Sau 30 tuổi muốn kiểm tra sức khỏe nên làm 9 xét nghiệm sau

Khám sức khỏe định kỳ được các bác sĩ khuyến cáo, nhất là sau 30 tuổi. Tuy vậy đa số mọi người băn khoăn không biết cần khám và xét nghiệm gì?

Nếu muốn phát hiện sớm bệnh tật, kiểm soát và theo dõi sức khỏe của chính mình, ngoài việc thăm khám lâm sàng, tư vấn, xét nghiệm và thăm dò chức năng của các bộ phận trong cơ thể là chiến lược tối ưu và hiệu quả hiện nay.

Nếu có điều kiện kinh tế chúng ta nên thăm dò, tầm soát toàn bộ cơ thể; nhưng nếu không có điều kiện chúng ta có thể làm những xét nghiệm cần thiết tối thiểu.

Dưới đây là 9 xét nghiệm, thăm dò cần thiết tối thiểu đối với người lớn, nhất là sau 30 tuổi:

1.Công thức máu

Công thức máu toàn phần là kết quả xét nghiệm thành phần có trong máu, gồm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, số lượng và tính chất của các tế bào thành phần có trong máu này sẽ được thể hiện dưới giá trị đo lường riêng.

Qua kết quả công thức máu, bác sĩ xác định những vấn đề liên quan đến huyết học của sức khỏe bạn.

Công thức máu giúp cảnh báo và xác định một số bệnh lý: Thiếu máu hay không, cảnh báo các bệnh liên quan như bệnh nhiễm trùng cấp và mạn tính, ung thư máu…

Xét nghiệm công thức máu giúp cảnh báo và xác định một số bệnh lý như bệnh nhiễm trùng cấp và mạn tính, ung thư máu…

2. Xét nghiệm đường máu và HbA1C

Xét nghiệm đường máu - glucose lúc đói (Go) và HbA1C là xét nghiệm nhằm mục đích phát hiện và theo dõi tiền đái tháo đường, bệnh đái tháo đường. Cụ thể như sau:

Xét nghiệm glucose máu lúc đói cho biết kết quả:

Bình thường: Go < 100 mg / dl (Go < 5,6 mmol/L)
Tiền đái tháo đường: 100 mg / dl < Go < 126 mg / dl (5,6 mmol/L < Go < 6,9 mmol/L)
Bệnh đái tháo đường: Go >126 mg / dl (Go > 7 mmol/L).
Hemoglobin đường hóa - HbA1c: HbA1c là chỉ số thể hiện tỷ lệ gắn kết của đường với Hemoglobin (Hb): Đường máu lúc đói cung cấp giá trị glucose máu tại một thời điểm nhất định, còn HbA1c phản ánh mức đường trung bình trong vòng 3 tháng trước khi lấy máu làm xét nghiệm.
Kết quả thử nghiệm HbA1c: Bình thường: HbA1c <5,7%; Tiền đái tháo đường HbA1c: 5,7 - 6,4%; Đái tháo đường: HbA1c > 6,5%.

3. Xét nghiệm mỡ máu

Xét nghiệm mỡ máu, thường kết quả một bilan lipid gồm: Cholesterol toàn phần, Triglyceride, HDL-C (lipoprotein tỷ trọng cao) và LDL-C (lipoprotein tỷ trọng thấp).

Trong đó, nồng độ cholesterol, LDL-C và triglyceride tăng cao làm tăng nguy cơ phát triển xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, bệnh tim mạch, đột quỵ… Riêng chất mỡ HDL-C tăng có tác dụng bảo vệ tim mạch.

4. Xét nghiệm men gan

Những bệnh lý gan thường gặp như: Viêm gan do siêu vi, viêm gan do rượu bia, viêm gan do ký sinh trùng, gan nhiễm mỡ… Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế những nguy hiểm của các biến chứng như: Viêm gan, xơ gan, ung thư gan… Khi có thương tổn tế bào gan, một số chất tăng lên trong máu.

Tối thiểu nên làm các men gan, gồm: SGOT (Aspart transaminase), SGPT (Serum glutamic pyruvic transaminase) và GGT (Gama glutamyl transpeptidase).

