Sau cú sốc yêu 'độc hại'

Thường xuyên cảm thấy bị coi thường, mất nhiều năng lượng để cố gắng làm người kia vui, hay luôn phải đề phòng để không bị tấn công… là những dấu hiệu cho thấy, người trẻ đang ở trong mối quan hệ 'độc hại' (toxic relationship).

Khi tình yêu bị “nghẹt thở”

Một năm rưỡi khi yêu cô gái ấy, Nguyễn Mạnh Huy (24 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ gói trọn bằng một trạng thái: bị đè nén. Huy kể, đó là khoảng thời gian anh luôn phải ở “cửa dưới”, bị lo lắng, sợ và gam màu của tình yêu lúc nào cũng xám xịt. Chàng trai nhận thấy, bạn gái có xu hướng muốn tất cả mọi thứ phải theo ý mình, phải được thượng tôn cảm xúc và luôn giày vò, công kích đối phương nếu không đáp ứng.

Theo Huy, nếu không làm theo yêu cầu của bạn gái hay phản biện lại quan điểm, sẽ bị trở thành trung tâm cuộc bàn tán, phán xét trong hội nhóm bạn bè của đối phương. “Về mặt cảm xúc, mình bị ảnh hưởng tới 70% và khiến cho mối quan hệ yêu đương trở thành một cuộc đấu trí. Mình đã trượt dài trong mối quan hệ này bằng cách tìm đến các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia để giải tỏa. Thời điểm đó, công việc của mình cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi năng lượng tiêu cực đã lấn át hiệu suất sáng tạo”, Huy nói.

Ở cấp độ nhẹ, mối quan hệ độc hại khiến người trẻ bị tổn thương tâm lý và mất thời gian để tin vào tình yêu. Ảnh minh họa

Còn với Bùi Minh Ngọc (22 tuổi, quê ở Hải Phòng), cô cho rằng, bản thân đã nếm trải mối quan hệ “độc hại” khi bị bạn trai miệt thị ngoại hình, luôn so sánh với các cô gái khác. Ngọc cho hay, trước đó, bạn trai đã từng bị so sánh và bị người yêu cũ coi thường. Vì vậy, khi quen Ngọc, đối phương muốn biến cô trở thành mẫu hình con gái như mong muốn thay vì quen nhau một cách bình thường.

Hơn 15 triệu lượt tìm kiếm trên Google cho từ khóa “mối quan hệ độc hại” để thấy, nhiều người trẻ đã và đang gặp nhiều thương tổn khi yêu. Báo cáo tại hội nghị về thực trạng và giải pháp phòng chống tội phạm gây án mạng do mâu thuẫn tình ái, Công an TP Hà Nội thông tin, từ năm 2022 đến tháng 1/2023, tỉ lệ vụ án mạng do nguyên nhân mâu thuẫn tình ái trên địa bàn chiếm 15,2%.

“Khi sự việc này xảy ra, mình và đối phương đều có ấn tượng xấu với nhau, những cuộc cãi vã liên tục xảy ra. Mình đã mất nhiều năng lượng để cố gắng làm người kia vui từ thay đổi phong cách ăn mặc, gượng ép trong bộ dạng xinh đẹp, sexy hay thậm chí bị đánh giá là đang biến chất theo kiểu đua đòi xã hội. Nếu không làm theo kỳ vọng trở thành một mẫu hình do đối phương đặt ra, mình sẽ bị chèn ép đến ngộp thở bằng những câu nói theo kiểu miệt thị ngoại hình”, Ngọc kể.

Quen nhau đủ lâu, Ngọc nhận ra, sự ép buộc đó không phải xuất phát từ mong muốn giúp đối phương tốt lên. Mà sự cố chấp đến phi lý của đối phương đã khiến cô dần mất niềm tin vào bản thân, luôn tự ti và hoài nghi về bản thân so với nhiều cô gái khác. Sau hơn 2 năm ở trong mối quan hệ này, Ngọc đã mắc hội chứng overthinking (suy nghĩ quá mức), sống khép kín và không dám bắt đầu một mối quan hệ mới.

Tự tử “hụt”... để níu kéo

Nhớ lại năm 3 đại học, Phan Kiều Thu (23 tuổi, quê ở Phú Thọ) không dám nói lời chia tay với đối phương vì thường xuyên bị dọa… sẽ tự tử. “Thời điểm đó, bạn trai đã đi làm, mình vẫn đang đi học. Cả hai quen nhau, tán tỉnh qua mạng rồi yêu nhau khá nhanh. Sau vài tháng yêu, anh ấy quyết định chuyển trọ đến gần trường của mình, cùng thuê nhà để sống thử”, Thu kể.

