Sau 11 năm rút khỏi Việt Nam, liên doanh mới của Chery liệu có thành công?

Trở lại sau 11 năm với một liên doanh có phần hoành tráng hơn về vốn và quy mô, liệu Chery có thành công với đối tác mới Geleximco?

Hãng xe lớn thứ ba Trung Quốc, doanh thu hơn 42 tỷ USD

Ngày 4/4, lễ ký kết thành lập liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo diễn ra tại Hà Nội.

Liên doanh được thành lập để vận hành dự án nhà máy lắp ráp ô tô tại KCN Hưng Phú, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), tổng công suất dự kiến đạt 200.000 xe/năm, sau khi hoàn chỉnh 3 giai đoạn phân kỳ đầu tư.

Tổng vốn đầu tư của hai bên vào liên doanh được công bố con số 800 triệu USD (tương đương 19.900 tỷ đồng). Tỷ lệ góp vốn của từng bên không được tiết lộ.

Đối tác liên doanh nước ngoài của Geleximco, Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo là công ty con của Tập đoàn Chery, hãng xe lớn thứ ba tại Trung Quốc.

Công nhân lắp ráp xe Chery Omoda 5 tại nhà máy ở Kulim ở Kedah (Malaysia), mẫu xe này cũng sẽ được lắp ráp ở Việt Nam vào năm sau.

Chery là nhà sản xuất ô tô do Chính phủ Trung Quốc sở hữu vốn chi phối, trụ sở tại TP Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Được thành lập năm 1997, sau 27 năm hoạt động, đến nay Chery đứng thứ ba Trung Quốc về sản lượng tiêu thụ. Năm 2023 hãng bán ra hơn 1,8 triệu xe, trong đó xuất khẩu 937.148 xe.

So với hai năm liền trước, xuất khẩu 269.154 xe năm 2021 và 451.337 xe năm 2022, mức xuất khẩu năm 2023 tăng trưởng gấp đôi (937.148 chiếc), chứng tỏ sản phẩm của hãng có sức hút nhất định.

Nhờ tăng sản lượng xuất khẩu, doanh thu của Chery năm qua tăng hơn 50%, đạt con số 300 tỷ nhân dân tệ (42,25 tỷ USD).

Kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu ô tô đa dạng của Chery đến từ việc thiết lập liên doanh 50:50 với Jaguar Land Rover vào năm 2012 để sản xuất xe Jaguar và Land Rover tại Trung Quốc, giúp Chery duy trì 21 năm liên tiếp là nhà xuất khẩu xe du lịch hạng nhẹ nhiều nhất Trung Quốc.

Ngoài nhãn hiệu chính Chery, hãng này sở hữu các nhãn hiệu con gồm Exeed, Jetour, Riich, xe tải nhẹ minivan hiệu Karry và Jaecoo.

Dải sản phẩm của các nhãn hiệu con đều có từ 5 - 8 mẫu xe thuộc nhiều phân khúc đa dạng.

Jaecoo là thương hiệu non trẻ nhất vừa ra mắt năm 2023, để tiếp thị xe SUV tới các thị trường xuất khẩu như Đông Nam Á, châu Âu, Nga, Trung Đông và Nam Phi.

Lần thứ hai thiết lập liên doanh tại Việt Nam

Chery từng đến Việt Nam thiết lập liên doanh lần đầu vào năm 2009 với mẫu xe đô thị hạng A có tên gọi Chery QQ3 được lắp ráp trong nước bởi Liên doanh Ô tô Hòa Bình (VMC).

Thời điểm đó, QQ3 có giá bán 195 triệu đồng, rẻ nhất thị trường ô tô Việt Nam. Đến tháng 6/2010, VMC tiếp tục giới thiệu mẫu Riich M1, giá 288 triệu đồng.

Tuy nhiên, giá bán rẻ vẫn không giúp các mẫu xe này có doanh số tốt và chỗ đứng trong lòng khách Việt. Đến năm 2013, thương hiệu này rút khỏi Việt Nam.

Chery QQ3 được lắp ráp trong nước bởi Liên doanh ô tô Hòa Bình vào năm 2009.

Sau 15 năm, lần trở lại thứ hai của Chery được cho là hoành tráng hơn về quy mô vốn và đối tác Geleximco cũng có kinh nghiệm về lắp ráp xe máy, sản xuất phụ tùng xe máy nhiều năm.

Trước mắt trong quá trình xây dựng nhà máy, Omoda & Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc, dự kiến ra mắt thị trường vào cuối năm 2024.

Mẫu xe crossover Omoda E5 và mẫu xe việt dã Jaecoo 7 PHEV được cho là bộ đôi đầu tiên được ra mắt, thời điểm được cho là trong quý III năm nay.

Cách bố cục dải sản phẩm của Chery ở các thị trường mới luôn tuân theo chiến lược "Năng lượng mới đan xen nhiên liệu thông thường", có đủ các cấu hình động cơ truyền thống, hybrid, hybrid cắm sạc, giúp thúc đẩy doanh số bán hàng tăng trưởng nhanh và bền vững.

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/sau-11-nam-rut-khoi-viet-nam-lien-doanh-moi-cua-chery-lieu-co-thanh-cong-192240405223410663.htm