'Sập bẫy' lừa đảo vì mất cảnh giác

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều địa phương, gây thiệt hại tài sản lớn cho một số người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Bị cáo Lê Minh Quân bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên xử 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: N.Minh

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: tài chính, ngân hàng, bất động sản, môi giới việc làm, kinh doanh… Tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp bên cạnh các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, còn do một bộ phận người dân chủ quan, mất cảnh giác.

Diễn biến phức tạp, tinh vi

Một hành vi lừa đảo xuất hiện nhiều trong hoạt động kinh doanh thời gian gần đây là việc đối tượng lừa đảo đặt hàng, hứa hẹn thanh toán sau khi đã nhận hàng nhưng lại tìm cách “đánh bài chuồn”.

Gần đây nhất, vào ngày 5-4, Công an huyện Định Quán đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trương Thanh Quang (37 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, vào ngày 20-2, Quang đặt mua của Công ty C.T. (xã Gia Canh, huyện Định Quán) 200 thùng nước giải khát và 60 thùng nước suối (tổng giá trị 35 triệu đồng) và yêu cầu giao đến nhà bà Bùi Thị Phụng (65 tuổi, ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán). Khi nhân viên giao hàng tới, Quang ra đón và nói nhà bà Phụng là nhà của mình và yêu cầu nhân viên giao hàng chuyển 60 thùng nước suối để vào sân nhà bà Phụng và 200 thùng nước giải khát lên xe của Quang. Sau đó, Quang nói nhân viên giao hàng chờ để Quang chạy xe đi lấy tiền về trả. Đợi mãi không thấy Quang quay lại trả tiền, nhân viên giao hàng biết bị lừa đảo nên đã trình báo cơ quan công an.

Theo các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm hoạt động theo nhóm, “núp bóng” công ty để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng diễn ra nhiều.

Cơn “sốt đất” vừa qua đã kéo theo nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để lại hậu quả nặng nề. Trong đó có đối tượng lập “dự án ma’’ để lừa đảo người dân đã phải lãnh hậu quả thích đáng bằng những bản án tù nghiêm khắc. Đơn cử như ngày 2-4, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Chính (36 tuổi, ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) 19 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Chính nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư bất động sản và xây dựng Rồng Đất (trụ sở tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom). Lợi dụng thời điểm “cơn sốt” đất tăng cao, Chính đã “vẽ” ra Dự án Khu dân cư Tam Phước (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa); tổ chức phân lô, bán nền đất dự án và lừa đảo 49 người, chiếm đoạt số tiền hơn 17,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, hành vi lừa đảo “chạy” giấy tờ cũng diễn ra phổ biến. Nhận thấy nhu cầu làm giấy tờ của một số người dân, các đối tượng lừa đảo đã tự nhận là cán bộ hoặc quen biết những “ông to, bà lớn’’ trong cơ quan chức năng, có khả năng làm giấy tờ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Đơn cử như cuối tháng 12-2023, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Lê Minh Quân (41 tuổi, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh, Quân từng công tác ở một số phòng, ban chuyên môn thuộc thành phố Biên Hòa nhưng đến năm 2020 thì nghỉ việc.

Vào năm 2020, ông L.H. (63 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) nhờ Quân lo lót cho xây dựng trái phép. Dù không thể xin xây dựng trái phép được nhưng Quân vẫn nhận của ông H. hơn 200 triệu đồng rồi chiếm đoạt. Ngoài ra, Quân còn lừa chiếm đoạt tiền của nhiều người khác với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

“Mỗi người dân cần tự trau dồi kiến thức về pháp luật, thường xuyên theo dõi các kênh thông tin tuyên truyền chính thống về phương thức, thủ đoạn tội phạm; luôn đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao’’ - ông DOÃN CAO SƠN, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện KSND tỉnh, khuyến cáo.

Đề cao tinh thần cảnh giác trong dân

Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện KSND tỉnh Doãn Cao Sơn cho biết, thời gian qua, ngoài hành vi lừa đảo trên không gian mạng, một số hành vi lừa đảo với chiêu thức cũ liên quan đến các lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, bất động sản, môi giới việc làm… cũng khiến nhiều người “dính bẫy’’.

Theo ông Doãn Cao Sơn, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là tiếp cận với bị hại trong một thời gian dài, thường xuyên đưa ra những thông tin có lợi cho bị hại nhằm dụ dỗ, lôi kéo để lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo còn thông qua sự giới thiệu của người thân quen, mượn uy tín của người khác để xây dựng uy tín cho bản thân nhằm chiếm được lòng tin của bị hại; đến khi “con mồi cắn câu’’ thì mới thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, địa bàn hoạt động, nơi cư trú nhằm đối phó với cơ quan chức năng và sự truy tìm của bị hại.

Ông Doãn Cao Sơn cho rằng, để kéo giảm tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, các thủ đoạn mới của tội phạm nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác trong nhân dân. Thường xuyên rà soát, xác định sơ hở trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự nhằm đề ra giải pháp khắc phục. Đặc biệt là trong những lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc sơ hở để tội phạm lừa đảo thực hiện hành vi phạm pháp như: bất động sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh…

Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác đối với những lời mời gọi “có cánh” của các đối tượng trong việc mua bán, kinh doanh, vay mượn, chơi hụi…; không cho mượn, thuê các giấy tờ tùy thân có liên quan. Trong trường hợp thực hiện việc giao dịch tài sản thì cần nghiên cứu, kiểm tra cẩn thận trước khi thực hiện giao dịch; cần thông báo, bàn bạc với những người xung quanh để có sự kiểm chứng thông tin và cẩn trọng trong mọi quyết định.

Nhật Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202404/sap-bay-lua-dao-vi-mat-canh-giac-04b5478/