Sau ông Abe, con đường sửa hiến pháp Nhật còn dài

Chuyên gia nhận định kể cả khi đảng LDP có chiến thắng lớn sau bầu cử Thượng viện, việc hoàn thành giấc mơ dang dở của ông Abe là sửa đổi hiến pháp không hề dễ dàng.

“Sửa đổi hiến pháp chắc chắn là vấn đề gây tranh cãi nhất trong nền chính trị Nhật Bản”, giáo sư David Leheny - chuyên gia về chính trị Nhật Bản, an ninh, văn hóa Đông Á và quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda - nhận định với Zing. Ông cho rằng dù số người ủng hộ đã tăng lên trong những năm vừa qua, việc hiện thực hóa chương trình nghị sự này vẫn cực kỳ khó khăn.

Đây cũng là quan điểm của giáo sư Jeff Kingston - chuyên gia kinh tế chính trị và lịch sử xã hội Nhật Bản hiện đại và chủ nghĩa dân tộc châu Á thuộc Đại học Temple cơ sở Nhật Bản. Tuy vậy, ông Kingston cho rằng Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida - với phong cách lãnh đạo ôn hòa - có cơ hội tốt hơn so với ông Abe trong việc thúc đẩy ước nguyện của cố thủ tướng.

Phát biểu ngày 11/7 sau khi liên minh cầm quyền của đảng Dân chủ Tự do (LDP) thắng lớn trong bầu cử Thượng viện, ông Kishida cam kết sẽ hoàn thành các nguyện vọng dang dở của cố Thủ tướng Shinzo Abe.

Trong suốt thời gian nắm quyền, cố Thủ tướng Abe dành nhiều tâm sức để biến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) thành quân đội chính quy chính thức và toàn diện. Ông cũng muốn sửa đổi Điều 9 hiến pháp, cho phép Nhật Bản có quyền sử dụng sức mạnh quân sự tự do hơn.

Điều 9 viết nhân dân Nhật Bản “cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế” và “lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của Nhật Bản sẽ không được công nhận”.

Hiến pháp này do nhóm quân nhân Mỹ đang chiếm đóng Nhật soạn thảo.

Sửa đổi hiến pháp không phải ưu tiên của người Nhật

- Dư luận Nhật Bản nghĩ gì về việc sửa đổi hiến pháp?

- Giáo sư Jeff Kingston: Sửa đổi hiến pháp không phải là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người Nhật Bản. Quan điểm phản đối và ủng hộ của dư luận về vấn đề này gần như chia đều.

Tuy nhiên, tôi cho rằng có vẻ như việc sửa đổi hiến pháp vẫn chưa đủ số người ủng hộ, bởi nếu muốn làm vậy, cần đạt được 2/3 số phiếu cần thiết để thông qua tại cả Thượng viện và Hạ viện, sau đó là hơn 50% người ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc.

- Giáo sư David Leheny: Sửa đổi hiến pháp gần như chắc chắn là vấn đề gây tranh cãi nhất trong nền chính trị Nhật Bản. Mặc dù sự ủng hộ dành cho việc sửa đổi hiến pháp đã tăng theo thời gian, khi một số cuộc thăm dò lên cao hơn 50%, thì sự phản đối vẫn cực kỳ mạnh mẽ.

 Giáo sư Jeff Kingston là chuyên gia về kinh tế chính trị và lịch sử xã hội của Nhật Bản hiện đại và chủ nghĩa dân tộc châu Á thuộc Đại học Temple. Ảnh: Temple University.

Giáo sư Jeff Kingston là chuyên gia về kinh tế chính trị và lịch sử xã hội của Nhật Bản hiện đại và chủ nghĩa dân tộc châu Á thuộc Đại học Temple. Ảnh: Temple University.

- Thái độ của người dân Nhật Bản đối với việc sửa đổi hiến pháp sẽ thay đổi như thế nào sau cái chết của ông Abe và xung đột giữa Nga - Ukraine?

