Sẵn sàng tâm thế vượt thách thức

Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã đề ra với 12 chỉ tiêu, 3 khâu đột phá, 3 chương trình trọng tâm nhằm đưa hoạt động Công đoàn TP. HCM xứng đáng với vị thế Thành phố đầu tàu kinh tế của đất nước, nơi có đông đoàn viên, người lao động (NLĐ) nhất cả nước.

Từ những mục tiêu đề ra

Theo đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, Đại hội đã thể hiện quyết tâm, nhất trí cao với mục tiêu của nhiệm kỳ 2023 - 2028 là “Tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; tăng cường củng cố niềm tin, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp NLĐ, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của công nhân lao động; tích cực xây dựng tổ chức Công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng bộ, chính quyền Thành phố, đóng góp vào phát triển TP. HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM trao vốn vay và quà tặng đến khách hàng CEP là đoàn viên Nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn.

Trên tinh thần đó, mục tiêu mà Công đoàn Thành phố đề ra, đến hết năm 2028, phấn đấu có 1,98 triệu đoàn viên công đoàn trở lên. Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật. Ít nhất trên 75% Công đoàn cơ sở (CĐCS) tham gia với người sử dụng lao động ban hành, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hàng năm, bình quân phát triển thực tăng 120.000 đoàn viên. Hàng năm, ít nhất 72% số vụ việc của đoàn viên có nhu cầu tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia hoặc được Công đoàn hỗ trợ. Hàng năm, bình quân mỗi CĐCS giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.

Hàng năm phấn đấu đạt từ 85% trở lên đoàn viên, NLĐ được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, phấn đấu ít nhất 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp (DN) tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Hàng năm, từ 20% trở lên các đơn vị CĐCS DN có trên 200 lao động được Công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát về tài chính và 100% CĐCS thực hiện công khai tài chính.

Ngoài ra, Đại hội còn đề ra 3 khâu đột phá theo định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 và 3 chương trình trọng tâm của Công đoàn TP.HCM gồm: Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, NLĐ, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc. Xây dựng đội ngũ Chủ tịch CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại DN khu vực ngoài Nhà nước.

Chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động Công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính. Nâng cao năng lực đại diện, hiệu quả thương lượng tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, thực hành dân chủ ở cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, đổi mới công tác vận động, tập hợp NLĐ vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Công đoàn TP.HCM đẩy mạnh hoạt động trợ vốn, tín dụng cá nhân, tích cực tham gia phòng chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động.

TP.HCM là trung tâm kinh tế của đất nước. Năm 2023 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách Nhà nước của Thành phố vẫn đạt khoảng 460 ngàn tỷ đồng. Góp phần vào bức tranh kinh tế của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu có công sức rất lớn của đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Là tổ chức của giai cấp công nhân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TP.HCM, sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Xuân mới, nhiệm kỳ mới, Công đoàn TP.HCM sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, NLĐ không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp mà còn nâng cao công tác phối hợp trong lĩnh vực đào tạo, nâng tay nghề để tăng năng suất lao động. Chỉ có tăng năng suất lao động mới là yếu tố đưa kinh tế Thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Để thực hiện thành công các mục tiêu, sau Đại hội, LĐLĐ Thành phố sẽ khẩn trương tuyên truyền về kết quả Đại hội, lan tỏa tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” của Đại hội đến với mỗi đoàn viên, NLĐ; tổ chức nghiên cứu, quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành các chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện, để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn TP.HCM đi vào thực tiễn, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn Thành phố, nhiệm kỳ 2023 - 2028, xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố.

Trong đó, có giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp NLĐ khu vực phi chính thức. Nhiệm vụ này càng trở nên bức thiết trong bối cảnh cả nước nói chung, đặc biệt là TP.HCM - địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, cũng như dự báo sắp tới Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức về tăng trưởng kinh tế do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đời sống công nhân, NLĐ, nhất là khu vực phi chính thức sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn khi DN cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng hoặc ngừng hoạt động. Việc hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ khó khăn với NLĐ tại khu vực phi chính thức không những là nguồn động viên to lớn để họ an tâm lao động, sản xuất mà còn là giải pháp để “kéo”, vận động và tập hợp NLĐ vào tổ chức Công đoàn.

