Sản xuất xanh tạo 'cú hích' cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Xác định những yêu cầu mới của thị trường trong ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng, thời gian qua các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ để thích ứng, bắt kịp với xu hướng toàn cầu.

Thực hiện quy định sản xuất sản phẩm xanh, hiện nay nhiều nền kinh tế đã đặt ra những tiêu chuẩn liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nên “luật chơi mới” cho các DN trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thị trường trong và ngoài nước liên tục có những quy định mới liên quan tới sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, đòi hỏi DN và sản phẩm hàng hóa cần có những giải pháp thích ứng.

Chậm “xanh hóa” nguy cơ mất thị trường

Xác định những yêu cầu mới của thị trường trong ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng, thời gian qua các DN trong ngành hóa chất đã phải đầu tư nâng cấp công nghệ, cá biệt đã có một vài DN phải đầu tư mới hoàn toàn dây chuyền sản xuất.

Nhiều DN phải đầu tư dây chuyền sản xuất mới, thích ứng với tiêu chuẩn quy định của thị trường

Đây là vấn đề rất khó trong giai đoạn hiện nay, nhất là về vốn đầu tư, công nghệ cũng như nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Văn Đạt, Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, Tập đoàn đã triển khai một số nhiệm vụ giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính; tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; thực hiện thu hồi và lưu giữ carbon cũng như đầu tư các hệ thống chuyển dịch năng lượng

“Tập đoàn hóa chất cũng đã lồng ghép những nhiệm vụ phát triển công nghệ, ưu tiên chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường vào kế hoạch, chiến lược phát triển của Tập đoàn. Cùng với đó, Tập đoàn có nhiệm vụ kiểm soát và có những giải pháp giảm phát thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại các DN. Bước đầu, Tập đoàn đã đạt được những kết quả đem lại giá trị khả thi và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, tạo ra uy tín đối với sản phẩm phân bón trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Đạt cho thông tin.

Các cam kết quốc tế như giảm phát thải dòng bằng 0; giảm phát thải metan toàn cầu cũng như chấm dứt tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới,… là những cam kết sẽ ảnh hưởng đến các DN của Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Như ông Nguyễn Sỹ Linh, Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho hay, quy định trong Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trước mắt có 5 mặt hàng chính liên quan đến phân bón, xi măng, sắt, thép,… sẽ bị điều chỉnh về carbon và đánh thuế carbon. Do dó, DN sản xuất muốn tham gia xuất khẩu cần chuyển đổi theo hướng sản xuất ít phát thải, hoặc phát thải carbon thấp để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu đề ra.

“Thị trường châu Âu đã quy định liên quan đến dấu vết carbon và chuyển dịch năng lượng. Ngành dệt may của Việt Nam trong thời gian qua chịu ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng dịch chuyển sang thị trường Bangladesh, khi họ đã chuyển dịch năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và ít phát thải hơn”, ông Linh cảnh báo.

Khuyến khích đầu tư thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 14/12/2022, Bộ Công Thương đã phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành Công Thương nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành.

Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cho biết, 3 nội dung lớn, nhiệm vụ mang tính chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương, đó là thích ứng; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hướng đến tăng trưởng xanh.

“Ngành Công Thương sẽ phải xác định những giải pháp để làm sao xanh hóa ngành công nghiệp. Những ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn như ngành điện, dệt may, sắt thép, hóa chất,… sẽ phải thực hiện tăng trưởng xanh. Việc thực hiện các giải pháp về tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính tổng thể, tích hợp, ví dụ như các biện pháp về sản xuất tiêu dùng bền vững, các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sẽ được áp dụng trong tất cả các ngành, lĩnh vực”, ông Tâm cho biết.

Trước những khó khăn và thách thức đặt ra, để có thể triển khai hiệu quả hơn các giải pháp đối với hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đạt, Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kiến nghị, các cấp có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế, chính sách để các DN có điều kiện thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Cùng với đó là ban hành những chính sách khuyến khích đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển dịch năng lượng.

Những ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn sẽ phải thực hiện tăng trưởng xanh

Trong dài hạn, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Việt Nam sẽ cần xây dựng, ban hành thêm khung pháp lý, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Các DN cần thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, cần có giải pháp giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu; ứng dụng nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.

Quan điểm của nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với quy hoạch sản xuất công nghiệp, cần quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, các DN sẽ thích ứng và tận dụng được hiệu quả các cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu, bắt kịp xu hướng phát triển trong hội nhập quốc tế.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/san-xuat-xanh-tao-cu-hich-cho-doanh-nghiep-doi-moi-cong-nghe-post1055069.vov