Sẽ thông xe cầu Châu Đốc dịp lễ 30/4

Cầu Châu Đốc có ý nghĩa không chỉ với người dân An Giang mà còn góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng. Công trình sẽ rút ngắn thời gian từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch vùng biên giới.

Với quyết tâm của chủ đầu tư cùng các nhà thầu trong quá trình thi công, công trình cầu Châu Đốc đã vượt tiến độ 9 tháng so với kế hoạch đề ra. Điều này mang đến niềm vui cho người dân và mong chờ tới ngày được đi trên cây cầu đúc hẫng cân bằng đầu tiên bắc qua sông Hậu.

Người dân khấp khởi chờ ngày đi trên cầu Châu Đốc

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, cầu Châu Đốc (An Giang) là một phần của dự án tuyến liên kết vùng với tổng kinh phí 2.100 tỷ đồng, nối Kiên Giang - Đồng Tháp, Trong đó, giá trị xây dựng phần đường 897 tỷ đồng; phần cầu Châu Đốc và đường dẫn vào cầu 534 tỷ đồng.

An Giang là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ.

Hệ thống giao thông kết nối khu vực, ngoài quốc lộ 1 là tuyến trục chính kết nối các tỉnh, thành ĐBSCL, còn một số tuyến quan trọng như quốc lộ 62 nối từ quốc lộ 1 (Tân An) đến Mộc Hóa; tuyến quốc lộ 30 nối từ quốc lộ 1 qua Cao Lãnh, đến Hồng Ngự, Tân Hồng; quốc lộ 91 nối quốc lộ 1 đi Long Xuyên, Châu Đốc, tạo thành các tuyến đường ngang chính.

Cả khu vực biên giới giáp với Campuchia chưa hình thành các trục giao thông dọc. Do đó, nếu tuyến N1 (trong đó có đoạn tuyến từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) hình thành hoàn chỉnh sau khi có cầu Châu Đốc không những góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch mà còn kết nối các tỉnh ĐBSCL phía tây bắc, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển kinh tế các huyện, xã vùng biên giới...

Người dân mong chờ ngày khánh thành để được đi trên cầu Châu Đốc.

Từ ngày khởi công cho đến nay, ông Huỳnh Văn Sáu (60 tuổi, ngụ thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) rất vui mừng khi chứng kiến cây cầu Châu Đốc dần hình thành, nối nhịp đôi bờ thị xã Tân Châu và thành phố Châu Đốc của tỉnh An Giang.

"Mỗi ngày công trường thi công rầm rộ, tôi cũng nóng lòng chờ cây cầu hoàn thiện để cảm nhận đi xe máy qua sông Hậu khác so với đi phà như thế nào", ông Sáu chia sẻ.

Trong khi đó, với anh Phan Tuấn Kiệt (35 tuổi, ngụ thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang), sau khi cầu Châu Đốc hoàn thành sẽ giúp cho việc qua lại thăm người thân bên phía bờ thị xã Tân Châu (An Giang) được thuận tiện hơn.

"Nhà vợ tôi bên phía bờ thị xã Tân Châu, tôi thường xuyên chở vợ và các con về để thăm ông bà.

Việc đi phà như hiện tại rất mất thời gian, cho nên tôi mong đến ngày cầu Châu Đốc khánh thành để việc đi lại thuận tiện hơn", anh Kiệt phấn khởi nói.

Thông cầu đúng ngày giải phóng miền Nam

Có mặt trên công trường cầu Châu Đốc, PV ghi nhận nhiều thiết bị, máy móc dùng để đổ bê-tông đã được dời đi. Hiện tại, trên cầu chỉ còn một số thiết bị chuyên dụng dùng để hoàn thiện cây cầu theo quy định.

Anh Vũ Văn Thảo, cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công cầu Châu Đốc thông tin, đến thời điểm này, nhiều công đoạn quan trọng đã thi công xong.

Hiện tại, cầu Châu Đốc chỉ còn thảm nhựa mặt đường, lắp lan can và đèn chiếu sáng là đã hoàn thành.

"Đến nay, các đơn vị liên quan đã chọn xong mẫu lan can, cho lắp thử và đảm bảo theo yêu cầu nên đã cho đúc lan can đại trà.

Dự kiến vài hôm nữa, lan can sẽ về tới và chúng tôi sẽ tổ chức cho công nhân lắp đặt trên toàn bộ cây cầu", anh Thảo thông tin thêm.

Lan can cầu Châu Đốc sẽ được lắp xong trong tháng 3/2024.

Cũng theo anh Thảo, với tiến độ thực hiện như hiện nay, cây cầu Châu Đốc sẽ được hoàn thành và được khánh thành vào ngày 30/4 tới.

"Không giống với các cây cầu khác khi bắc qua sông lớn, cầu Châu Đốc được thực hiện bằng hình thức đúc hẫng cân bằng. Do vậy, chi phí thực hiện chỉ bằng 60% so với làm cầu bằng dây văng.

Chúng tôi quyết tâm sẽ đưa cây cầu Châu Đốc vào sử dụng theo kế hoạch đã được đề ra là vào ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tức là ngày 30/4/2024", anh Thảo chia sẻ.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (chủ đầu tư) cho biết, việc xây dựng cầu Châu Đốc vượt sông Hậu có mục tiêu và ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần mở rộng không gian đô thị của thị xã Tân Châu và thành phố Châu Đốc.

Từ đó, tạo điều kiện cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, thu hút khách du lịch và các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh An Giang để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong thời gian tới.

Đến nay, tổng khối lượng hoàn thành gói thầu đạt khoảng 93%, sớm hơn thời gian thực hiện hợp đồng khoảng 9 tháng.

Dự án cầu Châu Đốc có tổng mức đầu tư trên 534 tỷ đồng, do hai đơn vị liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam và Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 thi công.
Cầu Châu Đốc có 13 nhịp, trong đó bốn nhịp chính dài 260m, khoang thông thuyền rộng 75m, cao 11m. Mặt cầu thiết kế bốn làn xe, rộng 14m, vận tốc 60km/h.
Đây là cầu thứ ba bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, Vàm Cống. Sau khi hợp long, đơn vị thi công tiếp tục làm phần đường dẫn, dự kiến hoàn thành toàn bộ cuối năm 2024.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/se-thong-xe-cau-chau-doc-dip-le-30-4-192240306232352591.htm