Sẽ ra sao khi điểm tựa mất đi...

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Câu cửa miệng của nhiều người trước biến cố ập đến với gia đình, người thân hay bạn bè. Có người mạnh mẽ bước qua, có người dễ dàng buông bỏ. Trên hành trình 'vượt ải' đó, phụ nữ thường có xu hướng tìm điểm tựa. Song, không phải điểm tựa nào cũng vững chãi với thời gian…

1. Nổi tiếng là “sinh ra ở vạch đích” từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, Ngọc Thủy tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân loại khá. Rất nhanh sau đó, cô nắm giữ vị trí phó phòng marketing tại công ty do gia đình làm chủ. Sóng gió chỉ bắt đầu khi ba cô - tổng giám đốc công ty - bị nhân viên tố có quan hệ bất chính với một nhân viên nữ. Những lời xì xầm, bàn tán đến tai mẹ cô, người phụ nữ hiền lành cả đời chỉ biết vun vén cho gia đình, chấp nhận lui về làm hậu phương cho chồng thăng tiến. Bà suy sụp, không dám ly hôn vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng của chồng nhưng cũng không chấp nhận được cuộc sống với người chồng “đồng sàng dị mộng”. Căn biệt thự rộng hơn 200m2 ngày nào rộn rã tiếng cười nói của các thành viên trong gia đình, nay chỉ còn những tiếng cãi vã, oán hận, cả tiếng còi xe cấp cứu đôi lần inh ỏi trước cửa nhà. Thủy trở thành nguồn sống duy nhất của mẹ. Cô bỏ hẳn việc ở công ty, chỉ quanh quẩn ở nhà chăm mẹ. Cuộc sống giữa bốn bức tường ngột ngạt, nhiều đêm thức trắng vì sợ mẹ lên cơn co giật, những lần đập phá kéo dài bất tận năm này qua tháng nọ khiến cô gái trẻ chỉ biết gồng mình chịu đựng. Sức khỏe mẹ ngày càng suy yếu. Trong giấc ngủ chập chờn, Thủy tự hỏi nếu mẹ - người thân duy nhất còn lại đối với cô, xảy ra chuyện gì, liệu rằng cô có đủ sức đi tiếp cuộc đời mình?

Tận hưởng niềm vui cuộc sống bên bạn bè cũng là cách để người phụ nữ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

2. Mười năm hôn nhân với đủ mọi cay đắng ngọt bùi, Thanh Trang và chồng quyết định “đường ai nấy đi” do có nhiều bất đồng về suy nghĩ và quan điểm sống. Dù chồng vẫn đều đặn chu cấp tiền nuôi con nhưng bản năng của người phụ nữ làm mẹ đơn thân buộc cô tự đặt ra nhiều mục tiêu, kế hoạch cho cuộc đời mình. Người mẹ trẻ lựa chọn không đi bước nữa để dành toàn bộ thời gian, tình cảm và tài chính lo cho cậu con trai vừa lên lớp 6. Từ việc con học trường gì, chơi với bạn nào, đi du lịch ở đâu đều do một tay cô sắp xếp. Thời gian đầu sau ly hôn, hai mẹ con như hình với bóng, tâm sự đủ chuyện vui buồn. Thanh Trang thường chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hình ảnh các chuyến du lịch của hai mẹ con, những việc cô và con cùng làm mỗi ngày.

Thời gian qua đi, con dần lớn, những chuyến đi xa với mẹ ít dần, thay vào đó là các mối quan hệ bạn bè riêng của con. Căng thẳng bắt đầu khi cậu con trai được cô xem là “lẽ sống duy nhất của mình” hủy kết bạn với mẹ trên Facebook với lý do “sợ bị bạn chê cười”. Cảm giác hụt hẫng khiến cô mất ăn, mất ngủ mấy đêm liền. Những bữa cơm tối có mẹ, có con thưa dần đi. Cuối tuần, con trai không có ở nhà, cô không biết đi đâu, làm gì. Người phụ nữ hơn 40 tuổi cảm thấy cô độc trong chính căn nhà của mình. Cô bắt đầu sợ những ngày cuối tuần - trước đây vốn là những ngày hai mẹ con cùng yêu thích vì có thể ôm nhau ngủ nướng. Cô không nhớ mình có thú vui hay sở thích cá nhân nào vì 10 năm qua cuộc sống chỉ xoay quanh con.

3. Hai vợ chồng Linh - Phong chia tay trong sự ngỡ ngàng của tất cả bạn bè, người thân trong gia đình. Phong không cờ bạc, rượu chè, một tay anh gầy dựng kinh tế với mong muốn gia đình có cuộc sống đầy đủ hơn. Linh cũng là người vợ tảo tần, chịu khó, quán xuyến mọi việc lớn, nhỏ trong gia đình để chồng yên tâm lo sự nghiệp. Quả ngọt sau nhiều năm dài nỗ lực là hai đứa con đều khôn lớn, trưởng thành, tài sản chung của hai vợ chồng còn là hàng chục tỷ đồng.

Song, không biết từ bao giờ, thói quen trò chuyện giữa Linh và chồng dần mất đi, cuộc sống của hai người trở thành hai đường thẳng song song. Mỗi người đều có những mục tiêu, kế hoạch riêng và luôn cố gắng chu toàn nhiệm vụ của mình, không để đối phương phải bận lòng lo lắng. Cũng vì sự phân công quá đỗi rạch ròi đó, cuộc sống gia đình chỉ còn “việc của anh”, “việc của em”, ngoài con cái ra giữa họ không có mối bận tâm chung nào khác. Các con lần lượt đi du học, ngôi nhà trở nên vắng lặng. Điều gì đến cuối cùng cũng đến, Phong đề nghị ly hôn vì từ lâu hai vợ chồng không còn gắn kết. Họ chia tay trong hòa bình, không cãi vã hay tranh giành về tài sản. Với Linh, sau chặng đường dài hôn nhân, cô có trong tay nhiều tài sản, hai con đều thành đạt. Cuộc sống mới không có điều gì phải lo lắng nhưng bỗng trở nên vô vị, trống rỗng đến đáng sợ. Người từng làm vợ, làm mẹ không biết những năm tới đây mình sống vì điều gì.

Câu chuyện của Ngọc Thủy, chị Thanh Trang hay vợ chồng Linh-Phong chỉ là ba trong số rất nhiều trường hợp phụ nữ cả đời hy sinh vì chồng con nhưng cuối cùng chỉ còn lại một mình cô độc. Khi tự giới hạn cuộc sống của mình vào một vòng tròn khép kín, điểm tựa tinh thần chẳng may mất đi sẽ khiến nhiều phụ nữ cảm thấy suy sụp, không còn niềm tin vào cuộc sống. Thay vào đó, bên cạnh việc yêu chồng, thương con, người phụ nữ cũng cần tự yêu lấy bản thân mình, biết cách cân bằng giữa việc “cho đi” và “nhận lại” để không đánh mất đi giá trị của bản thân. Khi sức khỏe tinh thần đủ lớn sẽ trở thành vũ khí giúp phụ nữ mạnh mẽ hơn, sẵn sàng đương đầu với mọi sóng to, gió lớn…

MINH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/se-ra-sao-khi-diem-tua-mat-di-post727123.html