Sẽ có nhiều doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp

Bộ Tài chính mới đây đã ra Thông tư số 123/2012/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo Thông tư này, bắt đầu từ 10 – 9 tới đây, sẽ có 7 loại thu nhập doanh nghiệp được miễn thuế. Thông tư cũng áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN từ năm 2012 trở đi. Động thái này của Bộ Tài chính tiếp tục là một trong những nỗ lực góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, rất nên giảm thuế suất thuế TND

xuống 20% và phải thực hiện sớm

Ảnh: Hoàng Long

7 loại thu nhập DN được miễn thuế

Nối tiếp chuỗi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà các bộ, ngành đang tích cực vào cuộc, Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra quyết định về việc miễn thuế TNDN cho 7 loại thu nhập sau: Thứ nhất là miễn thuế cho các tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã có thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Thứ hai, thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp gồm: thu nhập từ dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng; dịch vụ phòng trừ sâu, bệnh cho cây trồng, vật nuôi; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp có thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thu nhập từ doanh thu bán sản phẩm trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm và thu nhập từ doanh thu bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam… thời gian miễn thuế tối đa không quá 1 năm, kể từ ngày bắt đầu thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ngày bắt đầu sản xuất thử nghiệm sản phẩm; ngày bắt đầu áp dụng công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam để sản xuất sản phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có số lao động bình quân trong năm ít nhất từ 20 lao động trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV cũng nằm trong danh sách được Bộ Tài chính miễn thuế lần này.

Ngoài ra, các loại hình thu nhập doanh nghiệp với đặc thù: Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS; Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên kết đã nộp thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN và các tổ chức nhận tài trợ để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam… cũng sẽ được miễn thuế TNDN theo Thông tư 123 của Bộ Tài chính.

Việc đưa ra chính sách miễn thuế TNDN cho nhiều loại hình doanh nghiệp của Bộ Tài chính cho thấy, nhà quản lý đang chia sẻ đối với những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải.

Nên xem lại lộ trình giảm thuế TNDN

Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, những chính sách liên quan đến thuế, đặc biệt là thuế TNDN đã và đang tạo nên khá nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Nếu như theo xu hướng chung của thế giới, hầu hết các nước đã triển khai kế hoạch giảm thuế TNDN để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng và thu hút đầu tư nước ngoài, thì Việt Nam vẫn "dậm chân tại chỗ”. Chủ tịch Ủy ban Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu - ông Tom McClelland đưa ra nhận định rằng, một trong những thay đổi tích cực lớn nhất của Luật Thuế TNDN năm 2009 của Việt Nam là giảm thuế suất từ 28% xuống còn 25%, điều này giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt khó khăn, có cơ hội thu hút đầu tư và tăng sức cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các nước khác trong khu vực đã thực hiện giảm thuế suất thuế TNDN xuống thấp hơn nữa như Thái Lan, Singapore… dưới 25%, thậm chí là 17% thì Việt Nam vẫn không thay đổi. Đây là một trong những bất cập về cải cách chính sách thuế của Việt Nam gây nhiều áp lực, khó khăn cho doanh nghiệp.

Được biết, trong tiến trình cải cách chính sách về thuế TNDN của mình, Bộ Tài chính đang dự kiến từ nay đến năm 2020, thuế suất thuế TNDN sẽ có lộ trình giảm từ 25% (mức hiện nay) xuống còn 22 – 23%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành thuế cho rằng, việc giảm với mức như trên và với lộ trình quá "dài hơi” vẫn tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Bởi vậy, theo các chuyên gia, rất nên giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20% và phải thực hiện sớm, như đề xuất của Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam – bà Nguyễn Thị Cúc: "ngành thuế cần mạnh dạn giảm thuế suất thuế TNDN xuống ngay mức 20%, thay vì giảm từng bước xuống 22 đến 23% như dự kiến”.

Chính nhiều doanh nghiệp thừa nhận rằng, thuế quá cao đang trở thành gánh nặng khiến họ phải tìm cách trốn thuế. Vì nếu không họ sẽ không thể có lãi. Điều này cho thấy, chính sách thuế của Nhà nước vô tình lại trở thành "động lực” đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế phải làm sai luật.

Duy Phương

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=54286&menu=1372&style=1