Sân khấu kịch Việt Nam: Có nghệ sĩ phải đi bán hàng để đảm bảo cuộc sống

Những năm gần đây, nền sân khấu kịch của Việt Nam đang rơi vào tình trạng “khó khăn chồng chất khó khăn”. Dường như, đường đi của nền sân khấu kịch đang hẹp dần, nhiều nghệ sĩ đã phải bỏ nghề, ngậm ngùi tìm kiếm con đường mưu sinh khác.

Nếu ở những năm 90 của thế kỷ trước – thời kỳ được coi là đỉnh cao, kịch được xem là món ăn tinh thần của đông đảo công chúng, thì đến nay, nhiều sân khấu kịch đã phải “tắt đèn” vì không có người. Nhiều khán giả sẵn sàng bỏ vài triệu đến vài chục triệu đồng để mua vé đi xem những đêm diễn ca nhạc, thời trang... nhưng lại băn khoăn trong việc bỏ ra mấy trăm nghìn, thậm chí là chỉ mấy chục nghìn đồng để mua vé đi xem kịch.

Sân khấu kịch Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn giữa dòng chảy xã hội hóa.

Theo NSƯT Đức Hải, ở thời điểm này, sân khấu kịch của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân xuất phát từ cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Thứ nhất, chủ trương của Nhà nước là sẽ cắt giảm ngân sách đối với các sân khấu để tiến tới xã hội hóa. Ngân sách sẽ giảm dần nên các sân khấu, nhà hát sẽ phải tự hoạch toán, trừ những sân khấu trực thuộc Nhà nước, “mang màu cờ sắc áo” sẽ vẫn được hỗ trợ kinh phí cơ bản.

Các đơn vị bị cắt giảm sẽ phải tự tìm hướng đi cho mình, mà việc quen sống dựa vào “bầu sữa mẹ” thì việc “cai sữa” đối với nhiều sân khấu là rất khó khăn. Chính sách này sẽ đặc biệt khó khăn đối với nhiều sân khấu kịch phía Bắc. Còn các sân khấu kịch phía Nam thì ít ảnh hưởng hơn vì từ lâu đã quen tự thân vận động tìm hướng đi cho mình.

Tuy nhiên, NSƯT Đức Hải khẳng định, chính sách và chủ trương Nhà nước đưa ra đối với nền sân khấu kịch như vậy là đúng đắn, bởi nó phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, không chỉ có ngành văn hóa mà các ngành khác cũng đang đi theo con đường này.

Ngoài ra, nguồn kịch bản hay đang rất hạn chế cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của sân khấu kịch. Nếu như trước đây, có những nhà soạn kịch nổi tiếng như nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ... sân khấu kịch luôn có những tác phẩm hay để phục vụ khán giả, còn hiện giờ thì điều đó là rất hiếm.

Đặc biệt, hiện nay, sân khấu kịch đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình. Thị trường xuất hiện “nhan nhản” các loại hình giải trí như gameshow truyền hình, phim chiếu rạp... hay chỉ cần vài cái click trên máy tính là khán giả có bao thứ để xem, thay vì bỏ tiền mua vé đến nhà hát xem kịch. Sự cạnh tranh và phát triển của các loại hình khác khiến sân khấu kịch phần nào bị “lép vế”. Chính những khó khăn của nền sân khấu kịch hiện nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của các nghệ sĩ. Khi sân khấu đã không thể giúp họ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng thì có lẽ niềm đam mê, sự “sống chết với nghề” của nhiều nghệ sĩ cũng đã bị vơi đi ít nhiều?

NSƯT Đức Hải.

NSƯT Đức Hải trải lòng: “Ở thời bao cấp, các nghệ sĩ sân khấu kịch cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, chật vật trong việc nuôi sống bản thân, gia đình. Đến nay, khi nguồn kinh phí bị cắt giảm, những khó khăn đó càng tăng lên. Những ngôi sao, nghệ sĩ có tên tuổi, họ còn có nhiều show diễn, nhiều lời mời thì còn có thêm thu nhập. Còn, những nghệ sĩ chưa khẳng định được tên tuổi thì bị phụ thuộc hoàn toàn vào đoàn, show diễn thì ít, lương bổng thì thấp... không đảm bảo cuộc sống. Đã có rất nhiều nghệ sĩ phải làm thêm nghề tay trái, người thì bán hàng ăn, người thì bán quần áo... có cả những người đi bán hàng theo dạng đa cấp để đảm bảo cuộc sống cho mình và gia đình. Thậm chí, đã có nhiều người phải bỏ nghề vì khó khăn”.

Tuy nhiên, ngoài thù lao, cát-xê thì đối với một người nghệ sĩ, tình cảm, sự yêu mến của khán giả mới là điều vốn quý. Có những nghệ sĩ, cả một đời cống hiến cũng chỉ mong có một vai diễn “để đời”, một chỗ đứng trong lòng khán giả. Trên cương vị một người lãnh đạo và tiếp lửa cho những lớp nghệ sĩ trẻ, NSƯT Đức Hải cho rằng, cần có những biện pháp thiết thực để vực dậy nền sân khấu kịch của Việt Nam bởi, vẫn còn rất nhiều khán giả yêu mến sân khấu kịch, vẫn còn rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghề và vẫn còn rất nhiều bạn trẻ muốn theo đuổi bộ môn nghệ thuật này.

“Để nền sân khấu kịch Việt Nam có thể phát triển và hội nhập hóa tốt, chúng ta cần có những giải pháp thức thời. Về phía Nhà nước hoặc đơn vị tổ chức tư nhân, cần phải trang bị sân khấu xứng tầm với các thiết bị tối tân đáp ứng được những nhu cầu, nếu không sẽ bị lạc hậu, chậm tiến so với thời đại. Phải tìm kiếm được những kịch bản hay, nội dung tốt để thu hút khán giả. Nghệ sĩ luôn phải học hỏi và làm mới mình.

Ngoài ra, việc định hướng cho khán giả là điều vô cùng quan trọng, có khi khán giả bị mải mê, bị cuốn theo những loại hình giải trí vô bổ, nhảm nhí. Do đó chúng ta phải có những phương pháp tiếp cận và truyền bá tốt, giúp khán giả biết đến và yêu mến sân khấu kịch – bộ môn nghệ thuật truyền thống cần gìn giữ và phát huy của Việt Nam”, NSƯT Đức Hải chia sẻ.

HẢI DƯƠNG

Xem thêm video Giải trí:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/giai-tri/chuyen-lang-sao/san-khau-kich-viet-nam-co-nghe-si-phai-di-ban-hang-a167835.html