Sắp diễn ra khai hội Văn miếu Mao Điền ở Hải Dương

Nhằm giáo dục truyền thống hiếu học 'Tôn sư trọng đạo', uống nước nhớ nguồn; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) trang trọng tổ chức lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền.

Theo kế hoạch, lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 23 - 24/3 (tức thứ 7 và chủ nhật 14 -15/2 âm lịch). Tiếp theo, từ ngày 25 - 27/3 (từ 16 - 18/2 âm lịch diễn ra thi đấu Giải cờ tướng Hội nhà báo tỉnh Hải Dương lần thứ XXVIII. Các nghi lễ và hoạt động đều diễn ra tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền.

Văn miếu Mao Điền nằm ở phía Đông Bắc của làng Mao (hay còn gọi là làng Mậu Tài) thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Trong đó, 14h ngày 23/3 diễn ra tế cáo yết. Từ 7h30’ - 10h ngày 24/3 diễn ra chương trình khai hội gồm có văn nghệ chào mừng, diễn văn khai hội, tiến chữ dâng Thánh, cung tuyên văn tế đức thánh Khổng Tử cùng các vị đại khoa, cắt băng khai mạc Ngày hội sách năm 2024 (do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng thực hiện), các đại biểu và nhân dân dâng hương, tham quan các gian trưng bày ngày hội sách; từ 10h - 11h diễn ra lễ chữ dâng Thánh “Tôn sư trọng đạo”…

Văn miếu Mao Điền cách quốc lộ 5A chừng 200 mét, thuận lợi về giao thông và cách thủ đô Hà Nội 42 km về phía Đông, cách trung tâm thành phố Hải Dương 16km về phía Tây.

Buổi chiều ngày 24/3, từ 13h30’ - 17h diễn ra thi “Viết chữ đẹp”, thi “Rung chuông vàng”, giao lưu biểu diễn dưỡng sinh, thi đấu cờ người và một số trò chơi dân gian như đi cầu kiều, bịt mắt bắt vịt, kéo co... Buổi tối từ 19h30’ - 21h30’ có chương trình biểu diễn văn nghệ.

Bên cạnh đó, giải thi đấu cờ tướng do Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, Hội nhà báo tỉnh Hải Dương lần thứ XXVIII sẽ tổ chức từ ngày 25 - 27/3.

Văn miếu Mao Điền là di tích lớn đứng thứ 2 trong hệ thống Văn miếu Việt Nam, nơi kế thừa và tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương xưa.

Cuối thế kỷ 18, Văn miếu được di chuyển về xã Mao Điền sát nhập cùng với trường học, trường thi trở thành nơi đào tạo hàng nghìn cử nhân, tiến sĩ nho học đứng hàng đầu cả nước.

Ngoài ra, trong những ngày diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động như trưng bày chuyên đề “Văn miếu Mao Điền xưa và nay", chuyên đề " Giới thiệu thân thế sự nghiệp đức thánh Khổng Tử và các vị đại khoa phối thờ tại di tích"; trưng bày chủ đề “Trường thi Hương trấn Hải Dương tại Mao Điền” với các hình ảnh thi cử nho học, thể lệ thi tại khu vực phía đông nhà tiền tế Văn miếu; hoạt động thư pháp, trưng bày triển lãm thư pháp Hán Việt của các nhà thư pháp tỉnh tại gác Chuông sân Bái đường; trưng bày hoa lan; triển lãm sách và trưng bày gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP huyện Cẩm Giàng...

Hiện Văn miếu Mao Điền thờ đức thánh Khổng Tử và phối thờ 8 vị đại khoa tiêu biểu cho các triều đại, các lĩnh vực là người con quê hương Hải Dương và các danh nhân có liên quan sâu sắc với lịch sử, văn hóa Hải Dương.

Nơi tôn vinh truyền thống hiếu học

Văn miếu Mao Điền nằm ở phía Đông Bắc của làng Mao (hay còn gọi là làng Mậu Tài) thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, cách quốc lộ 5A chừng 200 mét, rất thuận lợi về giao thông.

Ngày nay Văn miếu Mao Điền là một thắng cảnh đẹp, một điểm đến trong du lịch văn hóa tâm linh, niềm tự hào văn hiến tỉnh Đông, nơi khuyến học, khuyến tài của xứ Đông xưa và Hải Dương nay.

Theo tài liệu của Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, Văn miếu Mao Điền là nơi kế thừa và nối tiếp Văn miếu trấn Hải Dương xưa (nguyên ở xã Vĩnh Lại, huyện Đường An), có 3 gian chính tẩm, 5 gian bái đường. Hiện nay nền đất cũ vẫn còn, nằm bên hữu ngạn dòng sông Mao, người dân gọi đây là nền Văn miếu xưa.

Việc tổ chức lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền hàng năm nhằm tôn vinh truyền thống giáo dục, tôn vinh khoa bảng, thể hiện sự trân trọng lịch sử.