Đồng chí Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM cho biết: Thành phố đã thành lập được 134 nghiệp đoàn cơ sở với hơn 11.000 lao động ở nhiều ngành nghề. Đây là những cố gắng bền bỉ, là thử nghiệm quan trọng nhằm đề xuất chính sách, tìm kiếm giải pháp cho công tác vận động, tập hợp đối với khu vực phi chính thức trong thời gian tới.

Công đoàn các cấp TP.HCM đã có nhiều giải pháp, cố gắng trong vận động, thành lập và tổ chức hoạt động các nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức. Tập trung tiếp cận có định hướng, mục tiêu cụ thể đối với NLĐ theo ngành nghề ở từng địa bàn; tổ chức tiếp xúc, tuyên truyền, vận động thành lập nghiệp đoàn.

Cũng theo đồng chí Trần Đoàn Trung, Đại hội Công đoàn TP.HCM khóa XII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) đã xác định tập trung triển khai 3 chương trình trọng tâm, trong đó có chương trình nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, đổi mới công tác vận động, tập hợp NLĐ vào Công đoàn. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng để có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2028 sẽ có 1,98 triệu đoàn viên trở lên gia nhập tổ chức Công đoàn Thành phố.

Cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết

Với phương châm “Nơi đâu có NLĐ, nơi đó có tổ chức Công đoàn”, các cấp Công đoàn TP.HCM đã thành lập mới trên 6.740 CĐCS, kết nạp mới hơn 617.200 đoàn viên, trong đó khu vực ngoài Nhà nước đã kết nạp 570.730 đoàn viên. Công đoàn các cấp đã đổi mới mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình DN, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, NLĐ, yêu cầu hội nhập quốc tế, qua đó tăng cường thu hút, tập hợp và phát triển đoàn viên, nhất là đội ngũ công nhân, NLĐ ngoài khu vực Nhà nước.

Đồng chí Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp công nhân lao động vào tổ chức Công đoàn, ngoài các giải pháp sẽ triển khai, LĐLĐ Thành phố kiến nghị Trung ương mà trực tiếp là Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến khu vực phi chính thức, trong đó quan tâm các nội dung liên quan đến môi trường, điều kiện làm việc, việc tham gia vào hệ thống an sinh xã hội kể cả tự nguyện hoặc bắt buộc. Tạo cơ chế, xây dựng chính sách hỗ trợ để lao động khu vực phi chính thức được đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo LĐLĐ TP. HCM, dự báo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN còn tiếp tục khó khăn do đơn hàng sản xuất chưa ổn định; đời sống, việc làm và thu nhập của bộ phận NLĐ tiếp tục bị ảnh hưởng. Tình hình quan hệ lao động thời gian cuối năm 2023 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể liên quan đến vấn đề lương, thưởng Tết, nợ bảo hiểm xã hội...

Trong đó, đáng lưu tâm đối với vấn đề thưởng Tết sẽ có sự chênh lệch mức thưởng Tết tại những DN có đông công nhân lao động, trong cùng một tập đoàn. Vì thế các cấp Công đoàn Thành phố tiếp tục chủ động phối hợp các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình quan hệ lao động, kịp thời tham mưu, giải quyết khi có tình huống phát sinh.

LĐLĐ TP. HCM sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách về lương, thưởng Tết đối với NLĐ. Tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ tại cơ sở như về giờ làm thêm, xây dựng thang bảng lương, quy chế trả lương, quy chế thưởng, hướng dẫn xây dựng thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

LĐLĐ TP.HCM sẽ chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý, Công đoàn các Khu Công nghiệp - Chế xuất, Bảo hiểm xã hội Thành phố và chính quyền địa phương nơi có Khu Công nghiệp - Chế xuất tập trung nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của công nhân, lao động, kịp thời kiến nghị xử lý ngay những DN cố tình vi phạm những quy định của pháp luật lao động.

Cùng với đó, Công đoàn cấp trên cơ sở, Công đoàn các sở, ban ngành, tổng công ty và CĐCS trực thuộc tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 145 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thành Đồng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/san-sang-tam-the-vuot-thach-thuc-165371.html