SEA Games 29 - Cùng nhau tỏa sáng

Tối nay, 19-8, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 29 sẽ khai mạc tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Người hâm mộ kỳ vọng vào một sân chơi ngày càng chuyên nghiệp, đúng khẩu hiệu “Cùng nhau tỏa sáng” như Ban tổ chức đặt ra.

Các VĐV điền kinh là hy vọng vàng của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Ảnh: Minh Hoàng

Một đại hội tiết kiệm

Sau 16 năm, Malaysia mới tổ chức một kỳ SEA Games. Tuy nhiên, nước chủ nhà không "sa lầy" vào việc xây mới những công trình thể thao đồ sộ để rồi sau đại hội lại trở thành gánh nặng kinh tế. Thay vào đó, Malaysia tận dụng những cơ sở thể thao hiện có và sử dụng cả những trung tâm thương mại, hội nghị để làm địa điểm thi đấu. Vì vậy, tại SEA Games lần này có tới 5 cụm thi đấu ở Kuala Lumpur thay vì tập trung ở Khu liên hợp thể thao và một số địa điểm thi đấu khác như tại một số kỳ SEA Games gần đây. Ngoài ra, nước chủ nhà SEA Games 29 cũng không xây Làng vận động viên mà để các đoàn ở khách sạn. Việc này sẽ khiến các đoàn phải di chuyển nhiều hơn nhưng Ban tổ chức tin rằng hệ thống giao thông công cộng sẽ giải được bài toán này.

Cũng vì nước chủ nhà SEA Games 29 không xây Làng vận động viên, nên công tác tổ chức, điều hành của các đoàn cũng có khó khăn nhất định. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn từng chia sẻ: "Khó khăn trong việc điều hành, di chuyển trong thời gian diễn ra SEA Games 29 là có thật. Tuy nhiên, các vận động viên phải thích nghi bởi đây là khó khăn chung. Nhiều đoàn khác cũng trong hoàn cảnh này nên càng không có lý do để phàn nàn”.

Nhờ không xây mới các công trình thể thao và Làng vận động viên nên kinh phí tổ chức SEA Games 29 thấp hơn rất nhiều so với những kỳ SEA Games gần đây, ước tính nước chủ nhà chỉ mất khoảng 105 triệu USD. Trong khi đó, Singapore chi gần 300 triệu USD để tổ chức SEA Games 28 năm 2015, Myanmar chi khoảng 400 triệu USD cho SEA Games 27 năm 2013, Indonesia chi trên 200 triệu USD cho SEA Games 26 năm 2011… Điều này một lần nữa cho thấy, việc tổ chức SEA Games sẽ trở nên đơn giản rất nhiều nếu có giải pháp phù hợp.

Ngôi đầu cho nước chủ nhà?

Tại SEA Games 29, nước chủ nhà Malaysia và Thái Lan đương nhiên sẽ trong cuộc đua giành ngôi nhất toàn đoàn. Trong hơn 5.300 vận động viên đăng ký tham dự, nước chủ nhà Malaysia có tới hơn 900 vận động viên. Thái Lan dù làm khách song cũng cử tới 858 vận động viên góp mặt. Trong khi đó, Indonesia đứng thứ ba với 629 vận động viên đăng ký. Đoàn Việt Nam có 476 vận động viên tham dự. Chỉ cần nhìn qua số lượng vận động viên cũng đủ thấy tham vọng của Malaysia và Thái Lan. Trong số này, khả năng nước chủ nhà SEA Games 29 giành ngôi nhất toàn đoàn vẫn được đánh giá cao hơn cả. Không cần đưa các môn truyền thống của mình vào chương trình thi đấu, nước chủ nhà SEA Games 29 cũng được dự báo sẽ chiếm ưu thế trên bảng tổng sắp huy chương. Nhiều nội dung thế mạnh của các đoàn khác đã bị cắt giảm đáng kể, trong đó có môn vật, rowing, các nội dung đồng đội bắn súng và đấu kiếm… - thế mạnh của thể thao Việt Nam, đã tạo nên lợi thế đáng kể cho nước chủ nhà.

Vấn đề khác gây chú ý tại những kỳ SEA Games gần đây chính là mức độ và mật độ tranh cãi ở nhiều môn võ, đặc biệt ở những nội dung biểu diễn. Kết quả ở những nội dung này nhiều khi phụ thuộc vào cảm tính của trọng tài nên càng khó đoán. Thế nên, dù sở hữu cả dàn vận động viên hàng đầu khu vực Đông Nam Á, trong đó có nhà vô địch ASIAD 2014 Dương Thúy Vi, song Ban huấn luyện đội wushu Việt Nam cũng chỉ đặt mục tiêu giành 2 Huy chương vàng tại SEA Games 29. Còn Ban huấn luyện nội dung biểu diễn của đội tuyển pencak silat Việt Nam cũng chỉ hy vọng giành 1 Huy chương vàng.

Nhưng như chính người trong nghề thừa nhận, vốn dĩ, cách chấm điểm ở những môn võ như wushu, pencak silat, taekwondo… đã thiên về cảm tính. Vì vậy, sẽ khó tránh khỏi tranh cãi ở những môn này. Quan trọng là mức độ và mật độ tranh cãi có làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của SEA Games 29 hay không?

Tất nhiên, ở những môn “cân đong đo đếm” như điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng… vẫn còn nhiều điều hấp dẫn phía trước. Thể thao Việt Nam mới chứng tỏ được một phần ở những môn này và còn nhiều mục tiêu phải chinh phục, trong đó đầu tiên là phải vượt qua chính các vận động viên Đông Nam Á khác. Riêng ở những môn trong chương trình thi đấu của Olympic như cầu lông, bóng bàn… đội tuyển Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều mới mong có huy chương vàng.

Tất cả để thấy SEA Games vẫn có nhiều điều đáng chờ đợi chứ không chỉ là “ao làng” với nhiều mánh khóe như nhiều người vẫn đề cập. Không kể, SEA Games đã vượt qua những giới hạn thể thao thông thường khi còn là nơi kết nối, củng cố quan hệ, khẳng định sự đoàn kết giữa các quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy, đôi lúc bảng tổng sắp huy chương hay kể cả những tranh cãi, nếu có, cũng chỉ là thứ yếu so với những giá trị mà SEA Games mang lại cho các nước Đông Nam Á.

“Bữa tiệc” âm thanh, màu sắc, ánh sáng

Những hình ảnh từ các buổi diễn tập cho thấy, lễ khai mạc SEA Games 29 diễn ra lúc 19h tối nay (giờ Việt Nam) hứa hẹn là “bữa tiệc” của âm thanh, màu sắc, ánh sáng. Để bảo đảm an ninh, an toàn cho lễ khai mạc trên sân vận động Quốc gia Bukit Jalil, nước chủ nhà Malaysia đã huy động 8.000 nhân viên an ninh, cảnh sát. Lực lượng quân đội cũng sẵn sàng tham gia khi cần thiết. Tại lễ khai mạc, vận động viên đấu kiếm Vũ Thành An là người cầm cờ của Đoàn Thể thao Việt Nam.

Minh Quang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/SEAGames/875802/sea-games-29---cung-nhau-toa-sang