Sau dồn điền đổi thửa, Sóc Sơn 'nở rộ' vùng chuyên canh

Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, đến thời điểm này huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã có 15/25 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.

Ngày 29.11, Ban chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội do Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình tại Sóc Sơn.

Nhiều mô hình cho thu nhập cao

Ông Phạm Xuân Phương - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, đến nay toàn huyện đã có 15/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 12 xã cán đích vào năm 2015; 3 xã mới hoàn thành vào năm 2016 và đã được Hội đồng thẩm định của huyện thẩm định đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 10/25 xã còn lại đạt từ 14-17 tiêu chí.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng (thứ 2 từ phải qua) thăm mô hình nuôi lợn sạch tại xã Phú Cường,
huyện Sóc Sơn. ảnh: Trần Quang

Ông Phương cho biết thêm, nhờ Chương trình xây dựng NTM, hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn đã được quan tâm đầu tư như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa,… Điều kiện nhà ở, điện nước sinh hoạt của nhân dân được đảm bảo, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 29,8 triệu đồng/năm (tăng 11,8 triệu so với năm 2015).

Cũng theo ông Phương, đến năm 2016, Sóc Sơn cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch sản xuất. “Hiện Sóc Sơn đã có 5 nhãn hiệu nông sản được công nhận cho giá trị kinh tế cao, bình quân thu nhập khoảng 350 – 400 triệu đồng/ha/năm như: Rau hữu cơ Sóc Sơn, chè an toàn Sóc Sơn, bưởi sạch Sóc Sơn, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, đu đủ Sóc Sơn. Sau dồn điền đổi thửa, huyện đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như 32 vùng sản xuất lúa chất lượng cao; hơn 300ha trồng rau an toàn và rau hữu cơ, chè 650ha, hoa nhài 227ha; hoa chất lượng cao 20ha; bưởi sạch Sóc Sơn gần 300ha…”.

Sớm hoàn thành cấp sổ đỏ cho bà con

Tính đến thời điểm này, huyện Sóc Sơn đã huy động được trên 1.500 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng NTM, trong đó vốn ngân sách nhà nước là hơn 1.107 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách và do nhân dân đóng góp đạt khoảng 446 tỷ đồng.

Là một trong số những hộ nông dân có thu nhập cao nhất, nhì huyện, bà Nguyễn Thị Liên - chủ trang trại chăn nuôi lợn sạch ở xã Phú Cường cho biết, nhờ chăn nuôi sạch theo quy trình khép kín, trung bình mỗi năm gia đình bà xuất bán trên dưới 100 tấn thịt lợn thương phẩm cho các hệ thống cửa hàng, đại lý thực phẩm sạch, thu về hàng tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với huyện Sóc Sơn vào chiều ngày 29.11, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá: “Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Sóc Sơn đã đạt được một số thành tựu tích cực, song huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa còn chậm; sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị huyện cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về việc xây dựng NTM. Đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, chậm nhất vào tháng 6.2017 phải hoàn thành để bà con nông dân có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác để hình thành vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết vùng để hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm.

“Bên cạnh việc chú ý đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện cần quan tâm hơn nữa đến Chương trình xây dựng NTM, rà soát lại các xã gần đạt chuẩn để có hướng đầu tư trọng điểm. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu 25/25 xã đạt chuẩn NTM” – bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh./.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/sau-don-dien-doi-thua-soc-son-no-ro-vung-chuyen-canh-727362.html