5. Xét nghiệm chức năng thận

Do những bệnh lý về thận ở giai đoạn sớm, có triệu chứng không rõ ràng và khó nhận biết, đặc biệt ở người mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp lâu ngày không được điều trị triệt để dễ dẫn đến suy thận. Tối thiểu, nên làm xét nghiệm, gồm: Ure và Creatinine.

Dựa trên giá trị creatinine và các thông số khác, các chuyên gia y tế sẽ sử dụng công thức để tính ra giá trị cụ thể của mức lọc cầu thận (GFR: Glomerular filtration rate), từ đó nhằm đánh giá bạn có bị suy thận hay không? Nếu suy thận, thì suy thận giai đoạn mấy?.

6. Chụp X quang phổi thường quy

Chụp X quang phổi thường quy là một tầm soát tối thiểu, khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Qua phim X quang phổi thường quy, giúp cho các chuyên gia y tế đánh giá sơ bộ hình ảnh tim phổi.

Qua hình ảnh siêu âm, giúp cho các chuyên gia y tế đánh giá hình ảnh các cơ quan nằm trong ổ bụng.

7. Siêu âm bụng

Siêu âm bụng tổng quát cũng là một tầm soát tối thiểu và cung cấp nhiều thông tin giá trị, khi kiểm tra sức khỏe.

Qua hình ảnh siêu âm, giúp cho các chuyên gia y tế đánh giá hình ảnh các cơ quan nằm trong ổ bụng, và rất có giá trị chẩn đoán xác định đối với các nội tạng đặc (gan, thận, tụy, tử cung phần phụ, tiền liệt tuyến…) xem hình ảnh có trong giới hạn bình thường không, hay cần làm những xét nghiệm mở rộng nhằm làm rõ một số bất thường nghi ngờ?

8. Siêu âm vú và chụp nhũ ảnh ở nữ giới

Riêng nữ từ 40 tuổi trở đi, tầm soát vú rất quan trọng để phát hiện sớm các bất thường của tổ chức vú: nốt vôi hóa, u cục, ung thư vú và các bệnh lý vú khác.

Tối thiểu phải làm cả siêu âm vú và chụp nhũ ảnh (mammography) để khỏi bỏ sót thương tổn, nhất là trong giai đoạn sớm.

9 . Siêu âm tuyến giáp và động mạch cảnh

Khi lớn tuổi chúng ta cũng cần tầm soát tuyến giáp và động mạch cảnh qua siêu âm. Kết quả siêu âm tuyến giáp có thể phát hiện sớm các thương tổn u cục và các bất thường khác của tuyến giáp.

Siêu âm động mạch cảnh có thể cung cấp các kết quả huyết động, độ dày thành động mạch cảnh và tình trạng xơ vữa trong lòng mạch, giúp dự báo các bệnh lý liên quan, như đột quỵ và các bệnh tim mạch khác.

Ngoài ra, tùy vào tình trạng cơ thể của bạn vào thời điểm kiểm tra sức khỏe để mở rộng thêm xét nghiệm hoặc thăm dò chức năng khác.

Ví dụ: Có đau ngực trái, nên làm thêm siêu âm tim, điện tâm đồ, holter, chụp cắt lớp vi tính. Hay đau vùng thượng vị, hay rối loạn tiêu hóa, hay đau vùng bụng dưới kèm đại tiện không bình thường... bác sĩ có thể chỉ định nội soi dạ dày, nội soi đại trực tràng.

Kết luận

Có nhiều cách chăm lo sức khỏe, nhưng cách đơn giản, chiến lược và tối ưu nhất là: Định kỳ làm một số xét nghiệm và thăm dò tối thiểu sức khỏe của chính bạn. Và khi đã có kết quả, cần vui vẻ chấp nhận những kết quả không mong muốn, quyết tâm điều chỉnh lối sống và thực hiện các cách thức theo tư vấn của các chuyên gia y tế.

T.S. BS. Lê Thanh Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-30-tuoi-muon-kiem-tra-suc-khoe-nen-lam-9-xet-nghiem-sau-169240328173215633.htm