Sau công bố Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, thị trường bất động sản ven sông tiếp tục tăng giá

Thị trường bất động sản tại các địa phương tiếp giáp khu vực quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống vốn đã 'nóng', thì sau khi dự án chính thức được công bố, giá đất tăng lên từng ngày.

Những năm qua, thị trường bất động sản ở khu vực huyện Đông Anh, Mê Linh… vốn đã "nóng" bởi hàng loạt các dự án, kế hoạch từ huyện lên quận nhưng từ sau khi UBND TP Hà Nội công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống (ngày 5/4), thị trường bất động sản ở khu vực này lại như được tiếp thêm sức "nóng".

Đặc biệt là khu vực tiếp giáp với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng như xã Võng La, Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh (huyện Đông Anh)…

Tại làng Võng La, bất cứ ai hỏi về giá đất, người dân nào cũng tỏ ra "sành sỏi" và ngỏ ý giới thiệu...

Tại làng Võng La, bất cứ ai hỏi về giá đất, người dân nào cũng tỏ ra "sành sỏi" và ngỏ ý giới thiệu...

Trong vai người có nhu cầu về bất động sản, phóng viên đã có mặt tại xã Võng La (thuộc huyện Đông Anh).

Tại đây, bất kỳ ai cũng rành về thị trường bất động sản.

Bà N.T.T (hơn 50 tuổi, ở thôn Võng La, xã Võng La) làm nghề kinh doanh nội thất nhựa nhưng khi biết chúng tôi có nhu cầu về đất ở, bà T hỏi: "Cô muốn mua đất thế nào? Có sổ hay không có sổ?. Nếu có sổ thì vào trong làng (trung tâm thôn Võng La – PV), nếu cần đất không sổ thì không thiếu".

Bà N.T.T (hơn 50 tuổi, ở thôn Võng La, xã Võng La) làm nghề kinh doanh nội thất nhựa nhưng hễ ai hỏi về đất, bà T tỏ ra sành sỏi và tư vấn nhiệt tình. Ảnh: Bảo Loan

Bà N.T.T (hơn 50 tuổi, ở thôn Võng La, xã Võng La) làm nghề kinh doanh nội thất nhựa nhưng hễ ai hỏi về đất, bà T tỏ ra sành sỏi và tư vấn nhiệt tình. Ảnh: Bảo Loan

Theo bà T, từ khi Hà Nội công bố Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, bà T đã gặp rất nhiều người đến thăm dò, tìm hiểu bất động sản. Song, cũng vì thị trường nóng theo Đồ án, giá đất cũng càng ngày càng "nhích lên".

Cũng theo bà T, giá đất có sổ tại thôn Võng La dao động từ 30 – 40 triệu đồng/m2. Riêng đất ở không có sổ (đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông – PV) thì nhiều mức giá, dao động từ 9 – 15 triệu đồng/m2.

Ngay khi biết chúng tôi có nhu cầu về đất, bà N.T.T đã dẫn phóng viên xem xét ô đất ở có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, với giá 10 triệu đồng/m2. Theo đó, ô đất này có diện tích khoảng 73m2, giá tương đương khoảng 950 triệu đồng. Ảnh: Bảo Loan

Ngay khi biết chúng tôi có nhu cầu về đất, bà N.T.T đã dẫn phóng viên xem xét ô đất ở có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, với giá 10 triệu đồng/m2. Theo đó, ô đất này có diện tích khoảng 73m2, giá tương đương khoảng 950 triệu đồng. Ảnh: Bảo Loan

Đưa giá đất này đến hỏi chị L – một tiểu thương kinh doanh dưới gầm cầu Thăng Long (thuộc thôn Võng La), chị L khẳng định, mua đất không có sổ với mức giá từ 9 – 15 triệu đồng/m2 là quá đắt.

