Sáng mãi tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào

Cách đây 70 năm, vào ngày 13/4/1953, lần đầu tiên, bộ đội chủ lực Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị Pa-thét Lào mở chiến dịch tiến công tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân viễn chinh Pháp, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào trên địa bàn hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào). Chiến dịch Thượng Lào đã tạo nên biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước.

Các mũi tiến công địch của Quân đội hai nước Việt Nam - Lào trong Chiến dịch Thượng Lào. Ảnh: Bích Nguyên

Các mũi tiến công địch của Quân đội hai nước Việt Nam - Lào trong Chiến dịch Thượng Lào. Ảnh: Bích Nguyên

Chiến thắng của tình đoàn kết trong sáng

Đầu năm 1953, phân tích hướng tiến công chiến lược nhằm phát huy thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc Thu Đông 1952, Tổng Quân ủy Việt Nam nhận định: “Thượng Lào có ý nghĩa lớn về chiến lược, vừa phù hợp với trình độ tác chiến của ta…, vừa mở được căn cứ cho bạn đứng chân, tạo nên một thế trận mới liên minh chiến đấu giữa 2 nước Lào - Việt”. Với nhận định đó, Tổng Quân ủy đã đề nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho phối hợp cùng quân giải phóng Lào mở Chiến dịch Thượng Lào và được đồng ý.

Năm tháng trôi qua, nhưng tầm vóc, ý nghĩa của Chiến dịch Thượng Lào vẫn sẽ còn mãi. Đặc biệt, tư tưởng chỉ đạo “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch này đã trở thành phương châm hành động của Việt Nam đối với Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc những năm sau đó và trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở hai nước hiện nay.

Do tính chất và tầm quan trọng của chiến dịch đối với sự nghiệp kháng chiến của hai dân tộc, Đảng, Chính phủ, Quân đội hai nước Việt Nam, Lào đã thống nhất quyết tâm huy động một lực lượng lớn các đơn vị tham gia. Phía Việt Nam gồm Đại đoàn 308 (3 trung đoàn), Đại đoàn 312 (2 trung đoàn), Đại đoàn 316 (1 trung đoàn) tiến công địch trên hướng chủ yếu (Sầm Nưa); Đại đoàn 304 (3 trung đoàn) tiến công địch ở hướng thứ yếu (Xiêng Khoảng) và Trung đoàn 148 tiến công địch ở hướng phối hợp (lưu vực sông Nậm Hu), cùng các đơn vị binh chủng, các đoàn quân tình nguyện Việt Nam đang hoạt động tại Thượng Lào. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào có 5 đại đội và hàng nghìn dân quân du kích.

Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm: Phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Chính trị; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Cung cấp. Phía Lào có Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào; đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; đồng chí Xỉng-ca-pô, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào và đồng chí Thạo Ma Khảy Khăm-phi-thun, Bí thư Tỉnh ủy Sầm Nưa.

Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 13/4 đến ngày 3/5/1953. Sau 3 tuần vận động tiến công, truy kích địch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.800 quân địch (1/5 tổng số quân địch ở Lào), đánh tan 3 tiểu đoàn và 3 đại đội ở Sầm Nưa, 8 đại đội ở khu vực sông Nậm Hu và hàng trăm địch ở mặt trận đường 7 - Xiêng Khoảng; giải phóng 5 vị trí và bức rút 25 vị trí khác; giải phóng khoảng 40 nghìn km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc các tỉnh Luông Pha-băng và Phông-xa-lì, mở rộng căn cứ kháng chiến Lào, nối liền với vùng Tây Bắc Việt Nam. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào đã tạo nên một cục diện mới cho cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Lào, tạo cho cách mạng Lào một căn cứ địa rộng lớn và sát liền với vùng giải phóng của Việt Nam.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Chiến thắng Thượng Lào 1953 mãi là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Chỉ huy chiến dịch”.

Gắn bó ngày càng bền chặt

70 năm trôi qua, tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào vẫn còn nguyên giá trị. Đại tá Vông-xây In-thạ-khăm, Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chiến dịch Thượng Lào 1953 - chiến dịch lớn đầu tiên QĐND Việt Nam phối hợp thực hiện với quân và dân Lào chống thực dân Pháp xâm lược trên đất Lào.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Thượng Lào 1953: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Ảnh: Bích Nguyên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Thượng Lào 1953: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Ảnh: Bích Nguyên

Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa to lớn, không chỉ tạo bước ngoặt đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương, khẳng định sự phát triển của liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước Lào - Việt, mà còn là sự kiện “đánh dấu bước phát triển vượt bậc của lực lượng vũ trang cách mạng Lào và sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang, bán vũ trang và nhân dân các dân tộc Lào trong toàn quốc”.

Thắng lợi của chiến dịch góp phần tăng cường liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam, đưa cách mạng hai nước bước vào giai đoạn mới, với thế và lực mới, đẩy địch ngày càng bị đẩy vào thế phòng ngự bị động. Đặc biệt, qua chiến dịch này, không chỉ QĐND Việt Nam có bước phát triển vượt bậc về tổ chức lực lượng và nghệ thuật tác chiến chiến dịch mà các lực lượng vũ trang cách mạng Lào cũng có bước trưởng thành thêm một bước về tổ chức lực lượng, rèn luyện kỹ, chiến thuật, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, công tác bảo đảm cung cấp... đáp ứng yêu cầu của chiến dịch, góp phần tạo tiền đề quan trọng giúp lực lượng vũ trang cách mạng Lào ngày càng phát triển một cách toàn diện, vững chắc, tiếp tục giành những thắng lợi to lớn hơn trong những giai đoạn về sau.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào Ít-xa-la, liên tiếp trong Chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954, lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã chủ động phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam tiến công nhiều nơi trên các chiến trường Thượng, Trung và Hạ Lào, giải phóng một nửa đất nước và phần lớn nhân dân, góp phần làm cho lực lượng địch bị tiêu hao, giảm sút và ngày càng bị động về chiến lược, lún sâu vào thế bị động trên chiến trường. Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân Việt Nam, quân và dân hai nước Lào và Việt Nam đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954) công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.

Đối với cách mạng Lào, lực lượng Pa-thét Lào có vùng giải phóng, căn cứ địa cách mạng riêng của mình ở 2 tỉnh Sầm Nưa và Phông-xa-lì được quốc tế công nhận. Từ “Thủ đô kháng chiến” Sầm Nưa, Đảng Nhân dân Lào (từ năm 1972 là Đảng Nhân dân cách mạng Lào) và Mặt trận Lào Ít-xa-la (từ năm 1956 là Neo Lào Hắc Xạt - tức Mặt trận Lào yêu nước) tiếp tục lãnh đạo quân và dân Lào đấu tranh, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trên cả nước, đánh bại sự can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ, thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (12/1975).

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sang-mai-tinh-doan-ket-chien-dau-viet-nam-lao-post460492.html