- Giáo sư Jeff Kingston: Chiến sự ở Ukraine tác động đến thái độ của công chúng Nhật Bản, trong khi đảng LDP lại tìm cách tôn vinh ông Abe bằng cách thúc đẩy các mong muốn của cựu thủ tướng, trong đó có tăng cường sức mạnh quốc phòng.

- Giáo sư David Leheny: Ông Abe là vị thủ tướng rất kiên trì ngay cả khi ông ấy biết không thể đạt được điều này. Dân Nhật đều biết cựu thủ tướng kiên định với mong ước này thế nào và chắc chắn có một số người muốn hoàn thành tâm nguyện này sau cái chết của ông Abe, nhưng tôi không nghĩ rằng sự kiện này sẽ định hình quan điểm của người Nhật. Ngược lại, chiến sự Nga và Ukraine lại có thể có tác động.

Xét cho cùng, Nhật Bản vẫn có thể tự vệ trước bất kỳ cuộc tấn công thông thường nào ngay cả khi không sửa đổi hiến pháp. Tôi nghĩ rằng một số hiện lo ngại nhiều hơn về khả năng xảy ra khủng hoảng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Tuy vậy, tôi không chắc Nhật Bản sẽ dễ dàng thúc đẩy sửa đổi hiến pháp vì vấn đề ở eo biển Đài Loan.

- Vì sao ông Abe có mong ước lớn đến vậy với việc sửa hiến pháp?

- Giáo sư Jeff Kingston: Ông Abe tin rằng hiến pháp do Mỹ soạn thảo khiến Nhật Bản trở nên phụ thuộc và yếu kém. Trong khi đó, Điều 9 đã áp đặt quốc gia này và khiến quân đội có những ràng buộc.

- Giáo sư David Leheny: Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ có mong muốn thay đổi hiến pháp đồng tình với quan điểm của ông Abe.

Với cựu thủ tướng Nhật Bản, việc chưa thể sửa đổi hiến pháp là lời nhắc nhở về sự yếu kém của nước Nhật thời hậu chiến, khi buộc phải thông qua văn bản viết một phần bởi nhóm quân nhân Mỹ đang chiếm đóng Nhật lúc soạn thảo. Và mặc dù đã rời chức thủ tướng, ông Abe vẫn ở trong Quốc hội và có khá nhiều ảnh hưởng trong nội bộ đảng LDP.

 Ông Abe luôn muốn thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, kể cả sau khi từ chức thủ tướng. Ảnh: New York Times.

Ông Abe luôn muốn thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, kể cả sau khi từ chức thủ tướng. Ảnh: New York Times.

Còn quá nhiều chia rẽ và khúc mắc

- Theo ông, lần này đảng LDP có thể thực hiện giấc mơ của ông Abe? LDP có những thuận lợi và khó khăn gì nếu muốn thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp?

- Giáo sư Jeff Kingston: Đảng LDP và các đảng có mong muốn tương tự cần nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại nằm ở những gì cần sửa đổi và quy trình sửa đổi sau đó. Ủng hộ sửa đổi hiến pháp không chỉ nằm ở việc sửa đổi câu từ.

- Giáo sư David Leheny: Chắc chắn (khả năng sửa đổi hiến pháp) sẽ cao hơn do số lượng thành viên Quốc hội ủng hộ việc cải cách đã tăng lên, trong đó không chỉ có đảng viên LDP mà cả các đảng bảo thủ - chẳng hạn đảng Duy tân Nhật Bản - vừa giành thêm ghế trong cuộc bầu cử cuối tuần qua.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng họ vẫn còn một quá trình đầy thử thách và mất nhiều thời gian. Giữa những người ủng hộ việc sửa đổi cũng vẫn có sự chia rẽ, một số muốn tập trung chủ yếu vào các khía cạnh an ninh, quốc phòng của Điều 9, số khác muốn thay đổi trọng tâm từ việc tập trung vào các quyền cá nhân sang gia đình, quốc gia như giá trị cốt lõi của Nhật Bản.

