Sẽ in số điện thoại đường dây nóng phòng chống bạo lực lên bìa vở học sinh

Sáng 14/2, học sinh Trường THCS Tôn Thất Tùng (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đã háo hức đến trường để tham gia phiên tòa giả định với chuyên đề 'Nói không với bạo hành trẻ em'.

Phiên tòa giả định do Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh phối hợp Phòng Tư pháp quận Tân Phú và Trường THCS Tôn Thất Tùng tổ chức, mô phỏng buổi xét xử một vụ án cố ý gây thương tích. Nội dung vụ án giả định là một trường hợp bé gái 8 tuổi bị cha dượng đánh đập khi mẹ ruột không có mặt tại nhà. Sự việc chỉ được phát hiện khi bé gái đến trường học và các cô giáo tại trường nhìn thấy vết thương trên người của trẻ.

Phiên tòa được lồng ghép các nội dung phổ biến kiến thức pháp luật và hướng dẫn các học sinh cách bảo vệ bản thân trước nạn bạo hành. Theo đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, trước tình trạng bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em có chiều hướng gia tăng, nhất là trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ án đau lòng liên quan đến trẻ em, Hội giao cho Chi hội Luật sư phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền pháp luật giúp học sinh cách bảo vệ bản thân trước vấn nạn này.

Các thành viên cùng giáo viên và học sinh tại phiên tòa giả định.

Sau phiên tòa, nhiều học sinh đặt câu hỏi và xin ý kiến tư vấn của các luật sư về những vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Nhiều phụ huynh học sinh thì mong muốn con em thường xuyên được tham gia các buổi ngoại khóa như phiên tòa giả định này để nâng cao kiến thức pháp luật, trang bị cho con em những kỹ năng để biết cách phòng ngừa và xử lý các tình huống bạo lực.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp Trung ương, hiện nay rất nhiều học sinh bị xâm hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng ngay tại môi trường tưởng chừng an toàn nhất là tại nhà và trường học. Nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra liên quan đến bạo hành mà nguyên nhân là các em không dám kể lại hoặc đã kể lại nhưng không được can thiệp kịp thời.

Thời gian tới, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sẽ tổ chức nhiều phiên tòa giả định tại các trường học trên địa bàn thành phố. Đối với trường tiểu học sẽ tuyên truyền pháp luật về kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo hành. Đối với THCS và THPT sẽ tổ chức các phiên tòa giả định "Nói không với bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em" để các em hiểu và biết các kỹ năng bảo vệ mình.

Đối với trường hợp trẻ em học online, thường có người lớn ngồi kế bên, nếu bị bạo lực thì không nói để cầu cứu thầy cô giáo. Do đó, công tác tuyên truyền sẽ hướng dẫn các em nói hoặc nhắn tin cho thầy cô biết khi người ngồi kề bên vừa đi chỗ khác. Trường hợp trẻ nhỏ chưa biết cách nhắn tin trên ứng dụng học tập trực tuyến sẽ được hướng dẫn cách ra dấu hiệu như vỗ vào mu bàn tay 3 cái, hay dùng tay vỗ vào má, vỗ vào đầu, hoặc hai bàn tay đan chéo vào nhau...

Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố cũng phổ biến 2 số điện thoại đường dây nóng 111 và 18009069 để các em có thể liên lạc nếu không may trở thành nạn nhân của nạn bạo hành. Đặc biệt, số điện thoại này sẽ được in lên bìa tập, bìa sách của học sinh để các em biết.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/se-in-so-dien-thoai-duong-day-nong-phong-chong-bao-luc-len-bia-vo-hoc-sinh-i644047/