Sau sắp xếp, Hà Nội giảm 61 đơn vị hành chính cấp xã

Sáng 15/5, tại kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua 7 Nghị quyết thuộc 4 nhóm nội dung quan trọng có tác động đến kinh tế-xã hội; giải quyết thủ tục, giấy tờ hành chính cho người dân; sắp xếp việc sử dụng, quản lý tài sản công; góp phần tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực giáo dục...

Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội biểu quyết tại kỳ họp thứ 16.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội biểu quyết tại kỳ họp thứ 16.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, chất lượng, để quyết nghị các nội dung theo chương trình kỳ họp.

Bế mạc kỳ họp chuyên đề, 7 vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung được đưa ra quyết nghị đều đã được thông qua với sự thống nhất cao của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố. Các nội dung được thông qua là:

1. Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.

2. Hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn Thành phố.

3. Ban hành bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Sở Xây dựng.

4. Việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội.

5. Hội đồng nhân dân thành phố xem xét về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.

6. Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024.

7. Phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Một số nội dung được quyết nghị tại kỳ họp này có tác động lớn đến các hoạt động của các cấp chính quyền cũng như nguồn lực, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 được thông qua tại kỳ họp, quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp, nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện.

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã của thành phố sau khi sắp xếp có 518 đơn vị, gồm: 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn.

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm sau khi sắp xếp là 61 đơn vị, gồm: 46 xã, 5 phường.

"Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là cần thiết, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực, mở rộng không gian để quy hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp của thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Đáng chú ý, hai nội dung liên quan đến đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

Tại kỳ họp thứ 15 vào tháng 3/2024, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất chưa thông qua việc bố trí vốn cho 21 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát.

Tại kỳ họp thứ 16, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã kiến nghị và được Hội đồng nhân dân thành phố quyết nghị bố trí vốn cho 18 trong số 21 dự án với số vốn giao kế hoạch 2024-2025 là 450 tỷ đồng và cập nhật điều chỉnh Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 683 tỷ đồng.

Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chưa xem xét thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô như dự kiến. Được biết, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Đề án tổng thể xây dựng đường sắt đô thị thủ đô.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sau-sap-xep-ha-noi-giam-61-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-post809419.html