Ngay cả khi tất cả thành viên Quốc hội ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp đạt được sự thống nhất, họ vẫn cần thông qua một cuộc bỏ phiếu cấp quốc gia. Phe đối lập sẽ rất tích cực và dù chỉ chiếm thiểu số, họ vẫn có thể ngăn chặn (việc sửa đổi) bằng cách vận động số lượng lớn cử tri.

Vì vậy, việc sửa đổi hiến pháp có thể xảy ra, nhưng sẽ còn rất nhiều việc, và tôi không chắc rằng Thủ tướng đương nhiệm Kishida có thực sự tập trung vào việc sửa đổi hiến pháp như những người khác trong đảng của ông ấy hay không.

- Ông nghĩ gì về quan điểm của Thủ tướng Kishida trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự này, so với ông Abe? Nếu ông Kishida muốn thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp, làm thế nào để thay đổi các ý kiến trái chiều? Khoảng trống quyền lực mà ông Abe để lại có ảnh hưởng gì đến ông Kishida?

- Giáo sư Jeff Kingston: Không giống như ông Abe, Thủ tướng Fumio Kishida được coi là người ôn hòa. Phong cách lãnh đạo cứng rắn của ông Abe phần nào khiến công chúng xa lánh, nên ông càng thúc đẩy thì sức bật ngược lại càng lớn. Vì vậy, tôi cho rằng ông Kishida có cơ hội tốt hơn so với ông Abe trong việc thúc đẩy ước nguyện của cựu thủ tướng.

 Giáo sư David Leheny là chuyên gia về chính trị Nhật Bản, an ninh, văn hóa Đông Á và quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda. Ảnh: Institute for future initiatives.

Giáo sư David Leheny là chuyên gia về chính trị Nhật Bản, an ninh, văn hóa Đông Á và quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda. Ảnh: Institute for future initiatives.

- Giáo sư David Leheny: Tôi không thể biết những gì ông Kishida đang suy tính. Thủ tướng đương nhiệm đã vận động tranh cử trong nhiều năm với tư cách là người có tiếng nói ôn hòa trong đảng, quan tâm nhiều đến việc duy trì tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy quan hệ ngoại giao, hơn là đưa ra các chính sách theo chủ nghĩa dân tộc, nhằm củng cố một nền quốc phòng vững chắc hơn.

Trước khi trở thành thủ tướng, ông có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Song, một số người tin rằng điều đó chủ yếu nhằm duy trì sự ủng hộ của những chính trị gia bảo thủ trong đảng hơn là vì ông Kishida thực sự muốn làm như vậy. Theo quan điểm của tôi, ông Kishida sẽ ưu tiên các vấn đề kinh tế và cách đưa Nhật Bản vượt qua đại dịch Covid-19 hơn là tập trung vào (kế hoạch) rủi ro và khó khăn như sửa đổi hiến pháp.

Nếu cảm thấy đây là quá trình tương đối dễ thực hiện, có thể tạo điều kiện cho cải cách kinh tế sau đó, ông Kishida có thể (thúc đẩy sửa đổi hiến pháp). Ngược lại, rất khó tin rằng thủ tướng Nhật Bản muốn sử dụng khả năng lãnh đạo của mình để thúc đẩy điều đó, nếu nó có thể làm suy yếu các kế hoạch và sáng kiến khác mà ông đã đưa ra.

- Các vấn đề về năng lượng và giá cả tăng cao có phải là trở ngại cho việc thúc đẩy cải cách hiến pháp trong ngắn hạn không?

- Giáo sư Jeff Kingston: Ông Kishida phủ nhận Abenomics vì chính sách này làm nổi bật sự bất bình đẳng. Ông chọn ưu tiên tập trung vào các chính sách của chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát.

