'Sát thủ' trong giấc ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ liên quan sự tắc nghẽn đường hô hấp. Nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và nguy cơ gây đột tử.

 Ngừng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ảnh: Health.

Ngừng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ảnh: Health.

BS Nguyễn Trung Việt, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết ngưng thở khi ngủ là tình trạng luồng khí hít vào bị gián đoạn tạm thời hơn 10 giây. Chúng lặp đi lặp lại khi ngủ do tắc nghẽn đường thở hay tổn thương thần kinh trung ương.

Tình trạng ngưng thở khi ngủ kéo dài không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và nguy cơ gây đột tử.

Ai có nguy cơ cao mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ?

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Việt, ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ. Những người có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ:

Béo phì: Nguy cơ ngưng thở khi ngủ gấp 3 lần người bình thường).
Bất thường về cấu trúc đường hô hấp trên: Phì đại amidan, V.A, hàm nhỏ, hàm ra sau, lưỡi quá to, tắc mũi...
Nghiện rượu, sử dụng thuốc an thần, chất gây nghiện.
Trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ.
Đang mắc các bệnh: Đái tháo đường, tăng huyết áp, nhược giáp, suy tim, bệnh mạch máu não...

Dấu hiệu

Bác sĩ Việt cho hay người bệnh thường có các dấu hiệu điển hình dưới đây:

Ngủ ngáy: Dấu hiệu phổ biến nhất. Bệnh nhân có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển. Ngáy to nhất khi nằm ngửa, giảm ở tư thế nằm nghiêng.
Mệt mỏi cả ngày: Người bị ngưng thở khi ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt.
Buồn ngủ vào ban ngày: Bệnh nhân có thể ngủ trong khi đang làm việc.
Đau đầu khi thức dậy: Nguyên nhân từ giảm nồng độ oxy não trong đêm.

"Ngưng thở khi ngủ từ tắc nghẽn là nguyên nhân hàng đầu gây buồn ngủ ban ngày, dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn ôtô, khó khăn trong công việc và rối loạn chức năng tình dục. Mối quan hệ với người thân xung quanh có thể bị ảnh hưởng xấu vì tiếng ồn khi ngủ, sự trằn trọc của bệnh nhân", bác sĩ Việt nói.

 Bệnh nhân có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển. Ảnh: Indydentalsolutions.

Bệnh nhân có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển. Ảnh: Indydentalsolutions.

TS Nguyễn Tài Dũng, khoa Tai Mũi Họng, cho hay những bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ không được điều trị (nếu huyết áp bình thường) sẽ tăng cao khả năng bị tăng huyết áp trong 5 năm tiếp theo. Tình trạng thiếu oxy về đêm lặp đi lặp lại và gián đoạn giấc ngủ có liên quan việc tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch: Suy tim, rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác, gan nhiễm mỡ và đột quỵ.

Nguy cơ đột quỵ và tử vong tăng lên ngay cả khi kiểm soát các yếu tố khác (tăng huyết áp, tiểu đường…). Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đối với những rối loạn phổ biến này hiện chưa được đánh giá đúng mức.

Chẩn đoán và điều trị

Đo đa ký giấc ngủ: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ. Máy ghi lại được tất cả thay đổi sinh lý xảy ra trong giấc ngủ và hoàn toàn không gây đau đớn. Bệnh nhân có thể tự đo tại nhà với máy chuyên dụng.

Nội soi tai mũi họng: Phương pháp giúp phát hiện các bệnh lý, cấu trúc gây hẹp tắc đường thở. Ngoài ra, nội soi ống mềm khi ngủ giúp chẩn đoán chính xác các vị trí hẹp tắc. Bệnh nhân sẽ được gây ngủ và theo dõi bởi bác sĩ gây mê. Sau đó, bác sĩ sẽ nội soi kiểm tra chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ khi bệnh nhân ngủ để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Theo TS Tài Dũng, những bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ ở mức độ nhẹ cần giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ nghiêng, thay đổi lối sống như giảm bia rượu, thuốc lá… Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng dụng cụ hỗ trợ gắn miệng đẩy hàm, điều trị viêm mũi dị ứng, bệnh lý tai mũi họng gây hẹp tắc đường thở (nếu có).

Những bệnh nhân ở mức độ trung bình hoặc nặng sẽ được đeo máy thở áp lực dương liên tục CPAP khi ngủ hoặc phẫu thuật chỉnh hình màn hầu - lưỡi gà (UPPP).

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sat-thu-trong-giac-ngu-post1435934.html