Sẵn sàng ứng phó với nguy cơ sạt lở ở huyện miền núi Tương Dương

Nằm trong khu vực thường xuyên bị sạt lở đất, vì vậy, trước mùa mưa bão, huyện Tương Dương đã ban hành các kế hoạch, đề ra các giải pháp để chủ động ứng phó, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể gây ra do sạt lở.

Nguy cơ cao

Theo thống kê, trong năm 2022, trên địa bàn đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn, kèm theo gió lốc, lũ quét, bão và áp thấp nhiệt đới với cường độ mạnh, gây ra nhiều thiệt hại lớn, trong đó, làm 1 người bị thương, 103 nhà bị hư hỏng (7 nhà di dời khẩn cấp; 6 nhà bị sập; 2 nhà bếp bị sập; 88 nhà bị sạt lở, tốc mái, hư hỏng); 3 điểm trường bị thiệt hại; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng… ước tổng thiệt hại hơn 59 tỷ đồng.

Ngay trong năm 2022, sau khi hứng chịu những thiệt hại không nhỏ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn của huyện đã tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời gia đình có người bị nạn. Kiểm tra, rà soát các hộ gia đình bị thiệt hại và gặp khó khăn do thiên tai để giúp đỡ, trợ cấp, cứu đói, xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất. Đồng thời, tu sửa công trình đảm bảo giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, trường học và điện sinh hoạt.

Một điểm sạt lở nguy hiểm trên tuyến đường từ xã Yên Na vào xã Yên Tĩnh. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, trong mùa mưa lũ từ cuối tháng 9/2022, trên địa bàn huyện Tương Dương đã xảy ra nhiều điểm bị sạt lở, làm thiệt hại đến tài sản, nhà cửa của nhân dân, nhất là tại tuyến đường từ Cửa Rào – Bản Vẽ đi qua các xã Xá Lượng, Lượng Minh, đã bị sạt lở nghiêm trọng; một số điểm tái định cư ở xã Lượng Minh cũng xuất hiện các vết nứt, sụt lún lớn… Thậm chí, một số địa điểm người dân phải sống trong vùng nguy cơ sạt lở cao trong nhiều năm, như điểm bản Xốp Nặm (xã Tam Hợp), nằm ở dưới chân đồi núi có độ cao 611m so với mực nước biển, trên bề mặt chủ yếu là cây bụi, nứa tép và có nhiều đá to có nguy cơ sạt lở rất cao đến 53 hộ dân và trường mầm non ở dưới chân núi. Năm 2021, do ảnh hưởng của mưa bão đã làm sạt lở đất, đá xuống một số nhà dân và trường mầm non.

Hay như tại bản Tùng Hương (xã Tam Quang), có 75 hộ dân sinh sống tại chân núi cao, sau các đợt mưa, bão kéo dài, nhân dân ở đây đều phải di dời đến vị trí an toàn, do địa điểm này đã xuất hiện sạt lở, nhiều tảng đá với khối lượng rất lớn lăn từ đỉnh đồi xuống nhà dân gây hoang mang, lo lắng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Qua các đợt khảo sát, đánh giá mức độ nguy hiểm, nguy cơ sạt lở, với khối lượng sạt lở ước tính 56.250 m3.

Xử lý một điểm sạt lở trên Quốc lộ 7A đoạn qua huyện Tương Dương trong đợt mưa lũ năm 2022. Ảnh: Tiến Đông

Trong năm 2023, thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh về việc kiểm tra, rà soát chủ động phòng, chống sạt lở, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân trước mùa mưa lũ, UBND huyện Tương Dương đã tiến hành kiểm tra, rà soát tại 28 địa điểm ở thôn, bản của 7 xã, thị trấn có nguy cơ bị sụt lún, sạt lở. Theo đó, đã thống kê có 391 hộ với 1.543 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở, bao gồm: Xã Tam Thái có 8 điểm; xã Tam Quang có 4 điểm; xã Tam Hợp 3 điểm; xã Xá Lượng 5 điểm…