Chị L cho biết: "Đất không có sổ, tức là có nguồn gốc từ đất vườn mà có khả năng làm sổ đỏ cao hoặc các mảnh bên cạnh đều là đất có sổ thì giá thấp nhất cũng từ 10 triệu đồng/m2. Với những đất không sổ nhưng có sẵn công trình xây dựng cũng vậy. Nếu mua những đất có sẵn công trình thì dễ đập đi xây mới được theo ý muốn. Tuy nhiên, giá đất có sổ đỏ lại rất đắt, ít nhất cũng từ 30 triệu đồng/m2".

Chị L – một tiểu thương kinh doanh dưới gầm cầu Thăng Long (thuộc thôn Võng La) khẳng định, giá đất không có sổ từ 9 - 15 triệu đồng/m2 là quá đắt. Ảnh: Bảo Loan

Chị L – một tiểu thương kinh doanh dưới gầm cầu Thăng Long (thuộc thôn Võng La) khẳng định, giá đất không có sổ từ 9 - 15 triệu đồng/m2 là quá đắt. Ảnh: Bảo Loan

Vừa chỉ tay về phía bờ sông Hồng, đoạn gầm cầu Thăng Long, chị L tiết lộ: "Mảnh ngay trụ cầu đó chỉ khoảng 40m2 thôi. Một nửa mảnh đó là đất lưu không giá lúc mua chỉ khoảng 300 triệu. Bây giờ có công trình rồi, giá khoảng 400 triệu".

"Người ta còn làm nhà ra tận mép sông, bây giờ làm gì có lũ nữa… Nếu mua đất có nhà xây sẵn thì đắt hơn… Người lạ vào hỏi mua thì giá đắt hơn nhưng biết mặc cả thì được giá đẹp. Cò đất gạ tôi mua mãi nhưng tôi không mua, đắt quá", chị L vừa nói nhỏ vừa lắc đầu.

Theo chị L, công trình nằm kế bên trụ cầu Thăng Long này (trong khoanh đỏ - PV) có diện tích khoảng 40m2, một nửa phần đất này là đất không lưu và giá chỉ dao động từ 300 - 400 triệu đồng, nếu biết mặc cả. Ảnh: Bảo Loan

Theo chị L, công trình nằm kế bên trụ cầu Thăng Long này (trong khoanh đỏ - PV) có diện tích khoảng 40m2, một nửa phần đất này là đất không lưu và giá chỉ dao động từ 300 - 400 triệu đồng, nếu biết mặc cả. Ảnh: Bảo Loan

Tại xã Đông Dư (thuộc huyện Gia Lâm), thị trường bất động sản cũng không thể "ngồi yên".

Theo đó, giá đất trong khu dân cư đang được rao bán với giá khoảng 40 triệu đồng/m2. Giá đất này đã "nhỉnh" khoảng 25% so với thời điểm đầu năm 2021.

Tuy nhiên, mức giá 40 triệu đồng/m2 tại khu vực xã Đông Dư vẫn thấp hơn giá đất ở khu vực xã Tứ Hiệp (Thanh Trì). Mức giá đất ở tiếp giáp với đê sông Hồng đang được rao bán với mức giá khoảng 45- 50 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, cách đây khoảng hơn một năm, khu vực này chỉ có giá khoảng 30 – 35 triệu đồng/m2.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia về quy hoạch đô thị, thạc sĩ Trần Tuấn Anh cho rằng, Đồ án quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống được phê duyệt nhưng mới chỉ phê duyệt tỷ lệ 1/5.000. Để đi vào triển khai, cần tiếp tục nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết cho từng khu vực để phù hợp với điều kiện thực tế.

Cho nên, nếu nắm thông tin không chính xác, người đầu cơ bất động sản sẽ chịu rủi ro rất lớn. Đặc biệt là chẳng may mua đất vào những vị trí phân khu đô thị, khu vực chức năng công cộng… thì khả năng lợi nhuận đâu không thấy mà còn mất cả tiền đầu tư. Thậm chí, phần bồi thường sẽ không nhiều vì đơn giá đền bù sẽ căn cứ vào bảng khung giá đất do Nhà nước quy định.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/sau-cong-bo-quy-hoach-phan-khu-do-thi-song-hong-thi-truong-bat-dong-san-ven-song-tiep-tuc-tang-gia-172220413172547549.htm