Sậy: Rễ ngậm lịch sử, bốn bề gió lay

Hoạt động năng nổ ở hai thị trường văn học Pháp và Việt Nam, mới đây, nhà văn Thuận đã cho ra mắt tiểu thuyết mới nhất mang tên 'Sậy'. Đặc biệt đây là tác phẩm đã được ra mắt bằng hai thứ tiếng, ở hai thị trường gần như đồng thời.

Một năm thành công

Năm qua có thể nói là giai đoạn vô cùng tất bật của nhà văn và dịch giả Thuận. Trong nước, chị đã giới thiệu bản dịch của ba nhà văn nổi tiếng đến từ nước Pháp, là Những kẻ tuyệt vọng (Minh Tran Huy), Một dòng họ Do Thái (Camille de Toledo) và Serotonin (Michel Houellebecq). Ở ngoài nước, tiểu thuyết Chinatown qua bản dịch tiếng Anh của Nguyễn An Lý cũng được hai nhà xuất bản New Directions Publishers và Tilted Axis Press phát hành ở các thị trường nói tiếng Anh.

Bản dịch nói trên cũng đã chiến thắng giải thưởng English PEN 2019, và lọt vào các danh sách bình chọn Top sách hay nhất của những chuyên trang phê bình nổi tiếng, như The New York Times và LitHub. Như vậy sau gần 18 năm, một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất của Thuận đã có ba phiên bản với ba thứ tiếng, góp phần giới thiệu một chân dung lạ và đầy khác biệt của văn học Việt Nam đương đại.

Nhà văn Thuận. Ảnh: New Directions Publishing

Với Sậy, ta thấy dấu ấn của sự chua chát và nỗi đắng cay vẫn sẽ trở lại, hòa cùng dòng chảy là các nỗ lực khảo sát tâm lý và những ám ảnh mà người Việt Nam đã - đang phải chịu. Cả SậyChinatown đều chỉ về một nơi chốn có vai trò quan trọng trong hai tiểu thuyết, đều được nhìn nhận từ trong góc nhìn của một phụ nữ, với những sợi dây quan hệ phức tạp trong gia đình, tình cảm, văn hóa cũng như xã hội.

Nhà văn Nhật Bản đoạt giải Nobel Văn chương 1994 Kenzaburo Oe trước khi qua đời vào đầu tháng 3 năm nay cũng từng nói rằng, tác phẩm của ông đa số là tự phái sinh. Khi viết một tác phẩm mới, ông sẽ dựa trên các tác phẩm cũ nhưng triển khai nó theo góc nhìn mới, từ đó những sự quen thuộc dần dần mất đi, để chỉ còn lại một tác phẩm mới. Với Sậy, ta thấy Thuận dường như cũng đang làm điều tương tự, khi tác phẩm này như được khởi phát từ Chinatown.

Tiểu thuyết xoay quanh một người phụ nữ sinh trưởng trong một gia đình trí thức, trung lưu, và sống chênh vênh giữa bờ Pháp - Việt. Cô được cha chu cấp để học Tiến sĩ văn chương ở Pháp, nhưng lại chán ngán với việc học hành. Vì thế cô về Việt Nam, khám phá lại những đổi thay cũng như đi sâu vào nỗi ám ảnh của chính cha mình, để hiểu vì sao ông lại tha thiết mong cô có một tấm bằng trong ngành văn chương. Liệu “di chứng” ấy bắt đầu từ đâu, và có khả dĩ để sửa chữa nó?

Di chứng chiến tranh

Cùng chung bối cảnh, cùng một cốt truyện… tuy vậy SậyChinatown lại mang đến các góc nhìn hoàn toàn khác biệt về các cách biệt thế hệ. Trong cuốn sách trước, Thuận viết về bậc cha mẹ – những người có thể đã chịu ảnh hưởng rất dài và sâu từ trong Nho giáo, khi mong con cái yên bề ở chốn hào hoa, hoặc là có được một sự nghiệp riêng… Và để làm được điều ấy, họ sẽ không từ thứ gì, từ xếp hàng nấu chè đỗ cho đến làm óc heo hấp, từ dắt xe đạp đến làm nước chanh… để mời người bạn dáng vẻ ngoại quốc mà hai ông bà vô cùng mong ước sẽ cưới con mình.

