nhiên, đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, mới đạt 1/3 kế hoạch năm nay.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các ngân hàng đã kiến nghị loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ra nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn tín dụng cho ngành bất động sản như Quốc hội và Chính Phủ luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các TCTD triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép "chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất" tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở.

Một số ngân hàng vừa kiến nghị loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ra nền kinh tế.

Một số ngân hàng vừa kiến nghị loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ra nền kinh tế.

Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án cho chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc về pháp lý, thủ tục cho các dự án. Đặc biệt các doanh nghiệp có nhiều dự án dang dở, ưu tiên các dự án có tỷ lệ hoàn thiện xây dựng cao để hoàn thiện sản phẩm bàn giao nhà cho người dân.

Đề xuất NHNN phân nhóm bất động sản để có chính sách quản lý và phát triển phù hợp, ưu tiên nhà ở thu nhập thấp, bất động sản khu công nghiệp... xem xét có chính sách ưu tiên; bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng... mang tính chất đầu tư cần quy hoạch, quản lý riêng để phát triển ổn định và bền vững.

Theo ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank, việc tăng trưởng tín dụng thấp của Agribank do tính chất mùa vụ trong hoạt động nông nghiệp nhưng bên cạnh đó còn do những nguyên nhân cơ bản như khách hàng không đáp ứng các điều kiện cho vay, có khách hàng vay để đảo nợ tránh nợ xấu tại ngân hàng khác, để cơ cấu lại tài chính, thanh toán trái phiếu đã phát hành nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay, hoặc là khách hàng trong tình trạng hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu vay vốn vì không có thị trường tiêu thụ, thậm chí khi có nguồn sẵn sàng trả để giảm dư nợ để chờ thời cơ phục hồi kinh doanh.

Trong điều kiện hiện nay, ông Ấn cho rằng, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo cơ chế tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước, qua đó ưu tiên quản lý mục tiêu thay cho quản lý hành vi, để ngân hàng thương mại nhà nước chủ động, linh hoạt, có nhiều giải pháp sáng tạo trong đầu tư vào công nghệ, phối hợp với các công ty Fintech để tạo các sản phẩm dịch vụ mới một cách nhanh nhất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.

Vị Chủ tịch cũng mong muốn, Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của Agribank.

Đồng quan điểm, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo có hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường vốn.

Việc tăng khả năng phục hồi cho nền kinh tế cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả cung và cầu, thực hiện chính sách tài khóa mạnh mẽ, mở rộng, giảm áp lực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các kế hoạch kinh doanh.

"Bên cạnh đó, một việc quan trọng là cần tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước", lãnh đạo ngân hàng BIDV nhận định.

Mặt khác, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank đề xuất hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện vay thì ngân hàng có thể chấp nhận nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai.

“Bên cạnh đó, để giảm lãi suất, nếu chúng ta không giữ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng các chính sách khác ổn định… thì sẽ rất khó", vị CEO VPBank chia sẻ.

Ông Vinh cho biết, trong 6 tháng đầu năm hai động lực về đầu tư và xuất khẩu đều khó khăn nhưng rất may đầu tư công đã phục hồi. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội cho tăng trưởng, đưa được nguồn vốn lớn cũng ứng ra nền kinh tế nhưng điều đó là không đủ. Theo ông, cần tập trung để kích thích tiêu dùng nội địa vì đây sẽ là yếu tố quan trọng nhất.

"Tôi mong rằng các chính sách thúc đẩy sẽ tạo ra những thay đổi dần trong quý III và quý IV. Đây là điều kiện quan trọng nhất trong điều hành vĩ mô cho phép chúng ta hướng đến sự tăng trưởng.", ông Vinh nói.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/sep-ngan-hang-kien-nghi-loat-giai-phap-thao-go-nut-that-tin-dung-1093941.html