Sene Đôlta - mùa báo hiếu của đồng bào Khmer

Năm nay, trong 3 ngày (từ ngày 13 đến ngày 15/10/2023, tức ngày 29/8 đến 1/9 âm lịch), khoảng 1,3 triệu đồng bào Khmer Nam bộ vui mừng đón Lễ Sene Đôlta (lễ cúng ông bà). Đây là lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống của đồng bào Khmer gìn giữ qua nhiều thế hệ, thể hiện nét đẹp 'báo hiếu' với đấng sinh thành, với tổ tiên, cũng như bày tỏ lòng biết ơn những người có công với đất nước và phum, sóc.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chúc Lễ Sene Đônta tại chùa Preah Buone Preah Phek và động viên người dân Khmer đón lễ thật đầm ấm, vui tươi, giàu bản sắc văn hóa. Ảnh: Phương Nghi

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chúc Lễ Sene Đônta tại chùa Preah Buone Preah Phek và động viên người dân Khmer đón lễ thật đầm ấm, vui tươi, giàu bản sắc văn hóa. Ảnh: Phương Nghi

Mùa báo hiếu của đồng bào Khmer

Lễ Sene Đôlta là ngày lễ mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", thắt chặt sự đoàn kết giữa tình làng nghĩa xóm. Lễ được tổ chức tại chùa và gia đình, là dịp để các gia đình, dòng tộc sum họp bên nhau, cầu mong sức khỏe, dâng quà cho ông bà, cha mẹ và làm lễ cầu phước cho người quá cố, phù hộ cho phum, sóc được thịnh vượng.

Theo ông Dương Châu Ôl, nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam bộ: Lễ Sene Đôlta là lễ cúng ông bà lớn nhất trong năm, diễn ra trong 3 ngày, với nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán tốt đẹp đều diễn ra tại các chùa Khmer, mỗi ngày đều có công việc và ý nghĩa riêng.

“Lễ rước ông bà” diễn ra tại các gia đình có bàn thờ tổ tiên. Vào dịp này, bà con dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên và làm mâm cơm cúng để rước ông bà về sum họp gia đình. Còn “Lễ đưa ông bà” là ngày cúng lớn, tổ chức vào ngày cuối của thời gian diễn ra “Lễ đặt cơm nắm”, có hoa quả, nhang đèn... rồi mời họ hàng và gia đình sum họp đầy đủ, cùng nhau cúng vái. Sau các nghi thức diễn ra tại chùa xong, mọi người lập tức quay về nhà, mỗi gia đình đều làm một chiếc thuyền bằng bẹ chuối dài từ 5 - 7 tấc, trang trí cờ màu sắc rực rỡ, có lúa, gạo, muối, đậu, bánh trái, nhằm đưa tiễn ông bà quá cố về thế giới của mình. "Thông qua lễ này, đồng bào Khmer muốn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là giáo dục con cháu sống phải nhớ về nguồn cội” - ông Châu Ôl nói.

Từ nhiều ngày qua, tiếng kinh kệ đã vang vọng khắp chùa Preah Buone Preah Phek (chùa Bốn Mặt) ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Trời sụp tối, đồng bào Khmer đều hội tụ về chùa để nghe các vị sư thuyết pháp, tụng kinh cầu siêu cho người thân, họ hàng đã mất. Nhiều người còn dắt theo con cháu để răn dạy sự hiếu đạo, lòng biết ơn ông bà ngay từ khi còn bé. Khi trời hửng sáng, cũng là lúc nhiều phật tử có mặt ở chùa để dâng cơm, dâng đèn, thắp hương và thực hiện các nghi thức để tưởng nhớ người quá cố. Tất cả tạo nên sự linh thiêng, thành kính và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với các đấng sinh thành.

