Sắp có thêm dự án du lịch sinh thái 40ha trong Vườn Quốc gia Tam Đảo

Một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc vừa công bố dự án du lịch sinh thái rộng 35,73ha, nằm trong Vườn Quốc gia Tam Đảo, thuộc 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.

Chuyển đổi gần 40ha đất rừng sản xuất

Doanh nghiệp nêu trên là liên danh Cty cổ phần Sông Hồng Tam Đảo và Cty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô. Đơn vị tư vấn cho liên doanh này là Cty Cổ phần môi trường Lộc An (Hà Nội).

Sơ đồ vị trí thực hiện dự án Tam Đảo. Ảnh: Theo báo cáo DTM.

Theo đó, ngày 27/3/2023, Vườn Quốc gia Tam Đảo và liên danh kể trên đã ký kết hợp đồng kinh tế cho thuê môi trường rừng để thực hiện Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí số 13 với diện tích thuê là 35,73 ha.

Dự án được thực hiện trên địa phận xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc và xã Quân Chu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Dự án đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác là 35,73 ha.

Theo DTM được công bố, trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 0,6 ha xây công trình dịch vụ công cộng; 1,5 ha xây biệt thự nghỉ dưỡng bungalow; 25,4 ha là rừng sinh thái tự nhiên; 5,9 ha là khu cây xanh, vườn hoa; 1,6 ha cho đất giao thông...

Khu công trình dịch vụ công cộng có chiều cao tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng dự kiến 60%, chức năng là khu đón tiếp, nhà điều hành, dịch vụ, ẩm thực.

Toàn dự án sẽ có khoảng 51 căn bungalow với 159 phòng ngủ. Bên cạnh đó, tại đây sẽ xây dựng công trình khách sạn cao 3 tầng nổi và 2 tầng hầm, tổng diện tích 4.071 m2, diện tích xây dựng 2.438 m2; mật độ xây dựng khoảng 59,9%, tổng diện tích sàn 12.700 m2, hệ số sử dụng đất 3,12 lần, tổng cộng có 126 phòng (gồm 46 phòng một giường và 80 phòng hai giường).

Tổng mức đầu tư của dự án này là 567 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 481 tỷ đồng. Về tiến độ, dự kiến giai đoạn quý I/2024 - quý II/2025 dự án sẽ triển khai thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị; kết thúc và đưa vào khai thác, sử dụng vào quý III/2025.

Phối cảnh công trình khách sạn, bungalow trong khu vực dự án. Ảnh: Theo báo cáo DTM.

Theo tìm hiểu, ông chủ của dự án này là một doanh nghiệp “máu mặt” trong ngành bđs, xây dựng, du lịch tại tỉnh Vĩnh Phúc. Người đứng đầu Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô hiện này là ông Trần Anh Tuấn – Tổng giám đốc.

Về liên danh đầu tư dự án, Cty Cổ phần Sông Hồng Tam Đảo có địa chỉ tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), thành lập đầu năm 2022. Sông Hồng Tam Đảo khởi đầu với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô nắm giữ 40%, Công ty TNHH Bình Minh SaPa nắm giữ 40%, còn lại ông Trần Đại Thắng và ông Nguyễn Minh Đức mỗi người nắm giữ 10%.

Về Cty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô tiền thân là Cty Cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô, được thành lập vào tháng 5/2004, có địa chỉ tại TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Tại thời điểm 2019 doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên tới 1.610 tỷ đồng, được góp hơn 99,8% từ Chủ tịch Nguyễn Văn Niên (56,52%) cùng vợ là bà Trần Diệu Hà. Đến tháng 3/2022, Sông Hồng Thủ Đô tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực địa ốc, công ty này liên kết với Tập đoàn Sungroup đầu tư Khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 tại thị trấn Tam Đảo (3.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Sông Hồng Thủ Đô còn đầu tư một số dự án khác tại Vĩnh Phúc. Trong đó có Khu đô thị sinh thái Sông Hồng - Nam Đầm Vạc tại phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên (37,2 ha, 3.883 tỷ đồng). Khu dịch vụ du lịch Sông Hồng Thủ Đô - Bắc Đầm Vạc tại phùong Tích Sơn, TP Vĩnh Yên (9,2 ha, 487 tỷ đồng).

