Sập bẫy đổi đời, ngày trở về nhiều nạn nhân chết lặng khi người thân bị kết án 'bán con'

Sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương đã được kéo giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở một số vùng nông thôn, tình trạng thiếu khả năng chi trả cho các nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở, đến trường và thăm khám y tế vẫn diễn ra ở một số hộ gia đình. Nghèo đói, nợ nần, ít cơ hội tiếp cận giáo dục được xác định là yếu tố nguy cơ đối với các nạn nhân khiến họ dễ dàng trở thành con mồi cho tội phạm mua bán người dưới nhiều hình thức, trong đó có môi giới hôn nhân.

Theo Bộ Công an, từ năm 2011 đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã giải cứu, tiếp nhận và xác minh gần 8.000 nạn nhân bị mua bán. Trong đó, hơn 90% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

CHIÊU TRÒ CỦA CÁC “BÀ MAI”

Khi tiếp cận các nạn nhân và để đưa các nạn nhân sập bẫy, kẻ môi giới thường đóng vai những người chị, bà dì đáng tin cậy và đầy hào phóng.

Đứng trước vành móng ngựa, các “bà mai” hiện nguyên hình là những tú bà buôn người, bán sắc vì tiền. Những chiêu trò được lật tẩy và những tội ác phải trả giá.

Chiều ngày 29/09 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành xét xử vụ án hình sự với 6 bị cáo về các tội danh: Mua bán người dưới 16 tuổi; Mua bán người; Cưỡng đoạt tài sản, Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

Năm 2015, Lương Thị Hải xuất cảnh sang Trung Quốc đi làm thuê rồi lấy chồng. Trong khoảng thời gian này, Lương Thị Hải biết được nhiều người đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ Việt Nam để sinh con. Từ năm 2019, Lương Thị Hải quen biết và cấu kết với Phạm Thị Tú, Thái Thị Hậu, Huỳnh Mộng Linh và nhiều đối tượng khác tìm kiếm phụ nữ tại các tỉnh ĐBSCL và lân cận có hoàn cảnh gia đình khó khăn để thuyết phục, dụ dỗ đưa sang Trung Quốc rồi bán cho những người đàn ông Trung Quốc thông qua hình thức môi giới hôn nhân, thu lợi bất chính.

Khi qua đến Trung Quốc, những người phụ nữ này bị các đối tượng quản thúc. Đối với những phụ nữ không đồng ý sẽ bị đánh đập, đe dọa, ép buộc phải đồng ý lấy chồng. Nếu cương quyết không đồng ý sẽ bị bán vào động mại dâm. Đến khi những người phụ nữ đã đồng ý, các đối tượng làm giấy cam kết với những người đàn ông Trung Quốc với nội dung: “Cam đoan những người phụ nữ không được bỏ trốn trong thời hạn 1 đến 2 năm… Nếu trong khoảng thời gian này, những người phụ nữ bỏ trốn, vợ chồng Lương Thị Hải sẽ hoàn trả lại số tiền đã nhận hoặc thay thế bằng một phụ nữ khác". Tùy thuộc vào độ tuổi, ngoại hình mỗi phụ nữ, những người đàn ông Trung Quốc phải trả cho vợ chồng Lương Thị Hải số tiền từ 200 - 400 triệu đồng/người. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng đưa lại cho người thân của các nạn nhân từ 90 - 100tr đồng hoặc ít hơn.

Chỉ trong vòng 3 năm, các bị cáo đã thực hiện 10 vụ mua bán, đưa 10 phụ nữ qua biên giới trót lọt qua hình thức môi giới hôn nhân.

Mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em là một vấn nạn mang tính toàn cầu, đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại cả về số lượng vụ án, chiêu thức và thủ đoạn. Tính từ ngày 1/1/2011 đến nửa đầu năm 2023, cơ quan chức năng Việt Nam đã khởi tố gần 2.000 vụ án, hơn 3.000 bị can về mua bán người; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý gần 1.700 vụ, hơn 3.000 bị cáo. Gần 1.700 vụ đã được giải quyết và đem ra xét xử.

“ĐỊA NGỤC” NGÀY TRỞ VỀ

Cái giá phải trả đôi khi không chỉ dành cho tội phạm mua bán người. Những người con ra đi với ước vọng đổi đời hay đơn giản chỉ là mong mỏi được phụ giúp phần nào gánh nặng gia đình, để rồi nhận đủ ê chề nơi đất khách. Sau một thời gian, may mắn được giải cứu trở về. Nhưng họ không thể ngờ, sự trở về ấy vẫn chưa phải là kết thúc. Sự trở về… còn là nguồn cơn cho một nỗi ác mộng lớn hơn.

Đa phần các trường hợp khi quay trở về địa phương, gánh nặng với các em càng chồng chất hơn lúc bước ra đi.

Dư luận đặt câu hỏi, vậy với những bản án bán con này, đã công bằng hay chưa cho các gia đình xấu số thiếu hiểu biết, khi họ nhận tội danh bán con mà không hề có mục đích bán con mình?

Đã công bằng cho nạn nhân hay chưa khi Luật pháp sinh ra để bảo vệ nạn nhân, lấy nạn nhân làm trung tâm nhưng những gì họ nhận được là nỗi thống khổ gấp trăm ngàn lần cho sự trở về?

Dư luận xót thương và thực tiễn lên tiếng đòi hỏi một sự vào cuộc nghiêm túc của các cấp, các ngành, để Việt Nam không còn nạn nhân của tội phạm mua bán người; để những nạn nhân từ các vụ mua bán người tương tự không phải thốt lên rằng: “Sớm biết như vậy, tôi thà bỏ mạng ở xứ người chứ không bao giờ chọn quay về”. Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ có trong bản tin tiếp theo của THQHVN.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thu Dung - Nguyễn Bình - Ngọc Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/sap-bay-doi-doi-ngay-tro-ve-nhieu-nan-nhan-chet-lang-khi-nguoi-than-bi-ket-an-ban-con-191872.htm