Dấu tích của khu Văn miếu xưa ở trên một khu đất cao 1,5 mét so với mặt bằng chung của cánh đồng xung quanh. Khu đất này hình chữ nhật có chiều dài khoảng 200 mét, chiều rộng 150 mét, phía trước có cánh đồng Cửa Miếu (còn gọi là cánh đồng Thánh).

Trước khi dời về vị trí hiện nay (Mao Điền), Văn miếu trấn Hải Dương được xây dựng từ trước năm 1800 thuộc thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang. Đến thời Tây Sơn, Văn miếu chuyển về sáp nhập với trường thi Hương trấn Hải Dương tạo thành một trung tâm văn hóa lớn tọa lạc trên diện tích đất ngang dọc rộng 36.000 mét vuông, với các hạng mục công trình nguy nga như nhà Bái đường, Hậu cung, Đông vu, Tây vu, Đài nghiên, Tháp bút…

Bên cạnh việc tổ chức lễ hội và các sinh hoạt tâm linh cũng như tiếp đón khách tham quan, chiêm bái, hiện Văn miếu Mao Điền còn là nơi tổ chức các hoạt động như chương trình khuyến học, biểu dương học sinh giỏi và đạt thành tích cao trong các kỳ thi đại học…

Tuy nhiên trải qua thời gian và biến thiên của lịch sử, Văn miếu Mao Điền bị hư hại, xuống cấp nặng nề. Đến thời Nguyễn, Văn miếu trấn Hải Dương được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm 1947, các hạng mục công trình của Văn miếu Mao Điền còn khá hoàn chỉnh, hàng năm 2 kỳ Xuân - Thu, quan Tổng đốc từ thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương) về tế lễ hết sức trang nghiêm.

Văn miếu Mao Điền không chỉ còn của riêng tỉnh Hải Dương mà đã trở thành di sản đặc biệt của quốc gia, được nhân dân, du khách trân trọng, gìn giữ và thường xuyên đến chiêm bái, tìm hiểu…

Đến năm 1948 thực dân Pháp chiếm đóng Văn miếu, xây dựng tường hào, lô cốt (hiện nay vẫn còn một số đoạn tường hào, lô cốt) và đóng quân lập quận Mao Điền. Đầu năm 1952, bộ đội địa phương và dân quân du kích tiến công quận Mao Điền. Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn miếu dùng làm nơi chứa lương thực, vật tư của Nhà nước phục vụ kháng chiến. Những năm 1977 - 1990 khu di tích bị xuống cấp nặng nề, các công trình như nhà Khải Thánh, Tháp bút, gác Khuê văn… bị phá bỏ, chỉ còn lại 2 tòa Tiền tế, Hậu cung, nhà Đông vu, chiếc Khánh đá và 3 tấm bia đá.

Trong các ngày diễn ra lễ hội có các hoạt động như trưng bày chủ đề “Trường thi Hương trấn Hải Dương tại Mao Điền”…

Ngày 21/1/1992 di tích Văn miếu Mao Điền được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sau đó, năm 1994, 1999 Văn miếu liên tục được đầu tư trùng tu, sửa chữa, riêng trong năm 1999 xây dựng Văn miếu môn, trùng tu Tiền tế, Hậu cung. Những đợt trùng tu liên tiếp sau này đã từng bước trả lại cho Văn miếu Mao Điền diện mạo xưa. Và cuộc đại trùng tu vào tháng 6/2002 đã mang đến diện mạo mới cho Văn miếu Mao Điền… Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Văn Miếu Mao Điền là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Các em học sinh, sinh viên đến xin chữ thầy đồ tại di tích Văn miếu Mao Điền, với mong muốn học hành tiến bộ, thi cử đỗ đạt.

Hát quan họ tại khuôn viên di tích trong ngày diễn ra lễ hội.

Tại Văn miếu Mao Điền, bên cạnh việc thờ tự đức thánh Khổng Tử còn phối thờ 8 vị đại khoa người Việt, trong đó có đúc tượng đồng 5 danh nhân là đức Khổng Tử, Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, anh hùng dân tộc - danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các tượng được đặt trong khám gỗ sơn son, thếp vàng. Đồng thời lập bài vị 4 danh nhân là đại danh y, thái học sinh Tuệ Tĩnh, thần toán Việt Nam Vũ Hữu, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mệnh, Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ.

Trình diễn và giao lưu nghệ thuật viết thư pháp tại lễ hội.

Văn miếu Mao Điền đã để lại nhiều ấn tượng cho người dân và du khách thập phương.

Từ lâu, Văn miếu Mao Điền đã trở thành thiết chế văn hóa, giáo dục, khuyến học, khuyến tài của tỉnh Hải Dương. Hàng năm, vào dịp tháng 2 âm lịch tại đây diễn ra lễ hội truyền thống và lễ dâng hương vào ngày 20/8 âm lịch. Sự kiện thu hút đông đảo các đoàn đại biểu, người dân, du khách, các nhà trường cùng các em học sinh, sinh viên đến tham quan, chiêm bái và học tập…

Nguyện Phùng

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/sap-dien-ra-khai-hoi-van-mieu-mao-dien-o-hai-duong-post32400.html