Chủ động ứng phó

Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương cho biết: Để chủ động ứng phó với nguy cơ bị sạt lở, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn. Giao cho các ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn năm trước và triển khai nhiệm vụ trong năm nay. Xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và các nhu yếu phẩm đầy đủ, đáp ứng cho việc xử lý các tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn của huyện cũng phối hợp với các Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, Nậm Nơn, Bản Ang và Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ tổ chức hội nghị truyền thông giới thiệu quy trình vận hành nhà máy và hướng dẫn người dân vùng hạ lưu về cách nhận biết và biện pháp phòng tránh, ứng phó với một số loại hình thiên tai thường xảy ra.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn của huyện và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn tổ chức trực ban và triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn thường xuyên, nghiêm túc. Việc cập nhật, tổng hợp thông tin về thiên tai, ban hành các văn bản chỉ đạo và truyền tải đầy đủ các công điện, chỉ thị, quyết định của UBND huyện, tỉnh đến người dân kịp thời.

Qua kết quả kiểm tra, khảo sát các điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá trên địa bàn toàn huyện năm 2023, dự kiến số người cần di dời, sơ tán là 708 hộ, 2.506 người (di dời tại chỗ là 1.271 người, sơ tán đến chỗ ở khác 1.235 người).

Cũng theo ông Lô Khăm Kha, trong năm 2023 này, huyện đã ban hành phương án ứng phó với thiên tai. Riêng đối với nguy cơ sạt lở đất, huyện đã xác định được các vị trí có nguy cơ cao, nhất là các tuyến đường giao thông liên xã, liên bản trên địa bàn các xã, thị trấn. Các hộ dân của các bản Lả, Minh Phương, Xốp Mạt và bản Côi đang ở dọc tuyến đường từ Cửa Rào – Bản Vẽ (đường 543B); dọc tuyến đường 48C; dọc tuyến từ Tam Thái – Tam Hợp; tuyến Xốp Kho – Na Ngân, Xốp Kho – Na Kho; tuyến Xiêng Nứa – Bản Xàn; tuyến Xốp Mạt – Chằm Puông; khu vực bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp; khu vực bản Tùng Hương, Tân Hương, xã Tam Quang; bản Phá Kháo, xã Mai Sơn; các hộ dân nằm ven hồ Thủy điện Khe Bố, Thủy điện Nậm Nơn; các khu tái định cư có địa hình dốc và mái taluy cao...

Tuyến đường từ xã Lượng Minh đến xã Yên Na thường xuyên bị sạt lở đã được cắm biển cảnh báo. Ảnh: Tiến Đông

Sau khi xác định được các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn huyện Tương Dương đã đề ra phương án chuẩn bị, trong đó, tổ chức rà soát các khu dân cư sống dọc ven khe, suối, vùng có nguy cơ sạt lở, đặc biệt là các hộ đang sinh sống tại các điểm có mái ta-luy cao,… triển khai phương án di dời đến nơi ở đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ. Luôn cập nhật và thông báo kịp thời tình hình mưa lũ để nhân dân chủ động ứng phó; khi có mưa lớn kéo dài phải di dời, sơ tán các hộ dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn (sử dụng các nhà văn hóa cộng đồng và các trường học ở vị trí an toàn làm nơi sơ tán cho người dân); theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, mực nước các sông, hồ chứa, lượng mưa.

"Đặc biệt, huyện cũng đã sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố; chủ động sơ tán nhân dân kịp thời khỏi khu vực nguy hiểm. Xác định sẽ tập trung huy động mọi lực lượng triển khai các biện pháp đối phó với mưa, lũ, tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Triển khai lực lượng, phương tiện bảo vệ các công trình trọng điểm; chằng chống nhà cửa, trường học… nhằm hạn chế thấp nhất những nguy cơ thiệt hại do sạt lở đất gây ra" - ông Kha nhấn mạnh.

Tiến Đông

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/san-sang-ung-pho-voi-nguy-co-sat-lo-o-huyen-mien-nui-tuong-duong-post275841.html