Sắp có đề án quản lý du thuyền tại Việt Nam

Để tiến hành xây dựng đề án, tổ soạn thảo sẽ có các đợt thực địa tại các bến cảng khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy ở một số tỉnh thành.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười cho biết Bộ GTVT vừa ký quyết định thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Đề án quản lý du thuyền.

Tổ soạn thảo gồm 41 thành viên do ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng, Cục Hàng hải Việt Nam làm tổ trưởng.

Theo đó, tổ soạn thảo có nhiệm vụ xây dựng dự thảo đề án quản lý du thuyền; trình lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam xem xét và ký trình Bộ GTVT đề án quản lý du thuyền.

Du thuyền hạng sang sản xuất tại TP.HCM, xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Úc. Ảnh: P.ĐIỀN

Để tiến hành xây dựng đề án, tổ soạn thảo sẽ có các đợt thực địa tại các bến cảng khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy ở một số tỉnh thành để tìm hiểu thực trạng công tác quản lý du thuyền.

Làm rõ khái niệm du thuyền (rà soát các quy chuẩn, quy phạm…); du thuyền có hoạt động thương mại hay không, sức chở của của thuyền, công suất. Tìm hiểu phân loại du thuyền theo các tiêu chí, chức năng, mục đích sử dụng, chiều dài, sức chở...

Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đăng ký du thuyền (đăng ký là tàu biển hay phương tiện thủy nội địa, đăng ký là phương tiện VR-SB, đăng ký tàu cao tốc chở khách…).

Sông Sài Gòn được các chuyên gia, nhà sản xuất và giới chơi du thuyền định vị là không gian lý tưởng để phát triển công nghiệp sản xuất, du lịch và thể thao dưới nước. Ảnh: P.ĐIỀN

Cùng đó, làm rõ quy định về đăng kiểm du thuyền (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về du thuyền).

Bên cạnh đó, nắm số liệu thống kê đăng ký du thuyền tại khu vực (đăng ký là tàu chở khách, đăng ký là phương tiện thủy nội địa). Số liệu tai nạn hàng hải, thủy nội địa liên quan du thuyền; vùng hoạt động du thuyền (vùng nước cảng biển, vùng nước thủy nội địa); quy định về tuổi nhập khẩu du thuyền (hàng hải, thủy nội địa).

Khách hàng của hãng du thuyền buồm Seawind kín đến năm 2029. Ảnh: P.ĐIỀN

Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy (hàng hải, thủy nội địa).

Từ đó, đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý hoạt động du thuyền.

Du thuyền lịch lãm triệu đô USD xuất xứ từ Việt Nam. Ảnh: P.ĐIỀN

Trao đổi với PV, các sản xuất du thuyền, đại diện các CLB du thuyền tại TP.HCM nhìn nhận đây là vấn đề đáng quan tâm, bởi thời gian qua số người sử dụng du thuyền tại TP.HCM và các tỉnh lân cận ngày càng tăng.

Song hạ tầng tại TP.HCM chưa đáp ứng, chưa có bến du thuyền xứng tầm để người chơi có không gian giao lưu, phát triển kinh tế, dù miền Đông Nam bộ hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch sông nước, công nghiệp đóng tàu và phát triển kinh tế ven sông, kinh tế đêm.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sap-co-de-an-quan-ly-du-thuyen-tai-viet-nam-post781372.html