Sẵn sàng đón sóng đầu tư

Là điểm sáng trong phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước, những cơ hội mới trong thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc ngày càng rộng mở với các dự án phát triển công nghiệp. Để chủ động đón sóng đầu tư, các đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) khẩn trương tăng tốc quá trình xây dựng, sớm hoàn thiện hạ tầng, tạo thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Tiến độ giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án công nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hạ tầng thu hút được nhiều doanh nghiệp thứ cấp chất lượng. (trong ảnh: Thi công mặt bằng dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc)

Tiến độ giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án công nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hạ tầng thu hút được nhiều doanh nghiệp thứ cấp chất lượng. (trong ảnh: Thi công mặt bằng dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc)

Những ngày cuối cùng của năm 2021, dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, dự án đầu tiên trong Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN được khởi công xây dựng trong niềm vui hân hoan của người dân, doanh nghiệp (DN) và chính quyền các cấp.

Với thiết kế tích hợp giữa cảng cạn ICD và trung tâm logistics công nghệ cao đa phương thức, có trung tâm điều hành thông minh cảng cạn Super Port, cung cấp giải pháp hữu hiệu giảm tối đa chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, cũng như chuyển hàng tới các cảng biển và sân bay, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ đặt nền móng vững chắc cho dịch vụ logistics của tỉnh.

Đó là thành quả xứng đáng dành cho những nỗ lực không của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong khống chế dịch Covid-19, đảm bảo cam kết với các nhà đầu tư.

Nhằm khai phá những tiềm năng, lợi thế sẵn có của những vùng đất công nghiệp mới, tạo động lực mới cho kinh tế của tỉnh tiếp tục bứt phá, chính quyền các cấp và các nhà đầu tư hạ tầng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Ông Cao Đình Thi, Trưởng Ban QLDA CCN Đồng Sóc, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Vĩnh Phúc, nhà đầu tư hạ tầng CCN Đồng Sóc (Vĩnh Tường) cho biết: Để tăng sự hấp dẫn, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp uy tín chất lượng, đơn vị đã chủ động bố trí nguồn vốn xây dựng trạm điện trung thế, cung cấp nguồn điện ổn định đến chân hàng rào của mỗi nhà máy trong CCN Đồng Sóc.

Các hạng mục phụ trợ như hệ thống giao thông, chiếu sáng, hệ thống xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Có thể thấy, CCN Đồng Sóc đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần, sẵn sàng đón sóng đầu tư.

Tại huyện Bình Xuyên, một trong những địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất tỉnh những năm gần đây, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trên địa bàn.

Tính đến năm 2021, tổng số dự án thực hiện công tác bồi thường GPMB trên địa bàn huyện là 66 dự án với tổng diện tích đủ điều kiện bồi thường GPMB là gần 700 ha, trong đó diện tích đã bồi thường GPMB xong trước năm 2021 mới chỉ đạt khoảng 170 ha (khoảng 24%).

Trong năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và phải thực hiện cùng lúc nhiều dự án có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, song Bình Xuyên đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, vượt lên khó khăn.

Đến hết năm 2021, huyện đã thực hiện GPMB được 366 ha bằng 250% so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020 đã thực hiện 146,14ha).

Ông Dương Quang Dũng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Lạc cho biết: Các dự án phát triển công nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế địa phương. DN tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, từ đó tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hướng đến sự văn minh, hiện đại.

Hiện CCN làng nghề Minh Phương đã thực hiện GPMB 98%, CCN làng nghề Đồng Văn (Yên Lạc) đạt trên 80%, chỉ một thời gian ngắn nữa, các nhà đầu tư hạ tầng có thể tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà xưởng cho thuê.

Năm 2021, thu hút đầu tư FDI của tỉnh vượt mốc 1 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án lớn, mở ra cơ hội hợp tác phát triển cho các DNNVV trên địa bàn.

Để tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công mới trong thu hút đầu tư, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước vào năm 2025 theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho môi trường đầu tư như cải cách thủ tục hành chính công, tháo gỡ vướng mắc cho DN, đặc biệt là linh hoạt, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Đại diện Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (Sở KH&ĐT) cho biết: Trong năm 2022, tỉnh sẽ hướng tới sự đa dạng trong thu hút đầu tư. Không chỉ các ngành công nghiệp mà các ngành du lịch, dịch vụ, giáo dục, nông nghiệp cũng sẽ được quan tâm, chú trọng.

Để đem lại bức tranh tổng thể cho các nhà đầu tư muốn tìm hiểu cơ hội phát triển tại Vĩnh Phúc, trung tâm sẽ nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu về DN.

Từ việc số hóa dữ liệu về các DN, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng tiếp cận hệ sinh thái công nghiệp của tỉnh, qua đó rút ngắn thời gian tìm hiểu và nhanh chóng đánh giá triển vọng dự án.

Bài, ảnh: Chu Kiều

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72642/san-sang-don-song-dau-tu.html