'Săn sale' để tiết kiệm tiêu dùng

Thời buổi kinh tế khó khăn khiến không ít bà nội trợ phải thắt lưng buộc bụng và chịu khó 'săn sale' (mua sản phẩm, hàng hóa giảm giá) như một cách để tiết kiệm tiêu dùng cho gia đình…

Chị Hạnh sinh sống tại trung tâm thành phố du lịch biển Phan Thiết hiện vẫn giữ thói quen theo dõi “cẩm nang mua sắm” của các siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động trên địa bàn TP. Phan Thiết. Qua đó, chị tính toán và quyết định những mặt hàng cần sử dụng cho gia đình, chủ yếu là: Dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, mì tôm các loại, bột giặt, nước xả vải, dầu gội, kem đánh răng, giấy vệ sinh… Nếu có sản phẩm đang “chạy” chương trình khuyến mãi hấp dẫn hay các đợt lễ tết giảm giá sâu so bình thường thì sẽ mua số lượng nhiều hơn, đủ dùng trong nửa năm. Theo chị Hạnh, mỗi thứ giảm vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng hoặc mua 1 tặng 1 sản phẩm cùng loại, hóa đơn đủ điều kiện được mua hàng giá sốc… cũng tiết kiệm số tiền kha khá.

Người tiêu dùng Phú Quý mua sắm tại phiên chợ hàng Việt năm 2024.

Người tiêu dùng Phú Quý mua sắm tại phiên chợ hàng Việt năm 2024.

Ngoài “săn sale” đối với mặt hàng thiết yếu theo đợt khuyến mãi, bà Nguyệt ở xã Phong Nẫm - TP. Phan Thiết thi thoảng còn dạo quanh các siêu thị, trung tâm thương mại để mua thực phẩm tươi sống (thịt, cá), rau củ quả giảm giá. Bởi những mặt hàng này có lúc giảm giá đến 50% nhưng phải mắt thấy, tay sờ và bằng kinh nghiệm của bà nội trợ lớn tuổi mới quyết định chọn mua hay không… Trong khi đó, chị Thanh ngụ tại xã Hàm Liêm - huyện Hàm Thuận Bắc lại thích lướt “chợ mạng” để chốt đơn quần áo thời trang, giày dép, đồ dùng nhà bếp với giá hời để tiết kiệm một phần chi tiêu.

Không có điều kiện thuận lợi như ở đất liền, người tiêu dùng tại Phú Quý chỉ được dịp “săn sale” mỗi khi ngành Công Thương địa phương phối hợp tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về huyện đảo. Như mới đây, phiên chợ hàng Việt về huyện đảo Phú Quý diễn ra trong 3 ngày vào cuối tháng 4/2024 thu hút 20 doanh nghiệp trong lẫn ngoài tỉnh tham gia với quy mô 30 gian hàng cũng tạo cơ hội cho người dân mua sắm hàng Việt giá tốt. Do hoạt động này được tổ chức đúng dịp chào mừng đại lễ 30/4, vì vậy bà con nơi đảo xa được mua đa dạng hàng hóa với mức giá khuyến mãi, kèm nhiều quà tặng hấp dẫn. Trong đợt này, nhiều người dân cho biết đã tranh thủ mua hàng hóa thiết yếu kể cả sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Bình Thuận bởi khá lâu nữa mới lại có phiên chợ đưa hàng Việt về huyện đảo…

Thực phẩm tươi sống giảm giá đến 50% tại một trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Phan Thiết.

Có thể thấy, việc chịu khó “săn sale” của người tiêu dùng hiện nay như một cách tiết kiệm hiệu quả cho gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhất là với các mặt hàng thiết yếu, sử dụng hàng ngày… Tuy nhiên khi mua hàng trực tiếp, người tiêu dùng cần đọc kỹ các thông tin ghi trên sản phẩm hàng hóa mà pháp luật quy định: Tên hàng, địa chỉ nơi sản xuất, nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa. Với một số hàng hóa riêng biệt như thực phẩm phải in rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần cấu tạo, hướng dẫn sử dụng và cách bảo quản, trường hợp hàng nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Tại Hội thảo “Nhận diện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng” được tổ chức tại TP. Phan Thiết vừa qua, chúng tôi cũng ghi nhận một số ý kiến liên quan vấn đề này. Đặc biệt với thương mại điện tử, người tiêu dùng cần chủ động áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong đó công nghệ QR Code (mã phản hồi nhanh) được coi là giải pháp giúp người tiêu dùng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Về giá cả của sản phẩm trên “chợ mạng”, kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy nếu quá rẻ so với giá trị thực thì nên cân nhắc, vì có thể đây là dấu hiệu của một sản phẩm giả mạo hoặc kém chất lượng…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/san-sale-de-tiet-kiem-tieu-dung-118991.html