Sẽ mở rộng cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 với nhiều điểm mới, đột phá. Trong đó, nội dung về chấp nhận rủi ro đã được mở rộng hơn, thể hiện trong 3 chính sách, liên quan đến tổ chức, chương trình nhiệm vụ và cá nhân hoạt động khoa học công nghệ...

Ảnh minh họa.

Thông tin được đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết tại Họp báo thường kỳ quý 1/2024 của Bộ chiều ngày 10/4. Trong quý 1/2024, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; tập trung xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)...

NỘI DUNG CHẤP NHẬN RỦI RO SẼ ĐƯỢC THỂ HIỆN TRONG 3 CHÍNH SÁCH

Liên quan đến quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học khi sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ tới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ làm sao đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế của đất nước.

Theo bà Diệp, việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chính sách vượt trội, cơ chế thử nghiệm chính sách mới, rủi ro đã được thể hiện xuyên suốt trong các chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Bà Diệp nhấn mạnh, đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ là nghiên cứu tìm những cái mới, có thể chúng ta đặt ra mục tiêu nhưng trong quá trình nghiên cứu, không đi đến kết quả. Vì vậy, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã có quy định liên quan đến chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, thể hiện ở Điều 23 về ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ.

Theo đó, là người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ được hưởng ưu đãi được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.

Tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến có 15 nhóm chính sách lớn và đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp tục hoàn thiện. Trong đó, nội dung về chấp nhận rủi ro được thể hiện ở trong 3 chính sách, liên quan đến tổ chức khoa học và công nghệ, chương trình nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng nội dung về chấp nhận rủi ro đã được mở rộng hơn so với Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Bên cạnh đó, nội dung này cũng cần được hoàn thiện đồng bộ với các hệ thống pháp luật có liên quan, chứ không chỉ ở Luật Khoa học và Công nghệ.

SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh Bộ đang rất quyết liệt sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ 2013, theo định hướng của Chính phủ là phải "lột xác", sửa rất kỹ, thậm chí gần như hoàn toàn mới. Trong đó, chấp nhận rủi ro là nội dung rất quan trọng nhằm khuyến khích các nhà khoa học đam mê nghiên cứu.

Một trong những điểm nghẽn của hoạt động khoa học công nghệ lâu nay vẫn là cơ chế chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu. Hiểu đơn giản, rủi ro có nghĩa là nhà khoa học sử dụng ngân sách nhà nước để nghiên cứu, quá trình nghiên cứu đúng, chi tiêu đúng quy định, theo đúng phương thức của hội đồng nhưng cuối cùng không ra kết quả, trước đây coi là thất bại.

Theo đánh giá qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật Khoa học và Công nghệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học công nghệ. Hành lang pháp lý về khoa học công nghệ ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Các quy định về tổ chức Khoa học công nghệ, trọng dụng, sử dụng cá nhân hoạt động khoa học công nghệ, quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ được hoàn thiện; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Luật cũng góp phần phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ…

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, Luật Khoa học và Công nghệ cũng còn những khó khăn, vướng mắc do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với quy định của các luật có liên quan, dẫn đến chưa có tác dụng thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ với vai trò là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Quy định về tổ chức khoa học công nghệ công lập chưa thể hiện khả năng tự chủ của tổ chức, hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng; quy định các chức danh về khoa học công nghệ chưa đầy đủ và phù hợp với thực tiễn để có chính sách phù hợp với đối tượng hoạt động khoa học công nghệ gắn kết chặt với doanh nghiệp.

Quy định về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học công nghệ chưa đầy đủ; quy định về tổ chức, triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ còn phức tạp.

Một số quy định liên quan đến Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia, Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ của doanh nghiệp khó triển khai do chưa phù hợp với thực tiễn và chưa thống nhất với quy định của pháp luật liên quan; còn thiếu quy định về đạo đức trong nghiên cứu, rủi ro trong nghiên cứu...

Luật cũng chưa có quy định liên quan đến quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ nhằm hoàn thiện thể chế, khắc phục các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới là rất cần thiết.

Đỗ Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/se-mo-rong-co-che-chap-nhan-rui-ro-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe.htm