Cũng giống như thế, nhưng ở Sậy, Thuận đi sâu hơn vào những tổn thương não trạng thời kỳ hậu chiến. Văn học chiến tranh có thể quen thuộc với những xa lìa, những sự mất mát về mặt vật chất… thế nhưng di chứng mà nó để lại, những nỗi ám ảnh về mặt tư tưởng… thì thường rất ít được nhắc đến. Nếu những cựu binh phương Tây tham gia tham chiến có thể gặp phải “hội chứng Việt Nam”, thì người trong nước chịu bao đắng cay cũng bị ảnh hưởng, và nó mang tên “kỳ vọng”.

Trong tác phẩm này, người cha của nhân vật chính đã muốn cô đi và lấy được bằng ở mảng văn chương. Từ nơi Sài Gòn mà ông sinh sống, ông đã “kiểm soát” căn hộ ở nơi Paris như một “nhà tù”, và cô là một tù nhân trong không gian đó.

Nhân vật chính ấy, như cô thừa nhận, cũng không hiểu rõ được cha của mình, khi bên trong cái cơ thể còm nhom đó là một niềm lạc quan vô đối, với các kế hoạch đã được tính toán một cách kỹ càng, dù cho cô có là ai cũng như đi đâu, thì rồi mọi thứ cũng không khác biệt.

Tiểu thuyết Sậy. Ảnh Minh Anh

Những kỳ vọng ấy, nhìn nhận gần hơn, cũng chính là những ảnh hưởng về mặt Nho giáo tương tự với Chinatown, nhưng nhìn xa hơn, thì đó cũng là nỗi sợ hoàn toàn vô hình đến từ trải nghiệm của cuộc chiến tranh. Là nỗi sợ mình bị kiểm soát, là những mưu mô mà chỉ một từ tiếng Việt vốn dĩ lắt léo có thể hại ta, và cũng là của những lựa chọn sai, có thể điều hướng cả một con người chìm trong tội lỗi…

Do đó, cảm giác xa lạ khi nhìn đống sách viết bằng tiếng Pháp, ước mơ khiến con gái mình có bằng Tiến sĩ trong ngành văn chương và cách ly cô ở đất nước ấy… cũng là một biểu hiện khác của sự trả thù, của việc xé toạc bức màn từng được tạo ra bởi những con chữ đã từng giam hãm và làm nghẹt thở cả một thế hệ.

Nhưng nhân vật ấy không thể thoát ra khỏi kỳ vọng ấy. Không rõ vô tình hay cố ý, mà các tác phẩm do Thuận chuyển ngữ, như Người cha im lặng (Doan Bui) hay Những kẻ tuyệt vọng (Minh Tran Huy)… đều xét về những gia đình cũng như người cha vô cùng phức tạp. Ở Sậy, đó là tình thế giằng giai, nên sống cho mình hay sống cho ông? Liệu rằng khi thấy mái đầu đã bạc chỉ sau một đêm, khi nhìn cha mình trong bộ com-lê giờ rộng thùng thình… thì con người ta sẽ phải làm gì?

Những đường biên vô hình

Ngoài những xa cách về mặt thế hệ như đã kể trên, thì những khảo sát sâu rộng vào nền văn hóa của hai đất nước cũng thường xuất hiện trong văn của Thuận. Nếu Chinatown từng rất gần với giai đoạn chiến tranh biên giới phía Bắc, thì Sậy hiện đại và tiệm cận hơn, với một thế giới đa văn hóa, nơi sự phối trộn cũng như hòa hợp rất khó phân định và tách khỏi nhau.

