Sáng tác mỹ thuật toàn quốc về đề tài 'Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng'

Sáng 14-10, tại Đà Nẵng, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Quân khu 5 tổ chức lễ phát động sáng tác mỹ thuật toàn quốc về đề tài 'Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng' giai đoạn 2016-2020. Đây là trại sáng tác có quy mô lớn, kéo dài trong thời gian 5 năm nhằm tìm ra những 'làn gió mới' trong lĩnh vực mỹ thuật về đề tài này.

Sáng 14-10, tại Đà Nẵng, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Quân khu 5 tổ chức lễ phát động sáng tác mỹ thuật toàn quốc về đề tài "Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng" giai đoạn 2016-2020. Đây là trại sáng tác có quy mô lớn, kéo dài trong thời gian 5 năm nhằm tìm ra những "làn gió mới" trong lĩnh vực mỹ thuật về đề tài này.

Đại diện Ban Tổ chức và các họa sĩ, nhà điêu khắc chụp ảnh lưu niệm.

Từ năm 1991 đến nay, theo định kỳ, Tổng cục Chính trị-Bộ Quốc Phòng phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức các cuộc vận động sáng tác mỹ thuật với quy mô toàn quốc về đề tài Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng (LLVT-CTCM). Các cuộc vận động này đã thu hút được đông đảo các họa sĩ, nhà điêu khắc trong cả nước tham gia, có năm thu được hàng trăm tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm có chất lương nghệ thuật cao, nội dung sâu sắc, được nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng.

Gần đây nhất, giai đoạn 2011-2015, cuộc vận động đã thu được kết quả khả quan với số lượng họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia rất hùng hậu. Số lượng tác phẩm ra đời từ cuộc vận động giai đoạn này nhiều với đầy đủ các chất liệu, nội dung phong phú, phong cách thể hiện đa dạng. Chỉ tính riêng cuộc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài LLVT-CTCM tổ chức vào tháng 12-2014 tại Hà Nội đã có gần 5.000 tác phẩm của 360 tác giả gửi về tham dự. Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn được 201 tác phẩm của 189 tác giả, trong đó có 168 tác phẩm hội họa, 23 tác phẩm điêu khắc, 18 tác phẩm đồ họa để trưng bày, chấm chọn 21 tác phẩm đề nghị trao thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng.

Lãnh đạo Bảo tàng Quân sự Việt Nam trao đổi bên lề với các họa sĩ, nhà điêu khắc.

Tuy nhiên, đằng sau những kết quả đạt được, số lượng tác phẩm mỹ thuật về đề tài LLVT-CTCM đang dần thưa vắng trong các cuộc triển lãm. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng-Giám đốc bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trưởng ban Thường trực Cuộc vận động cho rằng, Ban tổ chức nhận thấy, tranh, tượng về đề tài LLVT-CTCM dần thưa vắng trong các cuộc triển lãm toàn quốc cũng như những triển lãm chuyên đề và triển lãm ở các khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể nói đây là đề tài khó, đòi hỏi trách nhiệm rất cao của người nghệ sĩ đối với lịch sử, lực lượng sáng tác về đề tài này ngày một thưa dần. Một yếu tố không kém phần quan trọng là đầu ra cho các tác phẩm trong cơ chế thị trường hiện nay. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng và chất lượng sáng tác của các cuộc vận động. "Với cuộc phát động lần này được triển khai ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, đối tượng tham gia không giới hạn trong hay ngoài quân đội, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp và khâu tổ chức có những đổi mới, chúng tôi hy vọng cuộc vận động sẽ gặt hái được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, hình thức đẹp mang nội dung sâu sắc, đa dạng về bút pháp, đổi mới nghệ thuật tạo hình sánh kịp với trào lưu nghệ thuật trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển lên một bước mới"-Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Quân khu 5, Thiếu tướng Đoàn Kiểu-Phó Tư lệnh Quân khu hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các họa sĩ, nhà điêu khắc thâm nhập thực tế vào các hoạt động chiến đấu, huấn luyện, sản xuất... của LLVT Quân khu để tìm đề tài sáng tác. Để hưởng ứng cuộc vận động, họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã kêu gọi toàn thể anh chị em họa sĩ, nghệ sĩ của Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và cả nước tích cực tham gia cuộc vận động sáng tác lần này. Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, đề tài lần này thuộc dạng khó, nhiều anh em họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ chưa trải qua chiến tranh nên đôi khi còn thể hiện sự gượng gạo trong tác phẩm. Vì vậy trong đợt sáng tác này, bản thân ông cũng như nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc khác sẽ cố gắng thâm nhập thực tế sáng tác, làm sao để có được những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật, đóng góp cho sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà. Cùng chung quan điểm này, nhà điêu khắc Phạm Hồng cho rằng vẫn còn nợ quá nhiều đối với lịch sử và bản thân ông sẽ cố gắng để trong 5 năm tới hoàn thiện một số tác phẩm để gửi về Ban tổ chức.

Nguyễn Tuấn

Theo thông tin từ Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác Mỹ thuật toàn quốc về đề tài LLVT-CTCM giai đoạn 2016-2020, thời gian sáng tác sẽ kéo dài từ tháng 10-2014 đến 7-2019. Các thể loại tác phẩm tham dự gồm có hội họa, đồ họa và điêu khắc. Nội dung phản ánh truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam, các trận đánh lớn, các chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam. Ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, phản ánh các hoạt động huấn luyện, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, những giá trị văn hóa truyền thồng tốt đẹp của dân tộc, nêu bật hình ảnh người chiến sĩ hôm nay, hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ", truyền thống vẻ vang của LLVT nhân dân trong các cuộc kháng chiến và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam…

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_156152_sa-ng-ta-c-my-thua-t-toa-n-quo-c-ve-de-ta-i-lu-c-l.aspx