Sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đồng bộ giúp nông dân tăng 10-20% thu nhập

Ngày 3/6, tại xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh), Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang, Công ty CP GAP Việt Nam và chính quyền địa phương tổ chức hội nghị đánh giá mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đồng bộ.

Các đại biểu tham quan mô hình.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh; phòng Nông nghiệp & PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thành phố; một số tỉnh lân cận, đông đảo giám đốc HTX và nông dân trên địa bàn. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội thương mại và giống cây trồng Việt Nam, lãnh đạo DA15.

Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, chi phí sản xuất tăng cao, thu nhập của người trồng lúa giảm, việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những chuỗi giá trị đồng bộ là cần thiết, để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại, mang lại giá trị tăng cao.

Đã có kinh nghiệm liên kết sản xuất lúa giống với bà con nông dân gần 20 năm, vụ xuân 2022, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang tiếp tục mở rộng mô hình này. Theo đó, đơn vị đã ký kết sản xuất 150 ha lúa giống với HTX Kiến Thái (xã Khánh Trung) và xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) theo hình thức Công ty cho hộ sản xuất ứng trước giống, thuốc BVTV; hướng dẫn nông dân kỹ thuật. Toàn bộ mô hình sử dụng phân bón hữu cơ thế hệ mới do Công ty CP GAP Việt Nam cung ứng.

HTX nông nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, đảm bảo gọn vùng, triển khai làm đất, điều tiết nước, bảo vệ đồng ruộng, đôn đốc xã viên thực hiện các biện pháp kỹ thuật, khử lẫn… Sau đó, Công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân.

Ngoài liên kết sản xuất giống, Công ty Hồng Quang còn phối hợp với 2 nhà máy chế biến lương thực trên địa bàn để tiêu thụ lúa thương phẩm với quy mô 100 ha. Dự kiến giá thu mua với Nếp Hương giá 7 nghìn đồng/kg thóc tươi, Hương Bình, DQ11 là 5,5-5,7 nghìn đồng/kg thóc tươi.

Hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết được ứng trước giống, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, BVTV, giảm công phơi, giảm rủi ro thất thoát sau thu hoạch, ổn định đầu ra của sản phẩm nên hiệu quả kinh tế thu được tăng từ 10-20%.

Doanh nghiệp sẽ có điều kiện thực hiện mục tiêu sản xuất và kinh doanh với chất lượng tốt, đáp ứng thị trường, đặc biệt một số giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống lúa có tiềm năng, năng suất cao như: DQ11, Hương Bình, nếp Hương…

Sau khi thăm quan thực tế tại ruộng và nghe tham luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá mô hình rất có tiềm năng, cần được nhân rộng, giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Nguyễn Lựu - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/san-xuat-lua-theo-chuoi-gia-tri-dong-bo-giup-nong-dan-tang/d2022060314328392.htm