Trong tiểu thuyết này, chị nhìn tâm lý của người Việt Nam dưới những nhãn quan vô cùng khác biệt. Chị thấy “căn bệnh mãn tính” của hai dân tộc, giữa hai bến bờ bi quan – lạc quan, hy vọng – thất vọng… liên tục tranh đấu lẫn nhau. Trong những câu văn, ta thấy Thuận cũng đã tỏ bày những ý niệm khác về việc áp chế và không cân bằng, khi hai lực lượng dù có là ai thì cũng bất khả tiến đến một sự bình đẳng.

Ảnh: Minh Anh

Sậy, P. là nhân vật hoàn toàn ẩn danh tương tự như Thụy ở Chinatown. Anh xuất hiện trong tác phẩm này chỉ bằng những câu thuật lại hay những giấc mộng giằng xé đớn đau. Anh là hiện thân của những ẩn ức, như “người ngoại cuộc” có một cái tên vô cùng phụ nữ mà Houellebecq hài hước châm biếm trong Serotonin. Nỗi ẩn ức ấy cũng đã biến thành những huyễn tưởng (fantasm) có tính di truyền, đầy sự bức bối gây ra tan vỡ.

Như món gia sản truyền lại cho con, thế hệ già cỗi trong hai tác phẩm đều tách khỏi nhau bởi những huyễn tưởng không thể tỏ bày, vốn đã ngột ngạt theo dòng lịch sử. Đến thế hệ sau, đó là tách biệt thuộc về văn hóa, mà tình yêu xưa không còn dựa trên khía cạnh bình đẳng, mà đó là giới và là giai cấp, là tấm thẻ xanh và là hộ chiếu, là người đớn hèn và vị cứu tinh… Tất cả triệt đi quyền năng tranh luận của bản thân họ.

Vẫn viết theo dòng suy tư như Chinatown, Sậy không có lằn ranh của sự chuyển tiếp. Mọi thứ cứ thế lặng lẽ trôi đi, và rồi nhập chung thành một dòng chính. Bằng những câu chuyện xảy ra bên lề, Thuận thêm vào mạch truyện chung một lối tiếp cận gần như đa nghĩa, từ đó nhân lên thành các hiện tượng mang tính phổ quát.

Chẳng hạn như trong câu chuyện của Lena và André – người đàn ông Pháp và phụ nữ Nga cùng nhau kết hôn, Thuận đã khảo sát riêng về hôn nhân, rằng nếu đàn áp về mặt văn hóa không được giải quyết, thì liệu kết cục có thể là gì? Ghen tuông, ngoại tình và rồi cuối cùng gia đình sụp đổ?

Cũng tương tự thế, với nền chuyên chính, rằng khi một người phụ nữ đến từ ngoại quốc gây ra tai nạn, thì việc đối xử có phải thay đổi để tránh chỉ trích? Và cũng trong tình huống đó, những người thân yêu sẽ đến với ta thông qua tình yêu, hay là trách nhiệm?

*

Như câu đầu sách đến từ Pascal: “Con người chỉ là một cây sậy, mềm yếu nhất trong muôn loài, nhưng đó là một cây sậy biết suy nghĩ”. Với Sậy, vẫn bằng giọng điệu lạnh tanh và đầy cay đắng, Thuận đã đi sâu vào những tâm lý vô cùng thầm kín nhưng là phổ quát của người Việt Nam, không chỉ từ thời hậu chiến như thứ rễ sâu bám dưới lòng đất, mà còn trong một giai đoạn vốn đa văn hóa như là hiện nay, khi bốn phương gió khiến sậy lay lắt, từ đó cho thấy một cõi hỗn mang rất khó dung hòa. Một cuộc khảo sát về mặt tâm lý vô cùng tinh vi.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/say-re-ngam-lich-su-bon-be-gio-lay-39384.html