Sau lễ mừng của ngành thủy sản!

Chiều qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức lễ mừng ngành thủy sản đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD. Thành quả này xứng đáng để ăn mừng bởi nhiều lẽ.

Dù là nước nông nghiệp với nhiều lợi thế song từ trước tới nay, chỉ có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta vượt qua con số 10 tỷ USD; giờ có thêm ngành thủy sản ghi danh vào bảng vàng này. Trong 11 tháng qua, xuất khẩu thủy sản đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận một cột mốc mới - lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD trong một năm.

Đáng nói là ngành thủy sản đạt được thành tích này trong bối cảnh hết sức khó khăn. Covid-19 vừa tạm lắng thì xung đột Nga - Ukraine nổ ra ngay đầu năm, ngày càng phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc. Hai yếu tố này đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng khá cơ bản như năng lượng, lương thực, phân bón… và đẩy thế giới vào vòng xoáy lạm phát. Để ứng phó với cơn bão giá cả, người tiêu dùng toàn cầu thắt chặt túi tiền và ngay lập tức ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu của nước ta. Ngành thủy sản tuy không chịu tác động quá lớn, bởi lương thực thực phẩm vốn là hàng hóa thiết yếu, song cũng phải đối mặt với tình trạng sụt giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khó càng thêm khó vì sự đình trệ của dòng tiền.

Ngoài khó khăn chung, ngành chế biến thủy sản xuất khẩu còn gặp thách thức riêng. Con tôm - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ta - đang chịu sự cạnh tranh quốc tế gay gắt từ hai đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ.

Trong bối cảnh như vậy, thành tích xuất khẩu vượt 10 tỷ USD của ngành thủy sản cho thấy các doanh nghiệp trong ngành đã chủ động điều chỉnh sách lược hoạt động, sách lược kinh doanh một cách linh hoạt để vượt qua chông gai và tận dụng tối đa những thuận lợi trong 3 quý đầu năm về nhu cầu thị trường, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng. "Bí quyết" đã được TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ ra. Đó là làm tăng sức cạnh tranh sản phẩm thông qua tính toán tối ưu quy trình chế biến, các định mức tiêu hao; chú trọng nâng cao năng suất thông qua trang bị các công cụ hỗ trợ; đồng thời coi trọng sự uyển chuyển trong hoạch định thị trường từng giai đoạn, đi liền là sản phẩm tập trung tương ứng cũng như chọn lọc lại các khách hàng phù hợp.

Trong thành tích chung, các mặt hàng chủ lực cũng ghi nhận những cột mốc mới. Lần đầu tiên xuất khẩu tôm vượt mốc 4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 39% trong tổng giá trị xuất khẩu của 11 tháng. Đứng thứ hai là cá tra với kim ngạch 2,3 tỷ USD (chiếm 22,4%) nhờ nắm bắt cơ hội gia tăng thị phần do xung đột Nga - Ukraine làm nguồn cung cá thịt trắng hạn chế. Đồng thời, xuất khẩu cá ngừ cũng chắc chắn đạt kỷ lục 1 tỷ USD khi tháng 12 kết thúc.

Đằng sau thành quả ấn tượng đáng để ăn mừng và cũng là nền tảng để đặt các mục tiêu cao hơn này, ngành thủy sản sẽ phải đối diện với một tương lai không mấy thuận lợi. Dễ nhìn thấy các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh ở tầm quốc tế và người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn. Nếu doanh nghiệp chậm chân hoặc chủ quan thì khả năng “cầm vàng lại để vàng rơi” là chuyện có thể xảy ra. Vào lúc này, kinh nghiệm của năm 2022 cần được phát huy cao nhất với chiến lược hoạt động phù hợp. Cùng với đó, hành trang của doanh nghiệp phải là văn hóa doanh nghiệp, là đạo đức kinh doanh, là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… mới có thể xây dựng được nền tảng để phát triển bền vững.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/sau-le-mung-cua-nganh-thuy-san-i311006/