Trong thời gian sống chung, Thu nhận thấy bạn trai dần bộc lộ những tính cách mà cô khó chấp nhận như không muốn bị người khác phê bình, nhạy cảm quá mức về thất bại của mình, nhưng luôn muốn trở thành trung tâm, muốn được đối phương ngưỡng mộ.

“Khi thấy bạn trai có những dấu hiệu của bệnh ái kỷ, mình đã chia tay nhưng không thành. Bạn trai nói rằng, nếu không yêu mình, bạn ấy sẽ không sống nổi, nên đã tự làm đau bằng hành động như rạch tay, hay chụp ảnh đứng trên cầu chuẩn bị tự tử. Sau đó, mình đã tìm sự trợ giúp của phụ huynh và phải đến câu nói chia tay lần thứ 6, mình mới được giải thoát”, Thu cho hay.

Trái ngược với trường hợp của Thu, một số bạn chia sẻ đã hứng chịu sự chỉ trích, sỉ nhục, đe dọa, thậm chí sử dụng bạo lực khi đề nghị chấm dứt mối quan hệ. Vấn đề này, theo anh Đào Lê Tâm An - Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nhận định người gây ra hành vi bạo lực thường ở thế thống trị, kiểm soát, và có sự chênh lệch quyền lực với đối phương.

Tuy nhiên, họ sẽ cố tình hoặc vô ý phủ nhận điều này, lý giải theo thiên hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nói cách khác, hành vi bạo lực dường như là cách duy nhất để họ loại bỏ những tác nhân gây lo âu cho chính họ. Yếu tố thúc đẩy tính bạo lực này, có thể đến từ những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu như việc là nạn nhân của bạo lực gia đình, hoặc học hỏi hành vi, lời nói từ phim ảnh, cũng có thể tiếp nhận những luồng tư tưởng sai lệch từ thế giới xung quanh.

Làm sao để yêu lành mạnh?

Để thật sự hiểu và tránh xa mối quan hệ độc hại, trước hết , người trẻ cần hiểu về những giá trị, yếu tố tiên quyết mà bản thân lựa chọn trong chuyện tình cảm.

Theo anh Đào Lê Tâm An - Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, bạn trẻ cần nhận biết sớm những dấu hiệu về mặt ngôn từ (hăm dọa sử dụng bạo lực, la hét, đay nghiến bằng từ ngữ nặng nề...) hay dấu hiệu về mặt hành vi (đập phá đồ đạc, hành hạ con vật...) sẽ cảnh báo bước đầu về mô tuýp hành vi của một người nào đó. Ngoài ra, bạo lực tinh thần hay tình dục cũng cần được xem xét rất nghiêm túc, như: không tôn trọng giới hạn hay sự đồng thuận của bạn; thường xuyên đổ lỗi, không nhận trách nhiệm; hạ thấp danh dự và giá trị của bạn...

Chia sẻ thêm về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Ngô Thùy Trang (diễn giả Keira Ngo) cho rằng, thao túng tâm lý là một khái niệm thường xuyên được nhắc đến trong một mối quan hệ độc hại nhằm kiểm soát, bóc lột và điều khiển đối phương vì mục đích cá nhân. Tuy nhiên, không phải hành vi thao túng nào cũng là độc hại, không phải hành vi độc hại nào cũng là nguy hiểm và không thể được dung thứ hay cải thiện.

Bạn trẻ cũng cần học cách tỉnh táo trong mối quan hệ

“Đa số chúng ta sẽ bắt đầu một mối quan hệ lãng mạn với hy vọng được thỏa mãn các nhu cầu cá nhân. Mỗi người sẽ có những nhu cầu và các thói quen thể hiện tình cảm khác nhau. Việc mâu thuẫn và làm tổn thương nhau là khó tránh khỏi”, chuyên gia tâm lý Ngô Thùy Trang nói.

Nữ chuyên gia tâm lý cho rằng, mỗi cá nhân học cách nhận thức rõ giá trị và giới hạn của bản thân trong mối quan hệ. Đặc biệt, bạn trẻ cũng cần học cách tỉnh táo trong mối quan hệ và nhận diện chính xác những tín hiệu cho thấy mình đang có nguy cơ bị tổn thương.

Việc gây tổn thương khi mâu thuẫn và những sự lãng mạn thường ngày cũng không tồn tại một cách độc lập mà cứ thay phiên nhau, khiến ta liên tục tự hoài nghi về chính mối quan hệ của mình. Vì vậy, người trẻ hãy học cách chỉ mặt đặt tên chính xác những hành vi và biểu hiện chúng ta chưa cảm thấy thoải mái và muốn thay đổi, thay vì lập tức dán nhãn mối quan hệ là “độc hại”.

Diệu Nhi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sau-cu-soc-yeu-doc-hai-post1628910.tpo