Sao không mang cam, nho Úc trồng trên đất Việt?

Nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ Úc đạt trên 42 triệu USD (năm 2016). Sản phẩm mà VN nhập khẩu phổ biến là cam, nho, táo, lê, nho và cherry.

Nhà báo Phạm Huy Hoàng vốn là nghiên cứu sinh có nhiều năm học tập tại Úc. Anh cũng vừa cho tôi biết những số liệu về nhu cầu dùng trái cây của Úc với người Việt Nam là rất lớn.

Song, dù nước Úc từng là một trong những nhà cung cấp lớn về trái cây vào Việt Nam nhưng từ đầu năm 2015, cánh cửa xuất khẩu (XK) trái cây của Úc sang thị trường Việt Nam bị khép lại khi ta chính thức tạm ngừng nhập khẩu (NK) 38 loại trái cây có xuất xứ từ thị trường này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bình quân mỗi tháng Việt Nam chi hơn 80 triệu đô la Mỹ để NK rau, quả của Úc, Mỹ, Chile, New Zealand, Thái Lan, Trung Quốc…

Việc chúng ta ngưng không cho phía Úc nhập trái cây của họ vào Việt Nam, theo TS Hoàng, nó xuất phát từ những những lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) liên quan đến vi trùng từ ruồi dấm có trong trái cây tươi NK từ Úc.

Nhiều loại trái cây VN đã xuất khẩu sang Úc

Điều này đã dấy lên một nỗi lo cho thị trường khi nhu cầu của người tiêu dùng với trái cây Úc vẫn là rất lớn trước khi lệnh cấm được thực thi.

Tôi cũng được biết, nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ Úc đạt trên 42 triệu USD (năm 2016). Sản phẩm mà VN nhập khẩu phổ biến là cam, nho, táo, lê, nho và cherry.

Con số trên đã khẳng định được vị thế của Úc như là một trong những nhà cung cấp trái cây NK lớn nhất vào Việt Nam.

Cả Việt Nam và Úc vẫn đang thảo luận các biện pháp nhằm gỡ bỏ các hàng rào kiểm dịch thực vật, mở cửa thêm 35 loại trái cây tươi khác của Úc vào Việt Nam.

Động thái này không những “mở cửa” cho trái cây Úc trở lại Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu thị trường nội địa, mà ngược lại Việt Nam cũng đã được đáp trả tích cực từ phía bên Úc khi nước này cũng đã nới rộng cơ hội cho trái cây Việt Nam nhập khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này.

Cụ thể, từ đầu năm 2017, Úc đồng ý về nguyên tắc cho phép NK thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long thương mại của Việt Nam với điều kiện phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học.

Sau các mặt hàng trên thì các mặt hàng trái cây khác như chanh leo, nhãn, vú sữa vẫn đang được Việt Nam kỳ vọng XK sang thị trường Úc...

Từ số liệu trên, tôi bỗng nhớ lại câu chuyện xung quanh trái vải Việt Nam mà tôi từng thấy trên đất Úc từ 16 năm trước.

Quả Vải VN đã xuất khẩu sang Úc nhưng nhiều trái cây của Úc lại chưa trồng được tại VN. Ảnh: Đàm Duy

Khi đó, tôi có dịp được sang Úc công tác theo lời mời của Hội đồng giao lưu chính trị gia trẻ Úc.

Hôm đó,chúng tôi được bạn đưa tới thăm và làm việc tại tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Canberra.

Đoàn chúng tôi do anh Hoàng Bình Quân (nay là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng), khi đó là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã tới chào xã giao bà Chủ tịch Hạ viện. Chuyện đã lâu rồi nên tôi không còn nhớ tên của bà nhưng đó là một phụ nữ đẹp rất ấn tượng.

Bữa đó, tôi không thể nào quên một thứ trái cây trông rất giống trái vải của Việt Nam trên chiếc khay đựng nhiều loại trái cây rất hấp dẫn, đặt trong phòng khách của bà Chủ tịch.

Tuy khay trái vải có hơi xa chỗ tôi đứng nên mới chỉ ngờ ngợ. Trong đầu tôi lúc đó đã đoán già đoán non đủ thứ chuyện và cũng đã dò hỏi một người Úc đứng gần mình, khi biết đích xác, trong tôi trào dâng một niềm vui khó tả.

Tôi thầm nghĩ, sao bạn đón tiếp đoàn mà lại mang cả trái vải từ Việt Nam mình ra thiết khách Việt là sao?

Đến khi dùng thử trái vải thì được bà Chủ tịch giải thích rất thú vị: Đây là giống vải của Việt Nam nhưng được những người Việt sang đây định cư mang theo để ăn khi họ có dịp về nước rồi hạt của nó được ươm trồng tại đây cũng đã vài năm. Nó thực sự khiến người Úc như bà cảm thấy thú vị với nó đến lạ lùng...

Từ đây, tôi cũng nảy ra suy nghĩ, tại sao chúng ta không nghĩ đến chuyện nghiên cứu, tìm thổ nhưỡng phù hợp để trồng nho, cam, thậm chí nhiều loại trái cây Úc khác trên đất Việt, kiểu như đất Úc gần 2 chục năm trước đã có trái vải thiều của chúng ta?

Việc bớt dần các rào cản kỹ thuật (một phần chính là VSATTP phía bạn rất nghiêm ngặt và hơn chúng ta rất nhiều) giữa 2 nước để có điều kiện giao thương mạnh mẽ trong thời gian tới chúng ta cũng đã thấy rõ. Đây là dấu hiệu vui cho ngành nông nghiệp và nông dân 2 nước. Nó cũng đang cho thấy tiềm năng và sức tiêu thụ của nhau vô cùng lớn.

Hiện nay các mặt hàng chủ lực truyền thống của ta đang gặp khó khăn, thì việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây như xoài, vải, chuối, nhãn, thanh long,dưa hấu … vẫn đang có dấu hiệu vui.

Việc Úc tỏ thiện chí với Việt Nam trong lĩnh vực này, tôi tin rằng nó sẽ đóng góp cho việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trái cây của Việt Nam chúng ta.

Quốc Phong

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/sao-khong-mang-cam-nho-uc-trong-tren-dat-viet-756490.html