Sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của Đà Nẵng

Mô hình du lịch sinh thái phát triển từ nền tảng nông nghiệp trên đất rừng Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) không chỉ là điểm nhấn du lịch địa phương, mà còn đem lại thu nhập ổn định cho hàng chục lao động bản địa.

Ông Lê Thanh Tuấn - đại diện Khu Du lịch (KDL) Banarita Glamping Farm - cho hay KDL được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP du lịch vào top 3 sao và 4 sao của TP Đà Nẵng, cũng là một trong những sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên tại miền Trung. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc phát triển nông nghiệp, du lịch của địa phương.

Theo ông Tuấn, KDL xuất phát từ nhu cầu trải nghiệm cuộc sống nông thôn trong thời gian dài cách ly vì dịch COVID-19. Lúc này, ông và vài người bạn góp tiền, mua lại quả đồi rộng gần 5 ha trồng keo của người dân để trồng cây, nuôi cá cho khuây khỏa. Đến năm 2021, Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 82 về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Thấy thời cơ đã đến, ông Tuấn làm hồ sơ, được phê duyệt.

Từ đó, ông đầu tư cơ sở vật chất, bố trí các khu vực, nhân lực phù hợp, chuẩn hóa các khâu ngay từ đầu. Nông trại vẫn giữ nguyên hiện trạng vốn có là những triền dốc, đường mòn ngoằn ngoèo và mảnh vườn nhấp nhô. Thấy đất Hòa Phú hợp với các loại cây có múi, ông cho trồng nhiều loại cây như mít, bưởi da xanh, chuối; dựng chuồng nuôi gà, bò, ao thả cá. Đồng thời, lập khu vực trải nghiệm, vui chơi cho trẻ em, nghỉ ngơi, ăn uống hay đốt lửa trại, sinh hoạt nhóm...

Tháng 4-2023, KDL Banarita Glamping Farm đi vào hoạt động. Khoảng 10 tháng sau, KDL lọt vào top 26 sản phẩm được xếp hạng, phân loại OCOP 3 sao và 4 sao tại Đà Nẵng. Trong năm 2023, mỗi tháng KDL đón từ 2.000 - 3.000 khách đến trải nghiệm và nghỉ ngơi. Dự kiến, năm nay số lượng sẽ tăng gấp đôi.

Banarita Glamping Farm dự kiến đón hơn 5.000 khách trong năm 2024, góp phần giúp lao động địa phương làm giàu từ núi rừng

Được biết, một trong những tiêu chí chấm điểm xếp hạng sản phẩm OCOP là bảo đảm việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, KDL đang tạo việc làm ổn định cho 30 lao động chính thức và thời vụ với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Tại buổi họp của Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP do UBND TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của các chủ thể, cơ sở sản xuất, đơn vị trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chí phân hạng OCOP, đặc biệt là các chủ thể tham gia nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao.

Đồng thời, ông Trần Chí Cường mong muốn sau khi đánh giá phân hạng, các sản phẩm OCOP tiếp tục duy trì, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng và mở rộng thị trường. Qua đó, tạo nên sản phẩm đặc trưng của từng phường, xã và thành phố, tiếp cận và quảng bá cho du khách trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: Hải Định

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/san-pham-ocop-du-lich-dau-tien-cua-da-nang-196240305213253034.htm