Anh Thạch Kim Dũng, ấp Phước Thuận (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng tổ chức lễ Sene Đôlta rất long trọng, đi lễ chùa để tỏ lòng biết ơn người đã khuất, ông bà, cha mẹ và để giáo dục con trẻ sau này biết ơn nghĩa, biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp các thành viên trong gia đình gặp gỡ, trao đổi về đời sống, tinh thần, nhất là động viên nhau nỗ lực làm kinh tế để xây dựng phum sóc, xây dựng chùa chiền, xã hội phát triển”.

Vui cùng phum, sóc

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi rõ rệt. Mùa lễ Sene Đôlta về mang theo không khí háo hức, rộn ràng trên các phum, sóc, không khí trong mọi gia đình đều rất ấm áp, vui vẻ. Nhà nhà đều nhộn nhịp tiếng nói cười của các thành viên, người đi làm ăn xa tranh thủ về thăm cha mẹ, anh em, còn dòng họ xa gần cũng được dịp tay bắt mặt mừng, ăn với nhau bữa cơm thân mật.

Lễ Sene Đôlta về mang theo không khí háo hức, rộn ràng trên các phum, sóc. Ảnh: Phương Nghi

Lễ Sene Đôlta về mang theo không khí háo hức, rộn ràng trên các phum, sóc. Ảnh: Phương Nghi

Vài ngày trước khi diễn ra Lễ Sene Đôlta truyền thống của đồng bào Khmer, các sư trong chùa đã trang trí cờ hoa, sơn phết lại vách tường, tu sửa các công trình phụ, dọn dẹp cảnh quan môi trường để tạo diện mạo mới cho chùa. Trước và trong những ngày vui mừng Lễ Sene Đôlta, các tỉnh, thành có đông đồng bào dân tộc Khmer, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều hoạt động quan tâm, hỗ trợ kịp thời các gia đình hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách để bà con có điều kiện đón lễ đầy đủ, ấm áp. Bên cạnh đó, còn phối hợp với các chùa tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí theo bản sắc văn hóa dân tộc Khmer như: tổ chức thi đấu thể thao, văn nghệ, các trò chơi dân gian mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer.

Ông Danh Phi Nê, người có uy tín cộng đồng ấp Tha La, xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) vui vẻ nói: “So với trước đây, hiện nay, đời sống đồng bào Khmer xã Ngọc Biên đổi thay rất nhiều. Những năm gần đây, thực hiện Chương trình MTQG 1719, đời sống dân sinh được đầu tư nhiều hơn, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống đồng bào Khmer nơi đây được cải thiện tích cực. Đón Sene Đôlta năm nay, gia đình tôi cùng bà con Khmer ở Ngọc Biên rất phấn khởi và đã chuẩn bị tươm tất, chu đáo hơn các năm trước, vì kinh tế gia đình ngày càng khấm khá”.

Về các ấp Cù Lao, Cái Giá, Đay Tà Ni (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) trong những ngày này, chúng tôi bắt gặp hình ảnh đồng bào Khmer đang tranh thủ dọn dẹp lại nhà cửa, bàn thờ gia tiên và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Ông Sơn Sà Vươl, ở ấp Cái Giá chia sẻ: "Mừng Lễ Sene Đôlta năm nay, đồng bào Khmer tổ chức trang trọng, để tỏ lòng tưởng nhớ ông bà đã mất và tôn vinh giá trị hiếu đạo. Nhà nào cũng chuẩn bị mâm cơm, lễ vật thật tươm tất để cúng kiến, tùy vào điều kiện của mỗi nhà mà vật cúng khác nhau, nhưng điểm chung đều thể hiện lòng thành kính của con cháu với tổ tiên”.

Về với phum sóc đồng bào Khmer trong dịp Lễ Sene Đôlta cổ truyền năm nay, tất cả sẽ diễn ra trong khung cảnh thanh bình, no ấm, thể hiện cuộc sống mới ngày càng phát triển và sung túc. Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, bà con Khmer ở các phum, sóc đang có một lễ hội rộn ràng niềm vui.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sene-dolta-mua-bao-hieu-cua-dong-bao-khmer-post467531.html