Sản xuất công nghiệp: Nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 9,5%, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.

Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường thi công thảm bê tông nhựa tại Quảng trường Vạn Xuân (TP. Phổ Yên).

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - TISCO), cho biết: Chưa bao giờ tiêu thụ thép cán của Công ty lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Kết quả sản xuất - kinh doanh của Nhà máy 6 tháng đầu năm đạt thấp. Cụ thể, giá trị SXCN đạt trên 103 tỷ đồng, bằng 27,43% kế hoạch năm; sản lượng thép cán đạt 27.384 tấn, bằng 27,38% kế hoạch năm; tiền lương bình quân chỉ đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng. Do sản phẩm tiêu thụ chậm, TISCO điều tiết sản xuất, sản lượng thép cán giao cho Nhà máy giảm, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động.

Theo ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: 2023 là một năm đầy thách thức đối với TISCO và nhiều DN khác khi thị trường thép xuất khẩu không thuận lợi, tiêu thụ nội địa sụt giảm, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp…

Nắm bắt được những khó khăn trên, ngay từ đầu năm, Hội đồng quản trị, Ban điều hành TISCO đã điều tiết sản xuất, giảm sản lượng thép cán theo kế hoạch đầu năm. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó định hướng duy trì tồn kho ở mức thấp nhất để giảm rủi ro khi thị trường biến động; thắt chặt chi phí, cắt giảm tất cả các khoản chi không cần thiết để hạ giá thành sản phẩm về mức tốt nhất.

Do khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh chủ yếu của TISCO có sự tương phản rõ rệt. Trong khi các chỉ tiêu về sản lượng quặng sắt khai thác, cốc luyện kim, gang lò cao và phôi thép sản xuất đạt 50-72% so với kế hoạch năm, thì các chỉ tiêu về giá trị SXCN, thép cán sản xuất và tiêu thụ, tổng doanh thu… chỉ đạt 37-40%.

Tuy gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm chủ lực, nhưng Công ty vẫn nỗ lực duy trì việc làm cho hơn 3.400 lao động, với mức lương bình quân đạt trên 8,3 triệu đồng/người/tháng.

Gia công sản phẩm chất lượng cao tại Công ty CP Cơ khí Gang thép.

Tương tự TISCO, không ít DN trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm và sụt giảm giá trị SXCN. Có thể kể đến như: Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico; Công ty Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên; Công ty CP Thương mại Thái Hưng; Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi; Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên; Công Ty CP Tập đoàn Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên; TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên; Công ty CP xi măng La Hiên; Công ty CP xi măng Quang Sơn…

Chia sẻ về những khó khăn của DN, ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thông tin: SXCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung trong những tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào, năng lượng vẫn ở mức cao, tác động đến chi phí sản xuất của DN. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa nhiều tháng liên tiếp giảm sâu so với cùng kỳ, do nhu cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia trên thế giới giảm, đặc biệt là các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của tỉnh như Mỹ, EU...

Đặc biệt, theo ông Trần Quang, giá trị SXCN 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh mới đạt 39,7% kế hoạch, trong đó khu vực công nghiệp Trung ương giảm 9,7% so với cùng kỳ. Do đó, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm 2023 thì trong 6 tháng cuối năm, giá trị SXCN của Thái Nguyên phải đạt trên 615 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ và tăng đến 51,9% so với 6 tháng đầu năm.

Với tình hình SXCN trên địa bàn tỉnh như hiện nay, để hoàn thành mục tiêu trên là rất khó khăn.

Nhận định về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị SXCN năm 2023, ông Phan Hữu Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh, cho rằng: Sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các DN trên địa bàn đã chủ động thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng nhiều giải pháp về tiền tệ, tài khóa... đã, đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới; đặc biệt là một số dự án đầu tư công, dự án SXCN có vốn đầu tư nước ngoài được khởi công, tăng tốc thực hiện, giải ngân... Những yếu tố này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng giá trị SXCN trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2023.

Một trong những yếu tố thuận lợi để Thái Nguyên đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm đó là giá trị SXCN 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn bình quân chung của cả nước (cả nước chỉ tăng 0,44%).

Điều này cho thấy cộng đồng DN trong tỉnh đã tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng cơ chế thu hút đầu tư cởi mở, linh hoạt của chính quyền các cấp. Nhờ vậy, SXCN duy trì được đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, ngoài một số ngành có chỉ số SXCN (IIP) 6 tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ, như: Sản xuất máy móc, thiết bị giảm 63,23%; sản xuất kim loại giảm 11,44%; khai khoáng giảm 4,78%... thì ở chiều ngược lại, một số ngành có IIP tăng cao so với cùng kỳ, như: Sản xuất, phân phối điện tăng 7,26%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 22,48%; sản xuất trang phục tăng 7,29%; chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 13,83%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy tăng 28,52%; sản xuất thiết bị điện tăng 108,24%...

Có thể nói, 2023 là năm các DN gặp nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất - kinh doanh. Cộng đồng DN mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành chức năng có thêm những chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập, giảm lãi suất, giãn thời gian thanh toán nợ… Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án SXCN và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đây chính là cơ sở quan trọng để Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu tăng trưởng SXCN năm 2023.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/cong-nghiep/202307/san-xuat-cong-nghiep-no-luc-vi-muc-tieu-tang-truong-22047dd/