Sau tái cấu trúc, doanh nghiệp địa ốc tự tin tăng tốc

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đề ra mục tiêu kinh doanh năm 2024 khá cao, thậm chí, có doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng gấp vài lần năm ngoái.

Ảnh minh họa.

Giai đoạn khó khăn nhất đã qua

Novaland trải qua năm 2023 với kết quả kinh doanh tụt dốc kể từ khi lên sàn đến nay. Đây cũng là năm mà Công ty phải căng mình thu xếp vốn, tái cấu trúc các khoản nợ. Đến thời điểm này, theo chia sẻ của Novaland, Công ty đã hoàn thành tái cấu trúc các khoản nợ vay, nợ trái phiếu.

Năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 32.587 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.079 tỷ đồng, lần lượt gấp 6,9 lần về doanh thu và gấp 2,2 lần về lợi nhuận so với mức nền thấp trong năm 2023. Nếu đạt được mục tiêu này, đây sẽ là doanh thu kỷ lục của Novaland.

Để có doanh thu tỷ USD, Novaland dự kiến bàn giao sản phẩm thuộc 14 dự án. Một nửa trong số đó tại TP.HCM, còn lại là sản phẩm thuộc bộ ba dự án chủ lực tại Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những năm gần đây, hạ tầng giao thông liên tục được đầu tư. Nhiều dự án trọng điểm đang triển khai như Vành đai 4 Thủ đô, Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Sân bay Long Thành… Việc tăng đầu tư cho hạ tầng giao thông có tác động lan tỏa, góp phần gia tăng nguồn cung và giá trị cho các dự án bất động sản.

Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng này phụ thuộc rất lớn vào các chuyển động pháp lý liên quan đến những dự án mà Công ty đang triển khai. Ông Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Novaland chia sẻ, việc tháo gỡ pháp lý của các dự án chậm so với dự kiến, khiến Novaland không thực hiện được đúng cam kết với khách hàng. Đây là tổn thất rất lớn, ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp.

“Bằng mọi cách, Công ty phải cố gắng khắc phục, tập trung tháo gỡ pháp lý, hoàn thiện các sản phẩm, dự án để bàn giao cho khách hàng”, CEO của Novaland khẳng định.

Với Phát Đạt, bằng việc mua lại thành công 2 lô trái phiếu có tổng mệnh giá 800 tỷ đồng vào cuối năm 2023, Phát Đạt chính thức tất toán đúng hạn và trước hạn tất cả trái phiếu với giá trị 2.500 tỷ đồng, đưa dư nợ vay trái phiếu về 0, dứt điểm hoàn toàn khoản nợ này.

Năm nay, mục tiêu của Phát Đạt là mang về 2.892 tỷ đồng doanh thu và 880 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 368% và 35,8% so với thực hiện năm 2023. Theo kế hoạch, công ty địa ốc này sẽ đưa ra thị trường 4 dự án trọng điểm là Thuận An 1 và 2 tại Bình Dương, Poulo Condor tại Côn Đảo, Cadia Quy Nhơn và Bắc Hà Thanh tại Bình Định.

Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt cho hay, một trong những cơ sở quan trọng để Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu cao là do Công ty sở hữu số lượng không nhỏ dự án đẹp, hoàn thiện về pháp lý, sản phẩm đa dạng, thiết kế phù hợp với thị hiếu, tạo giá trị cao cho sự phát triển chung của các địa phương.

Kỳ vọng tác động của luật mới

Cùng với tín hiệu phục hồi của thị trường trong những tháng đầu năm 2024, hàng loạt đại gia bất động sản cũng nhanh chóng khởi động nhiều kế hoạch. Trong đó, kỷ lục phải kể đến Vinhomes với mục tiêu doanh thu tăng hơn 15% so với năm ngoái, lên mức 120.000 tỷ đồng (tương đương 4,77 tỷ USD); lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 4,3%, lên 35.000 tỷ đồng.

Tương tự, Nhà Khang Điền cũng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2024 với doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 790 tỷ đồng, tăng lần lượt 87% và 10% so với kết quả đạt được trong năm ngoái. Còn Nam Long thì đặt mục tiêu mang về 6.657 tỷ đồng doanh thu và 506 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 111% và 5% so với thực hiện năm 2023. Doanh nghiệp này cũng dự kiến tiếp tục trích 192 tỷ đồng để trả cổ tức, nếu lợi nhuận cao hơn, có thể trích tối đa 384 tỷ đồng để trả cổ tức.

Các nhà phát triển bất động sản tự tin, nên các doanh nghiệp môi giới cũng khá lạc quan khi xây dựng kế hoạch kinh doanh. Chẳng hạn, CenLand đặt kế hoạch doanh thu thuần 3.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt cao gấp 3,4 lần và 44,8 lần so với kết quả thực hiện năm 2023.

Ban Lãnh đạo CenLand đánh giá, những thay đổi trong Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 là bước tiến lớn về chính sách, là khung pháp lý quan trọng, tác động tích cực đến thị trường, chủ đầu tư và khách hàng. Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có sự cân bằng hơn vào năm 2024 khi được tháo gỡ về pháp lý và vốn.

Dù vậy, Ban Lãnh đạo CenLand cảnh báo, thị trường tuy được kỳ vọng có những chuyển biến tích cực trong năm 2024, song rủi ro vẫn hiện hữu, liên quan đến dòng thanh toán trái phiếu doanh nghiệp lớn.

Ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược của Batdongsan.com cho rằng, những đợt thay đổi pháp lý trong quá khứ đều tạo ra biến động lớn đến thị trường bất động sản. “Chúng tôi kỳ vọng, với những thay đổi đột phá từ chính sách, thì thị trường tiếp tục có hiệu ứng tích cực trong chu kỳ này, tương tự những gì xảy ra trong quá khứ”.

Giai đoạn 2023 - 2025, các bộ luật mới sẽ được thực thi, dự báo tạo ra 4 tác động lớn, gồm: thị trường tăng trưởng lành mạnh, sàng lọc chủ đầu tư, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, hệ thống quản lý chặt chẽ hơn.

“Khách hàng sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về luật. Trong đó, hai đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là người Việt Nam ở nước ngoài và người thuộc diện tái định cư hoặc được bồi thường”, ông Long nhận định.

Theo thống kê, khoảng 15 - 20% số kiều hối được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Những thay đổi về luật như cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, sẽ mở rộng cơ hội thu hút nguồn vốn từ nước ngoài vào thị trường.

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/sau-tai-cau-truc-doanh-nghiep-dia-oc-tu-tin-tang-toc-d212788.html