Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Đại Từ: Đúng lộ trình, đồng thuận cao

Sau khi thực hiện việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu để mở rộng địa giới hành chính thị trấn Quân Chu vào năm 2023, giai đoạn 2023-2025, huyện Đại Từ tiếp tục sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp xã là Vạn Thọ và Na Mao.

Theo kế hoạch, 3 xóm của xã Na Mao, gồm: Đoàn Kết, Thái Hà, Khuân U (với tổng diện tích 3,01km2, dân số gần 1.600 người) sẽ được nhập vào xã Phú Xuyên. Trong ảnh: Một phần xã Phú Xuyên hiện tại.

Thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Đại Từ đã chỉ đạo cơ quan chức năng thống kê, rà soát các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp để xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp theo tinh thần các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh.

Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng xong phương án tổng thể và đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn để trình cấp có thầm quyền xem xét. Đề án nêu rõ sự cần thiết sắp xếp ĐVHC đối với xã Vạn Thọ, Na Mao với quy mô dân số, diện tích nhỏ nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC, mở rộng không gian phát triển, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Tại xã Na Mao, ngay sau khi có kế hoạch, đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của huyện Đại Từ, địa phương đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án trên địa bàn xã và kế hoạch thực hiện cụ thể.

Theo đó, phương án sắp xếp đối với xã Na Mao là: Nhập 3 xóm, gồm Đoàn Kết, Thái Hà, Khuân U với tổng diện tích 3,01km2 và dân số gần 1.600 người vào xã Phú Xuyên; nhập 4 xóm còn lại, gồm Trung Tâm, Cây Lai, Ao Soi, Minh Thắng với tổng diện tích 6,32km2 và dân số 2.145 người vào xã Phú Cường. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC sau sáp nhập sẽ là trụ sở UBND xã Phú Xuyên và UBND xã Phú Cường hiện tại, do nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng chí Âu Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Na Mao, cho biết: Ngay khi có chủ trương sắp xếp ĐVHC, chúng tôi đã rà soát, xây dựng các phương án và khảo sát ý kiến nhân dân. Trong đó, phương án chia xã Na Mao thành 2 phần lấy dòng suối Vực Tròn chảy từ xã Yên Lãng qua Na Mao làm ranh giới, một phần nhập vào xã Phú Xuyên, một phần nhập vào xã Phú Cường được đánh giá là phù hợp nhất, thuận lợi cho công tác quản lý về địa giới hành chính, được đông đảo nhân dân ủng hộ. Đặc biệt, khoảng cách từ hộ xa nhất của xã Na Mao hiện tại đến trụ sở UBND xã Phú Cường và xã Phú Xuyên cũng chỉ có 4,5km, ngắn hơn gần một nửa so với nhập toàn bộ xã Na Mao vào Phú Cường hoặc nhập toàn bộ xã Na Mao vào Phú Xuyên.

Còn tại xã Vạn Thọ, địa phương có vị trí địa lý và phần lớn diện tích tự nhiên giáp với xã Ký Phú, nhiều diện tích đất nông nghiệp xen canh với diện tích do xã Ký Phú quản lý; phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân 2 xã cũng có sự tương đồng, nên việc nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 8,48km2, dân số 4.102 người của xã Vạn Thọ vào xã Ký Phú cũng được cán bộ, nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm mở rộng địa giới hành chính, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Trong ảnh: Sản xuất miến dong tại xã Ký Phú.

Tên gọi ĐVHC sau khi nhập xã Vạn Thọ vào xã Ký Phú là xã Vạn Phú; tên gọi ĐVHC sau khi nhập một phần xã Na Mao vào xã Phú Xuyên là xã Phú Xuyên, tên gọi ĐVHC sau khi nhập một phần xã Na Mao vào xã Phú Cường sẽ là xã Phú Cường.

Đến thời điểm này, 5 xã của huyện Đại Từ (gồm 2 xã thuộc diện phải sắp xếp ĐVHC - Vạn Thọ, Na Mao và 3 xã liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp - Ký Phú, Phú Xuyên, Phú Cường) đã thành lập tổ lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp ĐVHC để triển khai theo hộ gia đình vào đầu tháng 3 tới.

Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 11-3, các xã nói trên sẽ tổ chức kỳ họp HĐND xã (kỳ họp chuyên đề) ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã là chủ trương lớn, tác động đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động. Thực tế ở nhiều nơi cho thấy, quá trình thực hiện cũng có nhiều nội dung, vấn đề có thể phát sinh nên sự đồng thuận, quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị là rất quan trọng. Xác định điều đó, thời gian tới, huyện Đại Từ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân thông suốt trong nhận thức, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202402/sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-o-dai-tu-dung-lo-trinh-dong-thuan-cao-d542fea/