Sáng chói thành phố nghĩa tình

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có lượng người thường trực hàng ngày đông nhất nước, với hơn 10 triệu người. Trong những biến động xã hội mang tính toàn cầu do dịch Covid-19, người nghèo là thành phần cần được tập trung hỗ trợ nhiều nhất, nhanh nhất và tận tâm nhất.

Dù còn khó khăn, nhưng chính quyền thành phố đã có những cố gắng hỗ trợ đồng bào nghèo vượt qua những ngày khó khăn này. TPHCM đã thông qua gói chi 1.800 tỷ đồng hỗ trợ 600.000 công nhân, người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi Covid-19 với mức 1 triệu đồng/người/tháng, kéo dài trong 3 tháng. Cùng với đó, dự kiến có khoảng 15.000 hộ chính sách có công; 9.000 hộ nghèo, cận nghèo; hơn 17.200 người bán vé số dạo được hỗ trợ. Thành phố cũng hỗ trợ khoảng 32.000 giáo viên mầm non, người chăm sóc trẻ ở các nhóm trẻ ngoài công lập, đang ngưng giảng dạy.

Ngoài ra phải kể đến việc huy động một lực lượng rất lớn cán bộ phường xã tham gia vào việc thống kê phát hiện những người cần được trợ giúp trên tinh thần “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, làm sao để gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đến tay đúng đối tượng một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất. Để đảm bảo sức khỏe của người có công, hưu trí, diện bảo trợ xã hội trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 6-4, TPHCM thực hiện tới tận nhà chi trả tiền trợ cấp, lương hưu tới hơn 210.000 người.

Một thực tế cần ghi nhận là bất cứ chính sách nào cũng có độ trễ, và không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho dù là cơ bản của nhóm người khó khăn, nhưng may mắn là những người khó khăn vì Covid-19 của cả nước và TPHCM đã nhận được sự trợ giúp từ các nguồn lực xã hội khác nhau.

Những ngày Covid-19 hoành hành này, người dân cả nước chứng kiến rất nhiều hành động có ý nghĩa của cộng đồng dân cư TP. Hàng trăm tấn gạo, hàng chục ngàn suất thực phẩm khô (mì tôm, dầu ăn, nước mắm, nước tương, trứng gà) đến tay người nghèo khó bằng nhiều con đường khác nhau, như ATM gạo, các điểm phát thực phẩm tập trung, các bàn thiện nguyện đặt trước nhà dân. Hàng chục ngàn suất thức ăn miễn phí cung cấp cho người khó khăn mỗi ngày. Những suất cơm này từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó phải kể đến là các cửa hàng ăn từ thiện truyền thống như quán cơm Nụ Cười, quán cơm 2.000, nhưng có rất nhiều điểm phát cơm cố định hay lưu động ra đời một cách chóng vánh, đơn giản và “bất thình lình”.

Họ có thể là các nhóm mạnh thường quân, có thể là thành viên trong một gia đình, hay chỉ là một cá nhân thấy việc nên làm thì làm. Một ví dụ, ở địa chỉ số 24 đường C18, phường 12, quận Tân Bình, mấy ngày qua đã cung cấp 30 tấn gạo, 42.000 quả trứng cho những người khó khăn không chỉ trên địa bàn phường mà cho tất cả những ai khó khăn, nhưng khi hỏi rằng những tấn gạo, ngàn trứng ấy là của ai thì không một ai biết.

Truy nguyên mới biết ý tưởng này ra đời trong một buổi sáng uống cà phê với nhau, ai đó nói những người bán vé số, lượm ve chai, chạy xe ôm làm sao sống được trong những ngày này, vậy là cả nhóm cà phê sáng xúm vào lập “Hội tấm lòng vàng”, và cứ thế mà làm, mỗi người mỗi việc. Người Sài Gòn - TPHCM là vậy, làm việc thiện với cái tâm không tính toán thiệt hơn, không ra tuyên ngôn ầm ĩ, không phân biệt giàu nghèo, miễn là “có nhiêu làm nhiêu”.

Người có óc sáng tạo như Hoàng Anh Tuấn thì làm ATM gạo, người không có tiền mà có sức thì đứng ngã ba ngã tư phát khẩu trang dưới cái nắng đổ lửa, người khác thì chạy xe miễn phí mang đồ ăn đến phát tận tay mấy ông bà già không lê khỏi phòng trọ. Nhiều nghệ sĩ còn bỏ tiền túi ra và đứng ra quyên góp nhiều tỷ đồng để mua các phòng cách ly áp lực âm, trang phục bảo hộ, khẩu trang, nước sát trùng, găng tay, gạo, dầu ăn, thực phẩm… cho đồng bào nghèo. Các nhà thờ, chùa cũng không đứng ngoài cuộc vận động nghĩa tình này. Nhiều ngôi chùa trở thành nơi tá túc cho bà con nghèo đứt bữa trong đợt dịch này. Nhiều hội đoàn không có kinh phí nhưng cũng có những đóng góp đáng kể, như các hội viên Hội Kiến trúc sư TPHCM - của ít lòng nhiều gom được 400 triệu đồng trao cho Ủy ban MTTQ TPHCM. Ở thành phố này, không ai là không tham gia đóng góp cho người nghèo và những người ở tuyến đầu chống dịch, chí ít là một ngày lương, một tin nhắn, một khoản tiền nhỏ qua phường xã.

Truyền thống “Thương người như thể thương thân” ở thành phố này như một mạch nguồn chảy mãi không bao giờ dứt và nhân lên mạnh mẽ trong thời gian này, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lời hiệu triệu trước quốc dân đồng bào có nói “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội”. Với tinh thần nhân nghĩa đó, chắc chắn chúng ta sẽ thắng đại dịch này.

TS NGUYỄN MINH HÒA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sang-choi-thanh-pho-nghia-tinh-660161.html