Sau nhiều nỗ lực, các quốc gia châu Mỹ nhất trí lập tức viện trợ cho Haiti

Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên ngay lập tức gửi viện trợ cho Haiti nhằm giúp đất nước này thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Người dân băng qua Quốc lộ 2 ngập nước tại L'Acul ở phía tây Port-au-Prince, Haiti, ngày 3/6. (Nguồn: AFP)

Người dân băng qua Quốc lộ 2 ngập nước tại L'Acul ở phía tây Port-au-Prince, Haiti, ngày 3/6. (Nguồn: AFP)

Các gói viện trợ sẽ hướng đến việc củng cố lực lượng cảnh sát, giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội của đất nước này và tổ chức các cuộc bầu cử tự do ngay khi điều kiện cho phép.

Văn bản do chính phủ Haiti trình bày ngày 23/6 đã được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng OAS lần thứ 53 tại Washington với sự hiện diện của người đứng đầu ngành ngoại giao của nhiều nước trong khu vực, bao gồm cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Từ tháng 10/2022, chính phủ Haiti đã chính thức đề nghị phái bộ quốc tế can thiệp để giúp lực lượng Cảnh sát Quốc gia Haiti chống lại các băng đảng. Đề xuất này được Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres ủng hộ và ông đã gợi ý thành lập một “lực lượng hành động nhanh” bao gồm các binh sĩ từ một hoặc một số quốc gia và không hoạt động dưới lá cờ Liên hợp quốc.

Mỹ và Canada đã thúc đẩy các cuộc đàm phán về vấn đề này.

Trước đó, ngày 21/6, Canada và CH Dominica đã nhất trí rằng Canada sẽ phối hợp hỗ trợ Haiti bằng cách tăng cường các nhân viên tại các đại sứ quán ở cả Port-au-Prince và Santo Domingo.

Thỏa thuận này là nhằm giải quyết tranh cãi nảy sinh vào tuần trước về một văn phòng của Canada trên lãnh thổ Dominica có nguy cơ gây phức tạp cho kế hoạch quốc tế nhằm tăng cường cho lực lượng cảnh sát của Haiti.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), một trong các cơ quan của Liên hợp quốc, ngày 8/6 ước tính số người Haiti phải di cư do bạo lực băng đảng lan rộng đã tăng lên hơn 165.000 người.

Trong một tuyên bố, IOM nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công băng đảng, hành quyết phi pháp, bắt cóc và bạo lực hiện đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Haiti. IOM cảnh báo rằng tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong 3 tháng đầu năm 2023, trong đó số người thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt cóc tăng 30% so với quý trước, lên tới 1.630 người.

(theo Reuters, AFP)

Tường Vy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-nhieu-no-luc-cac-quoc-gia-chau-my-nhat-tri-lap-tuc-vien-tro-cho-haiti-232155.html