Tôi cho rằng những vấn đề (nêu trên) không phải là rào cản trực tiếp trong việc sửa đổi hiến pháp, mà là các vấn đề chính trị cản trở thúc đẩy chương trình nghị sự này. Muốn cải tổ hiến pháp cần nhận 2/3 sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện, cùng với sự chấp thuận của 50% công chúng. Đây là rào cản rất lớn và đó cũng là lý do hiến pháp Nhật Bản chưa từng được sửa đổi.

- Giáo sư David Leheny: Theo tôi, đối với ông Kishida, nền kinh tế toàn cầu, cuộc khủng hoảng Ukraine, những căng thẳng có thể xảy ra với Trung Quốc, trong ngắn hạn và thậm chí trung hạn, quan trọng hơn việc sửa đổi hiến pháp.

 Ông Kishida cam kết hoàn thành các nguyện vọng dang dở của cố Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: Reuters.

Ông Kishida cam kết hoàn thành các nguyện vọng dang dở của cố Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: Reuters.

- Chủ nghĩa hòa bình đã được cho là đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản, việc cải cách hiến pháp có đồng nghĩa điều này đã thay đổi?

- Giáo sư Jeff Kingston: Nỗ lực bất thành của ông Abe trong nhiều năm qua cho thấy chủ nghĩa hòa bình đã trở thành bản sắc dân tộc của người Nhật Bản.

Tôi nghĩ sẽ rất khó khăn để chính phủ hiện tại giành được sự chấp thuận của người dân Nhật Bản bởi nhiều người tin rằng chủ nghĩa hòa bình đã bảo vệ quốc gia này, sau khoảng thời gian 1931-1945 chứng kiến 3 triệu người Nhật và 15 triệu người châu Á thiệt mạng.

- Giáo sư David Leheny: Tình hình luôn phức tạp hơn thế. Hầu như tất cả người Nhật đều nói rằng họ rất tin tưởng vào hòa bình và muốn thúc đẩy nó, ngay cả ông Abe cũng tuyên bố như vậy.

Tuy nhiên, đối với một số người, việc gìn giữ hòa bình trong khu vực và trên thế giới đòi hỏi lập trường quân sự mạnh mẽ hơn để đảm bảo an ninh. Vì vậy, họ có thể vừa “ủng hộ hòa bình” vừa “ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp”, ít nhất là trong suy nghĩ.

Quan điểm của tôi là những người kiên quyết phản đối (củng cố) quân sự và cam kết thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình là nhóm cử tri quan trọng nhưng vẫn chỉ chiếm thiểu số, có thể chỉ khoảng 30-35%.

Nhiều người khác muốn Nhật Bản có quân đội đủ mạnh để tự vệ trong khu vực được coi là nhiều thách thức, và nhóm thiểu số quan trọng khác (có thể khoảng 30-35%) muốn Nhật Bản chuẩn bị thực hiện các bước tiến an ninh tích cực hơn trong khu vực, không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn các đồng minh như Mỹ, Australia và Ấn Độ.

Chắc hẳn, trong những năm qua đã có nhiều ý kiến nghiêng về việc tăng cường củng cố quân đội và an ninh, nhưng tôi cho rằng xu hướng đó tiến triển khá chậm và mất nhiều thời gian.

Nhờ sự quyết đoán của ông Abe, có thể dễ dàng nhận thấy Nhật Bản đã thực hiện những bước tiến theo hướng củng cố quân sự. Về cơ bản, ông đã đạt được một số thay đổi pháp lý giúp quân đội Nhật Bản tham gia vào các nỗ lực an ninh khu vực dễ dàng hơn, và cũng không nhất thiết cần nhiều hơn thế.

Điều này một phần là vì dù một số muốn đất nước có khả năng tự vệ, đại đa số người Nhật vẫn tự hào về thành tích hòa bình thời hậu chiến và muốn điều đó tiếp tục.

Phương Linh - Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sau-ong-abe-con-duong-sua-hien-phap-nhat-con-dai-post1335093.html