Sáng tạo đồ dùng học tập từ những vật liệu tái chế

Tận dụng những đồ dùng đã cũ hoặc các vật liệu tái chế, cô và trò Trường Tiểu học Noong Luống (huyện Ðiện Biên) đã làm mới, biến chúng thành những đồ dùng dạy và học hữu ích. Ðiển hình là sản phẩm 'Bộ đồ dùng STEM bằng những vật liệu tái chế và trò chơi Toán học'.

Học sinh Trường Tiểu học Noong Luống thực hành trò chơi Toán học trên mô hình học tập làm từ những vật liệu tái chế.

Học sinh Trường Tiểu học Noong Luống thực hành trò chơi Toán học trên mô hình học tập làm từ những vật liệu tái chế.

Ðể môn Toán học không còn cứng nhắc, giúp các em học sinh lớp 1 làm quen với mặt số và thực hiện các phép tính cộng, trừ đơn giản; còn học sinh lớp 2, lớp 3 sẽ thực hành cộng, trừ, nhân, chia, cô trò Trường Tiểu học Noong Luống nghiên cứu, tìm tòi, chế tạo trò chơi toán học. Từ những tấm fomex đã tạo ra mô hình rubik toán gồm 17 vòng, mỗi vòng có 18 mặt hình chữ nhật với các chữ số và ký hiệu toán học. Rubik giúp đưa ra các câu đố toán học đơn giản, với phép cộng, trừ, nhân, chia. Mô hình rất tiện ích trong quá trình vận dụng phương pháp học trực quan.

Em Bùi Thảo My, tác giả sản phẩm cho biết: Mô hình rubik này giúp các bạn học sinh tiểu học vừa học vừa chơi, ghi nhớ khắc sâu được các kiến thức môn Toán. Vừa rèn luyện khả năng tư duy, năng lực tự chủ, qua đó rèn luyện và kích thích chúng em tư duy sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau phục vụ học tập một cách hứng thú và hiệu quả.

Cũng với mong muốn giúp các bạn học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, từ những tấm fomex, lá cây, đá, sỏi, xốp, ốc vít, keo nến... cô trò nhà trường đã vẽ tạo hình, cắt, dán để tạo nên những sản phẩm sáng tạo cùng STEM gồm có 12 bức tranh về các chủ đề: Các con vật trên cạn, dưới nước, áo dài của phụ nữ Việt Nam; phong cảnh quê hương đất nước, con người. Mô hình rất tiện ích trong quá trình vận dụng phương pháp học trực quan. Qua đó, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển năng lực học tập của học sinh, tăng cường tính chủ động, sáng tạo, độc lập và khơi dậy hứng thú và niềm đam mê trong quá trình học tập. Mô hình sản phẩm “Bộ đồ dùng STEM bằng những vật liệu tái chế” được Trường Tiểu học Noong Luống áp dụng trong dạy học các môn: Mĩ thuật, Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử, Ðịa lí và để trang trí.

Từ những những nguyên liệu gần gũi, rẻ tiền, dễ kiếm cô trò Trường tiểu học Noong Luống đã vẽ tạo hình, cắt, dán để tạo nên những sản phẩm có thể sử dụng trong tiết học hoặc trong giờ ra chơi.

Cô Ðặng Thị Tâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ðồ dùng dạy học là phương tiện không thể thiếu trong các tiết học. Ðặc biệt, trong việc đổi mới phương pháp dạy học, những đồ dùng, thiết bị này lại càng trở nên quan trọng. Mặc dù các trường đều có đồ dùng dạy học được cấp sẵn nhưng trong thực tế dạy học, để rèn luyện khả năng tư duy, năng lực tự chủ cho các em học sinh, giúp các em vừa học vừa chơi, thúc đẩy sự sáng tạo, rèn luyện tính kiên trì, đặc biệt là giúp các em học sinh hiểu được tác hại của rác thải nhựa, nhà trường phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học từ rác thải nhựa. Ðồng thời, tổ chức nhiều hoạt động như đổi rác thải nhựa lấy dụng cụ học tập. Trong các tiết học với những dụng cụ học tập được tái chế từ rác thải nhựa các em rất hào hứng tham gia.

Thông qua những hoạt động thiết thực, Trường Tiểu học Noong Luống truyền tải tới học sinh thông điệp “Hãy bảo vệ môi trường”, nói không với rác thải nhựa và tận dụng những rác thải nhựa để tái chế những sản phẩm, dụng cụ thân thuộc, gần gũi. Tham gia các hoạt động này đã giúp nâng cao nhận thức của học sinh và mọi người về bảo vệ môi trường sống.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/209687/sang-tao-do-dung-hoc-tap-tu-nhung-vat-lieu-tai-che