Sản xuất vụ Xuân ở Yên Lạc theo hướng 'Chất lượng- hiệu quả - giá trị kinh tế cao'

Xác định vụ Xuân là vụ chính trong năm, ngay từ cuối vụ Đông 2021, huyện Yên Lạc đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn trong huyện rà soát lại toàn bộ diện tích gieo trồng, nhất là diện tích cấy lúa, phân loại diện tích theo từng loại cây trồng, xây dựng phương án tưới tiêu, áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất với quyết tâm giành vụ Xuân thắng lợi.

Nông dân xã Liên Châu đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Nguyễn Lượng

Vụ Xuân 2022, huyện Yên Lạc phấn đấu gieo trồng 5.740 ha, bằng 99,1% diện tích vụ Xuân 2021, trong đó cấy lúa 4.515 ha (bao gồm cả chiêm đầm); cây ngô 600 ha, cây rau màu khác hơn hơn 620 ha. Phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt hơn 34.000 tấn.

Với phương châm: “Chất lượng- hiệu quả - giá trị kinh tế cao”, ngay từ cuối vụ mùa 2021, UBND huyện Yên Lạc đã chỉ đạo các địa phương, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa của vụ Xuân cho bà con nông dân.

Để việc chỉ đạo tập trung, thống nhất và hiệu quả, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất vụ Xuân 2022 của huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban.

Phân công từng thành viên BCĐ huyện phụ trách từng xã, thị trấn, hằng tuần xuống cơ sở phối hợp với các địa phương nắm bắt diễn biến tình hình, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt cơ cấu giống, tuân thủ thời vụ gieo trồng và các giải pháp kỹ thuật; đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình hỗ trợ sản xuất thuộc đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Thường xuyên nắm bắt khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai sản xuất tại cơ sở báo cáo về BCĐ của huyện để có phương án giải quyết kịp thời hiệu quả. Chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện chủ động phối hợp với Sở KH&CN thực hiện chương trình sản xuất chuối tiêu hồng theo chuỗi giá trị tại xã Liên Châu và các mô hình rau an toàn.

Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH một thành viên (MTV) thủy lợi Liễn Sơn, chỉ đạo các trạm thủy lợi, HTX dịch vụ nông nghiệp nạo vét, tu sửa hệ thống kênh mương nội đồng, kênh dẫn nước tưới để tích trữ nguồn sinh thủy trên các sông, ao hồ; đầu tư lắp đặt thêm một số trạm bơm điện và bơm dầu dã chiến ở những nơi thường xuyên có ngập úng, thiếu nước cục bộ tại các xã Liên Châu, Nguyệt Đức, Hồng Châu, Văn Tiến, Trung Hà.

Những vùng cao hạn khó nước, cấy lúa hiệu quả thấp, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang trồng các cây rau màu khác như ngô, lạc, đậu tương, rau. Cụ thể đã chuyển đổi 93,6ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa và cây hàng năm.

Để đảm bảo 100% diện tích theo khung thời vụ, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện phân công cán bộ kỹ thuật về các xã kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn cách chăm sóc lúa và giữ nước ấm cho chân lúa chiêm đầm vùng trũng, chờ khi nắng lên sẽ tỉa tách dặm vào diện tích lúa chết do rét hại.

Tích cực kiểm tra ruộng đồng dự báo sâu bệnh trên cây mạ, điều tiết nước giữ mạ tránh chết do rét hại; tuyên truyền khuyến cáo với nông dân “4 đúng” về bảo vệ thực vật, môi trường, kỹ thuật, thời gian chăm sóc, mạ và gieo cấy theo đúng kỹ thuật, khung thời vụ.

Dự kiến trong tháng 2 và tháng 3, huyện sẽ mở từ 3-5 lớp tập huấn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh lùn lá và một số bệnh mới trên cấy lúa, rau màu để bà con nông dân chủ động xử lý khi phát hiện sâu bệnh trên cây lúa và rau mà.

Ông Phan Mạnh Lân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Yên Lạc cho biết: Đến ngày 15/2, toàn huyện đã cung cấp được hơn 10 tấn giống lúa xuân muộn (gieo cấy trên vàn cao, vàn cao chủ động nước và vàn thấp) các giống như Thiên ưu 8; TBR25, ADI 28, DQ 11, DT 39 Quế Lâm và hơn 3 tấn giống Xuân sớm (rốn trũng ngập úng), Xi23, Xi21, NX 30… để bà con xã viên kịp gieo mạ theo khung thời vụ.

Toàn huyện hiện đã gieo trồng được 3.775 ha lúa, đạt 83,6% diện tích lúa Xuân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của rét hại cuối tháng 1 và đầu tháng 2 đã làm cho một số diện tích lúa xuân sớm bị chết nhưng chưa có giống thay thế, đợi nắng ấm tỉa lúa nhánh dặm khắc phục đủ diện tích.

Quyết tâm của huyện là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các loại cây; tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; thực hiện đồng bộ các biện pháp trong thâm canh.

Khai thác triệt để đất đai, thủy lợi của từng địa phương, sản xuất ra sản phẩm cho năng suất, chất lượng, giá trị cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.

Toàn huyện phấn đấu gieo trồng trong khung thời vụ trên 4.190 ha lúa Xuân muộn bằng các giống thuần và lúa lai có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng như Thiên ưu 8, TBR225, ADI 28, DQ 11, DT 39 Quế Lâm, Hà Phát 3.

Đối với cây ngô, gieo trồng các giống ngô lai NK 4300, LVN CP 511, CP 512, LVN 61, LVN 092, SSC 586, ngô nếp ngô ngọt thời vụ gieo trồng đến 15/2/2022.

Cây lạc gieo trồng bằng giống L14, L15, L18 thời vụ gieo trồng từ 15/1-15/2/2022.

Đối với các xã vùng bãi, trồng chủ yếu cây ngô, xã Trung Kiên gieo trồng thử nghiệm cây gai. Quyết tâm hoàn thành 100% kế hoạch trong khung thời vụ. Phấn đấu năng suất đạt trên 68,5 tạ /ha.

Xuân Hùng

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74044/san-xuat-vu-xuan-o-yen-lac-theo-huong-%E2%80%9Cchat-luong--hieu-qua---gia-tri-kinh-te-cao%E2%80%9D.html