"Đổ bộ" vào Vườn Quốc gia Tam Đảo

Như vậy, thời gian qua, khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo liên tục nhận được sự chú ý bởi thông tin nhiều doanh nghiệp sẽ nhảy vào đầu tư xây dựng dự án sinh thái.

Giữa tháng 10 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đang tham vấn ý kiến cộng đồng đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái số 2 do Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (thuộc tiểu khu 02, 105A xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên), nơi có cảnh quan hệ sinh thái còn tương đối nguyên sơ.

Cụ thể, dự án dự kiến được triển khai trên diện tích 68ha, thuộc phân khu dịch vụ - hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo, tổng mức đầu tư hơn 731 tỷ đồng.

Trong tổng diện tích 68 ha của dự án chủ yếu là đất lâm nghiệp 57,57ha, hiện có khoảng 15 hộ dân địa phương vẫn đang canh tác trồng các loại hoa màu và chăn nuôi gia súc trong khu vực triển khai dự án.

Đứng sau dự án này là ông Lê Xuân Trường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo. Vị này còn được biết tới là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng.

Vẻ đẹp hoang sơ của Vườn quốc gia Tam Đảo. Ảnh: Internet.

Vườn quốc gia Tam Đảo - khu đa dạng sinh học cao

Vườn quốc gia Tam Đảo là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm, là nơi dự trữ, bảo tồn và phục hồi các nguồn gen phục vụ cho nghiên cứu khoa học, học tập cho các nhà khoa học và sinh viên trong nước cũng như quốc tế.

Rừng Tam Đảo còn có nhiều loài cây thuốc quý hiếm do vậy là nguồn dược liệu hữu ích cho nhân dân quanh vùng.

Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 34.995ha, trong đó có 26.163ha rừng, chủ yếu là dạng rừng tự nhiên mưa ẩm thường xanh với độ che phủ chiếm 70% diện tích.

Ngoài ra, trong Vườn quốc gia Tam Đảo cũng tồn tại một số kiểu rừng khác như rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng lùn trên đỉnh núi, rừng tre nứa, rừng phục hồi sau khai thác, rừng trồng, trảng cây bụi, trảng cỏ.

Vườn quốc gia Tam Đảo có 1.282 loài thực vật thuộc 660 chi thuộc 179 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó có các loài điển hình cho vùng cận nhiệt đới. Có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như hoàng thảo Tam Đảo, trà hoa dài, trà hoa vàng Tam Đảo, hoa tiên, chùy hoa leo, trọng lâu kim tiền.

Động vật cũng rất phong phú, có 163 loài thuộc 158 họ của 39 bộ, trong 5 lớp với 239 loài chim, nhiều loài có màu lông đẹp như vàng anh, sơn tiêu trắng, sơn tiêu hồng, sơn tiêu đỏ, có những loài quý hiếm như gà tiền, gà lôi trắng có 64 loài thú với những loài có giá trị như sóc bay, báo gấm, hổ, gấu ngựa, cầy mực, vượn, voọc đen.

Có 39 loài động vật đặc hữu, trong đó có 11 loài loài đặc hữu hẹp chỉ có ở Vườn quốc gia Tam Đảo như rắn sãi angen, rắn ráo thái dương, cá cóc Tam Đảo và 8 loài côn trùng.

Vườn quốc gia Tam Đảo là tài sản quý của quốc gia, có nhiều lợi ích cho cộng đồng cư dân trong khu vực. Vườn còn đem lại giá trị to lớn trong việc bảo vệ môi trường, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và phục vụ cho du lịch và nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu.

Thu Quỳnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/sap-co-them-du-an-du-lich-sinh-thai-40ha-trong-vuon-quoc-gia-tam-dao-84181.html